5 kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non
Trước những tình huống khẩn cấp và nguy hiểm như xảy ra hỏa hoạn, nếu được trang bị đầy đủ các kỹ năng thoát thoát hiểm, trẻ sẽ bình tĩnh, chủ động ứng phó và bảo vệ an toàn cho bản thân. Do đó, trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non rất quan trọng và cần thiết. Cùng Mầm non ILO tìm hiểu và hướng dẫn các kỹ năng này cho bé một cách dễ hiểu, dễ thực hành trong bài viết dưới đây.
Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non quan trọng như thế nào?
Trẻ mầm non thường hiếu động, non nớt và chưa thể nhận thức đầy đủ các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm, nhất là khi xảy ra sự cố cháy nổ. Do đó kỹ năng thoát hiểm khi có cháy là một trong những kỹ năng sống cần thiết mà trẻ cần được học từ sớm.
Sau đây là những lý do quan trọng mà ba mẹ cần dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy:
• Bảo vệ an toàn cho bản thân: Trang bị đầy đủ các kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho trẻ mầm non sẽ giúp tăng cơ hội an toàn tính mạng cho bé trong các tình huống nguy cấp. Khi có cháy xảy ra, trẻ biết cách nhận diện mối nguy hiểm, hạn chế hoảng loạn, hành động ứng phó nhanh chóng để tự cứu mình.
• Hỗ trợ cứu giúp những người xung quanh và giảm thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra: Trẻ biết cách xử lý nhanh, chính xác như phát hiện báo cháy kịp thời, dùng các biện pháp dập lửa như vòi nước, bình chữa cháy… không chỉ bảo vệ an toàn cho bản thân mà còn góp phần cứu giúp những người bên cạnh, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
• Tăng khả năng phản xạ và xử lý tình huống: Trang bị kỹ năng thoát hiểm khi có cháy, trẻ sẽ phản xạ tốt hơn, hiểu biết và tự tin hành động trong những giây phút quyết định để thoát hiểm. Chẳng hạn dùng quần áo ướt che mặt để tránh khói, cúi thấp người khi di chuyển, gọi người lớn hay số 114 để báo cháy và được hỗ trợ…
• Hình thành sự bình tĩnh và tự tin: Điều này cực kỳ quan trọng khi có sự cố xảy ra. Tâm lý hoảng loạn dễ khiến trẻ mất phương hướng hoặc gặp thêm rủi ro, mất an toàn. Ngược lại, bình tĩnh, tự tin giúp con hành động, xử lý linh hoạt, có thể tự cứu mình.
• Nâng cao nhận thức về an toàn: Dạy kỹ năng thoát hiểm cho bé là cách giáo dục con có ý thức phòng chống nguy hiểm cũng như các biện pháp an toàn trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn con tuyệt đối không được chơi với lửa, không tự ý chạm vào các thiết bị điện hoặc biết cách nhận diện lối thoát hiểm ở nhà, trường học, khu vui chơi…
Như vậy, việc trang bị sớm và đầy đủ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non là bước đầu bảo vệ con ở những tình huống khẩn cấp, nguy hiểm. Đồng thời giúp con hình thành ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân và kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống.
5 kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non
Dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cần được thực hiện một cách cẩn thận dựa trên kiến thức chuyên môn, độ tuổi và khả năng nhận thức của bé. Bên cạnh đó, ba mẹ cần giám sát và cho bé luyện tập thường xuyên để đảm bảo con ghi nhớ và có thể áp dụng một cách hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Dưới đây là một số kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra cần dạy cho trẻ mầm non:
1. Phát hiện cháy và xác định vị trí của lửa
Trẻ cần được hướng dẫn và học cách quan sát, phát hiện các dấu hiệu cháy gồm âm thanh của chuông báo động, mùi khét, ngọn lửa cháy, đám khói đen lớn… Ngoài ra, ba mẹ cần dạy trẻ xác định vị trí ngọn lửa để kịp thời thoát thân. Ví dụ: trẻ cần biết cách kiểm tra cửa chính và cửa sổ để xem có khói hay lửa không để tìm đường thoát…
2. Thông báo cháy cho mọi người xung quanh
Ngay sau khi nhận biết các dấu hiệu trên, trẻ phải báo ngay cho mọi người xung quanh bằng cách hô to, bấm chuông báo động hoặc gọi vào số 114 cho cảnh sát cứu hỏa nếu bé điện thoại. Song song đó, nếu nhà hoặc chung cư có chuông báo cháy, ba mẹ cần chỉ chỗ đặt chuông và hướng dẫn cách dùng để con báo cháy kịp thời.
Trường hợp ở trung tâm thương mại hay những không gian đông đúc và rộng lớn, khó có thể tìm và tiếp cận chuông báo cháy, ba mẹ nên khuyên con phải tìm cách thoát thân nhanh chóng.
