Nguyên nhân trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục và cách chữa trị
Chớp mắt hay còn gọi là nháy mắt, là một phản xạ tự nhiên giúp bảo vệ đôi mắt khỏi bị khô, ánh sáng, vật lạ… Thế nhưng chớp mắt quá nhiều có thể là biểu hiện của các vấn đề về mắt. Vậy, trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục là do đâu và cách điều trị ra sao?
Trẻ nháy mắt bao nhiêu là quá nhiều?
Nháy mắt là cơ chế tự nhiên để làm phẳng màng nước mắt trên giác mạc – cửa sổ trong suốt của mắt. Màng nước mắt có tác dụng bảo vệ bề mặt nhãn cầu, chống lại các tác nhân từ bên ngoài.
Khi chúng ta mở mắt, màng nước mắt khô lại, hình thành nên những mảng khô nhỏ trên giác mạc. Từ đây, các sợi thần kinh phát hiện sự thay đổi và kích hoạt nháy mắt để làm ẩm giác mạc.
Trong điều kiện bình thường, chúng ta chớp mắt khoảng 12 – 15 lần/phút. Ở trẻ sơ sinh, tốc độ chỉ là 2 lần/phút. Các bé 2 tuổi chớp mắt nhiều hơn, lên đến 10 – 15 lần/phút (tới thiếu niên có thể là 17 lần mỗi phút).
Như vậy, trẻ 2 tuổi được coi là nháy mắt liên tục khi số lần con chớp mắt lặp lại hơn 15 lần/phút. Nếu quan sát, ba mẹ có thể nhận thấy điều này bằng mắt thường. Một số bé không chỉ có những cơn chớp mắt nhanh mà còn có hiện tượng mím chặt mí mắt lại với nhau. Cả hai đều là tình trạng nháy mắt quá mức.
>>> Đọc thêm: [Góc giải đáp] Bé khó ngủ thiếu chất gì? 7 vi chất cần thiết
Nguyên nhân trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục
Mặc dù chớp mắt là một phản xạ bình thường, song nếu với tần suất quá nhiều thì mẹ cần tìm ra nguyên nhân. Dưới đây là những lý do khiến bé nháy mắt liên tục:
1. Có gì đó trong mắt bé
Đột nhiên bạn nhận thấy con nháy mắt quá nhiều thì cũng đừng quá lo lắng. Đây có thể là một phản ứng tự nhiên khi mắt của con có vật gì đó mắc kẹt bên trong, chẳng hạn như lông mi, cát, bụi hoặc con gì bay vô mắt.
2. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục do dị ứng
Tình trạng dị ứng khiến mắt bé có cảm giác khô. Khô mắt chính là nguyên nhân khiến con phải dụi mắt và nháy mắt nhiều hơn bình thường để đỡ khó chịu.
Bé nháy mắt do dị ứng thường đi kèm các triệu chứng như:
• Nghẹt mũi, chảy nước mũi và hắt hơi thường xuyên
• Mắt đỏ, kèm theo ngứa và chảy nước mắt
3. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục do khô mắt
Thời tiết khô hanh, môi trường ô nhiễm và nhiều khói bụi có thể làm cho bé bị khô mắt, dẫn tới nháy mắt liên tục.
4. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục do mỏi mắt
Chúng ta thường chớp mắt quá mức khi mắt bị mỏi và trẻ em cũng vậy. Nhìn chằm chằm vào màn hình tivi, máy tính hoặc điện thoại quá lâu gây mỏi mắt. Đây chính là lý do trẻ xem điện thoại nhiều bị nháy mắt.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi bị nôn về đêm do đâu, có nguy hiểm không?
5. Bé có các vấn đề về thị lực
Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn nên đưa con đi kiểm tra thị lực. Một số bác sĩ nhi khoa cho rằng đôi khi trẻ chớp mắt nhiều hơn khi cố gắng tập trung nhìn thứ gì đó.
