Kể chuyện cây khế cho bé: bài học ý nghĩa dạy con từ nhỏ
Sự tích ăn khế trả vàng là một trong những câu chuyện quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ và vẫn còn nguyên giá trị giáo dục cho đến ngày nay. Thông qua hình ảnh hai anh em với hai số phận trái ngược gắn liền với cây khế, kể chuyện cây khế cho bé không chỉ mang đến những giây phút giải trí thú vị mà còn chứa đựng những bài học quý giá về tính chăm chỉ, lòng tham và sự công bằng.
Kể chuyện cây khế cho bé – truyện cổ tích Ăn khế trả vàng
Sự tích Ăn khế trả vàng là một truyện cổ tích Việt Nam quen thuộc, kể về câu chuyện phân chia gia tài của hai anh em mồ côi cha mẹ. Ba mẹ có thể kể chuyện cây khế cho bé nghe dựa vào nội dung ILO tóm tắt dưới đây.
Ngày xửa, ngày xưa, có gia đình nọ, cha mẹ mất sớm để lại hai anh em nương tựa lẫn nhau. Người anh bản tính tham lam, ích kỷ; còn người em hiền lành, thật thà, luôn nhường nhịn và yêu thương anh mình.
Khi hai anh em lớn lên và lập gia đình, người anh muốn chia tài sản để ra ở riêng. Anh tham lam lấy hết tất cả nhà rửa, ruộng vườn, chỉ để lại cho vợ chồng em một túp lều tranh rách nát, trước nhà có một cây khế ngọt. Người em không một lời than thở, trách móc, hàng ngày siêng năng chăm sóc cây khế, mong cây sớm ra trái. Đến mùa, cây khế sai trái, trái nào trái nấy to căng, mọng nước và vàng ruộm.
Một hôm, có con chim phượng hoàng từ đâu bay tới, đậu trên cây, ăn hết quả này đến quả khác. Người em buồn rầu than thở: “Vợ chồng ta chỉ có cây khế là tài sản, chim ăn hết khế, ta biết lấy gì mà sống đây?”. Nghe vậy, phượng hoàng liền đáp:
“Ăn một quả khế
Trả một cục vàng,
May túi ba gang,
Mang đi mà đựng”.
Sau đó, chim cất cánh bay đi. Dù rất lấy làm lạ, người em sau đó vẫn nói vợ may một cái túi vải ba gang như lời chim nói. Vài hôm sau, phượng hoàng lại đến ăn khế, ăn xong, chim bảo người em lên lưng và chở người em bay đến một hòn đảo vắng. Trên đảo có rất nhiều vàng bạc, châu báu, người em lấy vừa đủ chiếc túi ba gang đã chuẩn bị rồi leo lên lưng chim trở về nhà.
Từ đó, người em trở nên giàu có và thường xuyên mang tiền, gạo giúp đỡ người nghèo trong làng nên được mọi người yêu quý. Chẳng mấy chốc, thông tin này đến tai người anh. Người anh tìm sang nhà và gặng hỏi người em. Với bản tính thật thà, người em đem mọi chuyện kể hết cho anh mình. Sau khi nghe xong, người anh bèn đòi đổi hết gia tài của mình lấy cây khế của người em. Chiều lòng anh, người em cũng đồng ý.
Ngày ngày người anh chầu chực dưới gốc cây đợi phượng hoàng đến ăn khế. Khi chim ghé đến, người anh giả vờ phàn nàn giống người em và cũng được chim đáp lời:
“Ăn một quả khế
Trả một cục vàng,
May túi ba gang,
Mang đi mà đựng”.
Thay vì may túi ba gang như em mình, người anh bảo vợ may túi mười hai gang để chờ chim đến chở đi lấy vàng. Khi chim đưa anh ra đến đảo, người anh hoa hết cả mắt vì quá nhiều vàng bạc châu báu. Người anh không chỉ nhét đầy chiếc túi mà còn vắt thêm lên người, nhét vào quần áo, phượng hoàng giục mãi mới chịu lên lưng trở về.
Phượng hoàng cố sức đập cánh bay lên nhưng vì túi vàng quá to và nặng, chim bay được một đoạn thì chao đảo, kiệt sức. Chim bảo người anh vứt bớt vàng xuống biển nhưng người anh không nghe. Chim dần đuối sức, nghiêng cánh khiến người anh và túi vàng rơi xuống biển sâu không thể trở về.