3. Tìm cách thoát – kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non
Đa số trẻ trong độ tuổi mầm non chưa biết cách phản ứng khi có hỏa hoạn, thậm chí bé sợ hãi, tìm chỗ trốn như chui vào tủ, chui xuống giường, vào nhà vệ sinh… mà không tìm cách ra ngoài thoát thân. Do đó, sau khi giúp trẻ hiểu và nhận biết các nguy hiểm khi có cháy, bạn cần dạy trẻ cách thoát thân.
Hãy chỉ cho con cách thoát ra ngoài bằng cửa chính, cửa sổ, cầu thang, lối thoát hiểm… Nếu ở nhà, ba mẹ cần chỉ con vị trí lối thoát hiểm có thể sử dụng. Nếu ở trường học, nơi công cộng, ba mẹ hướng dẫn con cách quan sát và đọc biển báo chỉ lối thoát hiểm để chạy khỏi nơi có cháy nhanh chóng và an toàn.
Ngoài ra, dạy bé không cố lấy và mang theo bất kỳ thứ gì không cần thiết. Hãy tận dụng thời gian để chạy thoát, bảo vệ an toàn cho bản thân là ưu tiên số 1. Đồng thời, trên đường chạy thoát không nên đụng vào bất cứ vật dụng gì, bởi sức nóng có thể làm con bị bỏng.
>>> Xem thêm: 6 ý tưởng trang trí Noel mầm non ấn tượng, dễ thực hiện
4. Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non: Sử dụng bình cứu hỏa
Hãy chỉ trẻ vị trí đặt bình cứu hỏa ở nhà, chung cư hay trường học. Song song đó, ba mẹ dạy trẻ cách sử dụng bình cứu hỏa trong trường hợp cần thiết. Không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết, ba mẹ cần cho trẻ thực hành kỹ thuật kéo chốt (PASS), nhắm vào ngọn lửa, bóp tay cầm và quét bình chữa cháy từ bên này sang bên kia của ngọn lửa.
5. Tránh hít phải khói độc, ngạt khí – kỹ năng thoát hiểm khi có cháy
Trong quá trình tìm cách thoát nạn, bé cần giữ hơi thở khỏe mạnh, tránh hít phải khói độc, ngạt khí. Do đó, ba mẹ nên dạy trẻ cách cúi thấp người khi di chuyển, dùng khăn ướt bịt miệng và mũi để tránh khí độc.
Trong trường hợp con không thể tự thoát ra ngoài, phải đợi người đến cứu, bạn nên hướng dẫn trẻ nhúng ướt khăn, quần áo, vải và nhét vào các khe cửa để chặn đường đi của khói.
Quy tắc quan trọng khi dạy kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non
Ngoài các kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho trẻ mầm non quan trọng ở trên, ba mẹ cần lưu ý dạy trẻ các quy tắc quan trọng khi thoát hiểm dưới đây:
• Tuyệt đối không trốn vào chỗ kín: Trẻ nhỏ thường có xu hướng trốn khi hoảng loạn, sợ hãi. Tuy nhiên, trong trường hợp cháy, trẻ cần phải chạy thoát thân, tuyệt đối không trốn vào các ngóc ngách như tủ, gầm giường, sau cửa… Như vậy dễ ngạt khí, đội cứu hộ khó tìm thấy và tiếp cận.
• Chạy thoát là ưu tiên số 1: Hãy tận dụng thời gian để tìm cách và chạy thoát thân, không nên cố lấy và mang theo bất kỳ vật dụng nào không cần thiết, trừ khăn ướt, quần áo ướt có thể che chắn khói.
• Phải sử dụng thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy: Ba mẹ phải dạy trẻ tuyệt đối không sử dụng thang máy khi tòa nhà đang có cháy. Thang máy có thể ngừng hoạt động bất cứ lúc nào và tất nhiên, trẻ sẽ bị kẹt bên trong, ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân.
• Thuộc lòng các số điện thoại khẩn cấp: Ba mẹ nên dạy trẻ gọi 114 để cứu hỏa, 115 để gọi xe cấp cứu. Ngoài ra, hãy dạy trẻ học thuộc lòng tên mình, tên và số điện thoại của ba mẹ để liên hệ khẩn cấp khi cần.
• Tuyệt đối không quay lại vị trí cháy: Ba mẹ cần nhấn mạnh cho trẻ rằng, sau khi đã chạy thoát thân, không quay lại nhà hay vị trí có cháy khi chưa được cho phép.
Trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non không chỉ giúp con đối phó với những tình huống khẩn cấp mà còn giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, đối với việc học kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non, ba mẹ hãy biến việc học thành một trò chơi tình huống thú vị để con dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ hiệu quả nhé.
>>> Xem thêm: Đơn xin nhập học mầm non mới nhất và hướng dẫn cách viết