Trẻ nghiện điện thoại: Hướng dẫn từng bước giúp con thoát lệ thuộc
Điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc trẻ em tiếp xúc quá sớm và sử dụng điện thoại mất kiểm soát đã mang đến nhiều hệ lụy. Trẻ nghiện điện thoại không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của con. Vậy, khi trẻ trót nghiện điện thoại, ba mẹ cần làm gì để giúp con dứt ra khỏi nó?
Làm thế nào để nhận biết trẻ nghiện điện thoại?
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ nghiện điện thoại là bước đầu tiên và quan trọng để có những biện pháp hỗ trợ con hiệu quả. Nếu ba mẹ nhận thấy con mình có nhiều dấu hiệu dưới đây, rất có thể trẻ đã bị nghiện điện thoại và cần có sự can thiệp kịp thời để giúp con “dứt” khỏi thiết bị này.
• Trẻ sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi: Trẻ luôn cầm điện thoại trên tay, sử dụng ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào có cơ hội, cả trong bữa ăn, khi đang nói chuyện với người khác hoặc trong nhà vệ sinh. Trẻ ít nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện, thường xuyên nhìn xuống điện thoại.
• Ưu tiên điện thoại hơn các hoạt động khác: Trẻ mất hứng, bỏ bê các hoạt động yêu thích trước đây như hoạt động ngoại khóa, thể thao, đọc truyện, vẽ tranh, chơi đồ chơi, hoặc giao tiếp với người thân, bạn bè chỉ để dành thời gian cho điện thoại.
• Khó chịu, tức giận khi không thể dùng điện thoại: Trẻ tỏ ra khó chịu, cáu gắt, tức giận khi bị gián đoạn hoặc ba mẹ nhắc nhở, giới hạn thời gian dùng điện thoại. Đồng thời, trẻ cảm thấy bứt rứt, bất an khi điện thoại hết pin, mất sóng hay không có điện thoại bên cạnh.
• Trẻ giấu diếm, lén lút sử dụng điện thoại khi ba mẹ không để ý, hay nói dối về thời gian đã dùng.
• Thay đổi thói quen sinh hoạt: Trẻ có thể thức khuya để sử dụng điện thoại, bỏ bữa ăn, hoặc xao nhãng việc học tập. Thậm chí trẻ thích ở một mình với điện thoại hơn là chơi đùa và tiếp xúc với những người xung quanh.
Tác hại khi trẻ em nghiện điện thoại
Dưới đây là những tác hại mà trẻ có thể đối mặt khi dùng điện thoại quá nhiều:
• Các vấn đề về thị lực: Khi nhìn màn hình điện thoại quá lâu và ở khoảng cách gần, ánh sáng xanh có thể gây ảnh hưởng đến thị lực, khiến con gặp các vấn đề về mắt như mỏi, khô, đỏ hay nhức mắt, suy giảm thị lực, cận thị tiến triển nhanh, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể sớm…
• Gặp các vấn đề xương khớp: Việc ngồi hoặc nằm sai tư thế, duy trì một tư thế quá lâu khi dùng điện thoại và ít vận động dễ khiến trẻ gặp các vấn đề, bệnh lý xương khớp. Dễ bắt gặp nhất là đau cổ vai gáy, đau lưng, nguy cơ mắc bệnh về cột sống, đau mỏi cổ tay hay đôi tay kém linh hoạt do bấm điện thoại quá nhiều…
• Thừa cân, béo phì, chậm phát triển thể chất: Việc ưu tiên và dành thời gian quá nhiều để chơi điện thoại khiến con lười vận động làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì và các bệnh liên quan. Từ đó ảnh hưởng chiều cao và sự phát triển toàn diện thể chất của trẻ.
• Rối loạn giấc ngủ: Trẻ dành thời gian ngủ để dùng điện thoại gây rối loạn đồng hồ sinh học. Ánh sáng xanh từ màn hình ức chế sản xuất hormone gây buồn ngủ… Những nguyên nhân này khiến trẻ khó ngủ, mất ngủ, ngủ không đủ và sâu giấc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
• Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và tư duy: Bỏ qua các hoạt động bổ ích, tiếp nhận thông tin thụ động từ điện thoại quá nhiều có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, giao tiếp và tư duy logic. Đồng thời, hạn chế trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo do con bỏ qua cơ hội tương tác và tự mình khám phá thế giới xung quanh.
• Tăng nguy cơ trầm cảm: Một trong những nguyên nhân gia tăng trầm cảm ở trẻ em chính là sử dụng điện thoại quá nhiều. Sóng từ và bức xạ của điện thoại khiến trẻ căng thẳng thần kinh, gia tăng lo âu, cảm giác hồi hộp… Chưa kể, việc thu mình, thiếu tương tác xã hội trực tiếp và những nội dung tiêu cực trên mạng có thể góp phần gây ra bệnh trầm cảm.