>>> Xem thêm: 15 truyện cho bé 3 tuổi ý nghĩa, nên kể cho bé nghe hằng đêm
3 bài học bổ ích khi kể chuyện cây khế cho bé
Sự tích Ăn khế trả vàng là một câu chuyện cổ tích của Việt Nam mang nhiều bài học ý nghĩa dành cho trẻ em. Khi kể chuyện cây khế cho bé, ba mẹ có thể giải thích, dạy con những bài học về tình yêu thương đối với anh chị em ruột thịt, chăm chỉ làm việc thì mới gặt hái được thành quả hay làm người thì không nên quá tham lam…
ILO gợi ý một số bài học bổ ích rút ra từ câu chuyện Ăn khế trả vàng mà ba mẹ có thể tham khảo để dạy con.
1. Phê phán lòng tham và sự ích kỷ
Truyện cổ tích Ăn khế trả vàng là một ví dụ điển hình về lòng tham và sự ích kỷ. Người anh vì tham lam, ích kỷ nên luôn muốn chiếm đoạt tất cả mọi thứ cho riêng mình, từ tài sản cha mẹ để lại đến cây khế người em dày công chăm sóc và cả vàng ở ngoài hải đảo xa xôi. Kết quả, người anh bị trừng phạt, chịu hậu quả do chính hành động tham lam của mình gây ra.
Bài học cho bé: Lòng tham là một điều xấu, nó khiến con người trở nên ích kỷ, không có được hạnh phúc, may mắn, thậm chí nhận lại hậu quả xấu. Ngược lại, sự lương thiện, biết chia sẻ và giúp đỡ người khác sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh.
Sau khi kể chuyện cây khế cho bé, ba mẹ có thể lồng ghép dạy trẻ biết cách chia sẻ, chỉ nên nhận đúng phần mà bản thân xứng đáng được nhận, không nên quá tham lam, giành giật bất cứ thứ gì không phải của mình.
>>> Xem thêm: Bài hát về mùa hè cho trẻ mầm non sôi động và đầy màu sắc
2. Kể chuyện cây khế cho bé để dạy về sự chăm chỉ và giá trị của lao động
Dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó khi ba mẹ mất sớm, người anh chỉ chia cho một cây khế nhưng người em chẳng hề oán trách, vẫn luôn chăm chỉ làm việc, chăm sóc cây khế ngày một lớn lên, đơm hoa kết trái. Chính sự siêng năng, chịu thương chịu khó của người em đã đem lại kết quả tốt đẹp, được chim thần giúp đỡ.
Bài học cho bé: Ba mẹ có thể dạy bé về giá trị của sự lao động siêng năng, chăm chỉ và không ngừng nỗ lực sẽ đạt được thành quả xứng đáng. Không có thành công nào đến dễ dàng mà không trải qua quá trình lao động và cố gắng. Đồng thời, ba mẹ dạy bé phải sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện thì chắc chắn sẽ được mọi người xung quanh yêu quý, giúp đỡ và may mắn sẽ đến.
>>> Đọc thêm: 20 mẩu truyện cho bé 2 tuổi hay và ý nghĩa
3. Bài học về sự công bằng và lẽ phải
Người em dày công chăm sóc nên cây khế ra hoa kết trái, chim phượng hoàng ăn khế trả vàng cho người em là một biểu tượng cho sự công bằng, ở hiền gặp lành. Ngược lại, người anh không làm mà muốn hưởng thành quả thì chắc chắn là điều không thể bởi cuộc sống luôn có sự công bằng, lẽ phải luôn chiến thắng.
Bài học cho bé: Qua truyện Ăn khế trả vàng, bạn dạy bé bài học về sự công bằng, biết ơn và lẽ phải trong cuộc sống. Hành động tốt sẽ mang lại điều tốt, hành động xấu sẽ mang lại hậu quả tương xứng. Đây là một bài học quan trọng để bé hiểu và có trách nhiệm với bất cứ hành động nào của mình. Đồng thời, ba mẹ cũng có thể dạy bé phải biết ơn và trả ơn người đã giúp đỡ mình.
Khi kể chuyện cây khế cho bé, ba mẹ nên cố gắng dùng chất giọng truyền cảm, sinh động để thu hút sự chú ý của bé. Song song với việc trò chuyện, giải thích, ba mẹ có thể đặt một vài câu hỏi để bé hiểu hơn về ý nghĩa câu chuyện như “Vì sao người anh không may túi 3 gang mà may túi 12 gang?”, “Hậu quả của việc tham lam của gì?… Đồng thời khuyến khích bé liên hệ câu chuyện với thực tế cuộc sống để con hiểu rõ hơn về các bài học mà câu chuyện mang lại.
>>> Xem thêm: 100 câu đố cho trẻ mầm non giải trí và phát triển tư duy