Các dấu hiệu của vấn đề thị lực tiềm ẩn ở trẻ em gồm có:
• Thường xuyên đau đầu
• Nheo mắt khi nhìn một vật ở xa
• Nghiêng đầu khi cố gắng nhìn một vật nào đó
• Dụi mắt liên tục
• Để sách quá gần mắt hoặc phải ngồi gần tivi mới nhìn thấy được
6. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục do lác mắt
Trẻ bị lác mắt sẽ nháy mắt nhiều hơn bình thường. Lác mắt là tình trạng một mắt đang quay sang hướng khác so với mắt kia, do vậy bắt buộc bé phải nháy mắt khi nhìn.
Ở trẻ sơ sinh, lác mắt là bình thường. Khi được vài tháng tuổi, mắt bé sẽ ổn định và nhìn thẳng hàng với nhau. Tình trạng lác mắt thường xuất hiện nhiều hơn với các bé 3 tuổi trở lên.
7. Rối loạn Tic (Tic Disorder)
Rối loạn Tic là cử động bất thường ở các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được và có thể xảy ra ở 20% trẻ nhỏ. Tình trạng này khiến mắt trẻ có tật máy giật liên tục. Một khi bé bị căng thẳng, mệt mỏi hoặc thiếu ngủ thì tật máy giật này càng trở nên nặng hơn.
8. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục do viêm bờ mi
Viêm bờ mi hay còn được gọi với cái tên khác là viêm mí mắt. Tình trạng này xảy ra do mắt bị nhiễm khuẩn. Thiếu vệ sinh và chăm sóc mắt không đúng cách là nguyên nhân gây viêm.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày là do đâu?
Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục có nguy hiểm không?
Thông thường, tình trạng nháy mắt ở trẻ em sẽ tự khỏi khi lớn lên. Vậy nhưng, vấn đề này ảnh hưởng tới sinh hoạt và việc học tập của trẻ, đặc biệt là ở trường. Nguy hiểm hơn, nháy mắt còn có thể gây ra một số biến chứng.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, nháy mắt quá nhiều có thể là dấu hiệu của các bệnh về thần kinh, chẳng hạn như BEB (co thắt mi lành tính) và bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng). BEB dẫn đến mất khả năng mở mắt, trong khi bệnh Wilson có thể ngăn cơ thể loại bỏ lượng đồng dư thừa và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh trung ương.
Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu nhận thấy con có dấu hiệu nháy mắt liên tục, nhưng vẫn vui chơi và sinh hoạt như bình thường thì ba mẹ không cần phải lo lắng.
Ngược lại, nếu trẻ 2 tuổi nháy mắt, kèm các dấu hiệu khó chịu hoặc đau đớn thì bạn nên cho bé đi khám. Đặc biệt, cũng không được chủ quan với tình trạng nháy mắt kéo dài, cần cho con đi thăm khám để biết nguyên nhân và cách chữa trị.
Ngoài ra, khi nhận thấy nháy mắt bất thường kèm các triệu chứng sau, bạn cần ngay lập tức đưa con tới bệnh viện:
• Mắt đỏ ngầu, có thể có nhiều ghèn
• Chảy nước mắt hoặc mắt bị đổi màu
• Thị lực suy giảm, nhạy cảm với ánh sáng
Bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra mắt của bé và sàng lọc thị lực để tìm ra lý do vì sao con bị nháy mắt.
Cách điều trị nháy mắt ở trẻ nhỏ
Chớp mắt quá nhiều thường do các yếu tố lành tính gây ra. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị sau dựa trên nguyên nhân:
1. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục: Kiểm tra mắt con
Khi thấy bé có các dấu hiệu liên tục nháy mắt, người lớn cần kiểm tra mắt con. Điều này giúp bạn biết được có lông mi mọc ngược hoặc bất kỳ vật gì trong mắt bé hay không.
Nếu có, hãy thật nhẹ nhàng và khéo léo để loại bỏ chúng ra khỏi mắt bé. Bạn có thể thổi mắt con nhẹ nhàng để bụi bay ra ngoài, khều cho lông mi ra khỏi mắt hoặc nhỏ nước muối sinh lý giúp mắt sạch. Trong quá trình này, ba mẹ cần cẩn thận để tránh không làm xước mắt bé.