• Kết quả học tập giảm sút, hạn chế phát triển kỹ năng mềm: Do không tập trung học tập, hứng thú với các hoạt động ngoại khóa, trò chơi vận động và giao tiếp với người xung quanh nên kết quả học tập có nguy cơ giảm sút, trẻ hạn chế phát triển kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm sống.
Cách giúp trẻ “cai nghiện” điện thoại hiệu quả
Trẻ nghiện điện thoại phải làm sao? Ba mẹ hoàn toàn có thể giúp con dần từ bỏ thói quen nghiện điện thoại nếu kiên trì, phối hợp và áp dụng các phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số cách ba mẹ có thể tham khảo và thực hiện:
1. Chia sẻ và trò chuyện cởi mở để xây dựng nhận thức cho trẻ
Ba mẹ hãy thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, giải thích và giáo dục con một cách nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi về những tác hại của việc sử dụng điện thoại. Thay vì chỉ giới hạn thời gian, ba mẹ có thể hướng dẫn và cùng con sử dụng điện thoại một cách có mục đích và lựa chọn những nội dung mang tính giáo dục, giải trí lành mạnh.
Đồng thời, việc thường xuyên trò chuyện giúp ba mẹ dễ dàng lắng nghe, thấu hiểu, rút ngắn khoảng cách thế hệ. Từ đó tạo một môi trường an toàn để con thoải mái chia sẻ khó khăn, cảm xúc của mình. Ba mẹ sẽ trở thành một người bạn đáng tin cậy đối với con.
2. Xây dựng và kiên trì thực hiện các quy định về việc sử dụng điện thoại
Ba mẹ cần cùng con thảo luận và đưa ra thời gian sử dụng điện thoại hợp lý theo từng khung giờ cụ thể. Ví dụ mỗi ngày bé chỉ được sử dụng 20 phút sau khi ăn cơm tối hay khi hoàn thành xong bài tập về nhà. Ba mẹ cần kiên quyết thực hiện quy định đã thống nhất, tránh trường hợp dễ dãi hoặc linh hoạt quá mức.
3. Ba mẹ phải làm gương cho con
Bạn cần ý thức được vai trò và trách nhiệm làm gương của mình đối với trẻ. Hãy hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại trước mặt trẻ, nhất là khi đang trò chuyện, chơi với con, trong bữa ăn hay các hoạt động sinh hoạt chung của gia đình. Đồng thời, chia sẻ để con thấy rằng, ba mẹ cần dùng điện thoại cho công việc, học tập hay giải trí cân bằng và hiệu quả.
4. Tạo ra các hoạt động thay thế và khuyến khích trẻ tham gia
Ba mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho bé, tổ chức các hoạt động chung của gia đình như đi dã ngoại, chơi trò chơi, nấu ăn, đọc sách cùng nhau. Song song đó, bạn nên tạo điều kiện và khuyến khích trẻ gặp gỡ, kết bạn, tham gia các hoạt động thể chất, các trò chơi vận động, nghệ thuật, khoa học, kỹ năng mềm… để con “quên” và không có thời gian dùng điện thoại.
Những hoạt động bổ ích này giúp con lấy lại niềm hứng thú, khám phá sở thích, năng khiếu của bản thân và cơ hội phát triển toàn diện.
5. Đồng hành và khích lệ trẻ thường xuyên
Không thật sự hiệu quả và có lợi cho trẻ nếu ba mẹ bắt ép con “cai nghiện” điện thoại đột ngột mà hãy thực hiện từng bước nhỏ. Trong quá trình ấy, ngoài việc lắng nghe, thấu hiểu, kiên trì, ba mẹ đừng quên dành cho con sự động viên, lời khen ngợi, khích lệ.
Bé sẽ rất phấn khích và có động lực nếu ba mẹ dành tặng một lời khen, một món quà nhỏ khi con thực hiện đúng quy định về thời gian sử dụng điện thoại. Hãy thử cách này, chắc chắn việc cắt giảm thời gian con dùng điện thoại sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Thời lượng sử dụng điện thoại hợp lý
Các chuyên gia khuyến cáo thời lượng cho trẻ sử dụng điện thoại được cho là hợp lý như sau:
• Trẻ dưới 2 tuổi: không nên tiếp xúc và sử dụng các thiết bị công nghệ, trong đó có điện thoại.
• Trẻ từ 3 – 12 tuổi: Có thể được sử dụng điện thoại từ 1 – 2 giờ mỗi ngày.
• Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Có thể sử dụng điện thoại, tuy nhiên, ba mẹ và trẻ cần thống nhất nguyên tắc sử dụng để hạn chế những tác động không tốt của thiết bị công nghệ này.
Tóm lại, bằng cách xây dựng nhận thức, tạo quy tắc, khuyến khích con tham gia những hoạt động thay thế hấp dẫn hay làm gương cho con, ba mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ nghiện điện thoại tìm lại sự cân bằng. Tuy nhiên, đây là một hành trình khá vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và trên hết là sự chủ động từ phía ba mẹ.
>>> Xem thêm: 9 mẹo dạy con nghe lời mang lại hiệu quả lớn