2. Cho con dùng nước nhỏ mắt nhân tạo hoặc các loại thuốc nhỏ mắt
Nếu trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục là do khô, mỏi hoặc nhiễm trùng mắt, bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị. Trong đó, nước nhỏ mắt nhân tạo được sử dụng cho trường hợp khô và mỏi mắt; thuốc nhỏ mắt có kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng mắt.
Trong một số trường hợp nhiễm trùng dai dẳng, bác sĩ nhãn khoa cũng có thể khuyên dùng thuốc nhỏ mắt steroid. Nếu chớp mắt quá nhiều là do dị ứng, thuốc kháng histamin sẽ được kê cho bé dùng.
Nếu bé nháy mắt kèm các vết xước trên giác mạc, bác sĩ sẽ kê toa thuốc dưỡng ẩm hoặc nhỏ kháng sinh. Mặt khác, bé cũng có thể được khuyên sử dụng miếng dán che mắt để cho mắt nghỉ ngơi và nhanh lành hơn.
>>> Đọc thêm: Cách chữa sâu răng cho trẻ 2 tuổi để con có hàm răng đẹp
3. Cho trẻ dùng kính theo chỉ định
Nếu bé có vấn đề về thị lực, bác sĩ đo mắt và cho con sử dụng kính phù hợp. Với trường hợp nhẹ, con sẽ được chỉ định tập các bài để cải thiện sức khỏe tổng thể của mắt.
4. Trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục: Điều trị tâm lý
Nếu nháy mắt liên tục tới từ các vấn đề về tâm lý, bé sẽ được điều trị thông qua tư vấn với bác sĩ tâm lý trẻ em. Thông thường, tình trạng máy giật sẽ tự biến mất khi bé hết lo lắng, sợ hãi.
Ngoài ra, bạn cũng cần động viên con nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động của mắt để mắt nhanh chóng hồi phục.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng nháy mắt liên tục ở trẻ nhỏ?
Hãy làm theo các bước đơn giản sau để ngăn chặn tình trạng trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt thường xuyên:
• Rửa mắt cho con bằng nước sạch và vệ sinh mắt theo lời khuyên của bác sĩ nhãn khoa. Tránh chà xát mắt trẻ.
• Phân định thời gian cho bé đọc, viết và sử dụng thiết bị điện tử để tránh tình trạng mắt phải làm việc quá sức. Mẹ cũng nên đảm bảo rằng mắt con được nghỉ ngơi trong khi dùng các thiết bị điện tử.
• Không cho bé xem điện thoại hoặc tivi quá nhiều. Hãy đảm bảo ánh sáng trong nhà không quá sáng hoặc quá mờ.
• Thường xuyên cho bé vui chơi ngoài trời để con luôn năng động, khỏe mạnh.
• Tránh gây áp lực, khiến con cảm thấy căng thẳng và lo lắng.
• Thường xuyên bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm giàu omega-3 trong bữa ăn của bé để tốt cho mắt.
• Thường xuyên vệ sinh phòng ốc. Không cho con tới những nơi khói bụi, ô nhiễm.
• Cho con ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya. Một giấc ngủ ngon giúp mắt con được nghỉ ngơi hợp lý.
• Dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ (nếu được kê toa). Với nước muối hoặc nước nhỏ mắt nhân tạo, mẹ có thể tự mua ở nhà thuốc và nhỏ cho bé. Tuyệt đối không tự dùng các loại thuốc kháng sinh cho mắt của trẻ nhỏ.
Thói quen nháy mắt thường vô hại. Thế nhưng nếu thấy trẻ em 2 tuổi bị nháy mắt liên tục, trong một thời gian dài, ba mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
>>> Đọc thêm: Nguyên nhân trẻ 2 tuổi không tập trung & 8 cách rèn sự tập trung