Top 5 truyện mầm non cực hay và ý nghĩa cho trẻ
Không chỉ khuyến khích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ, top 5 truyện mầm non dưới đây còn mang đến cho bé sự thích thú và nhiều bài học bổ ích. Ba mẹ hãy kể cho con nghe ngay nhé!
Vì sao nên đọc truyện mầm non cho trẻ?
Khi được 3 tuổi, bé đã có sự phát triển mạnh mẽ về khả năng ngôn ngữ. Hơn nữa, đây là độ tuổi con bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh. Việc đọc truyện ngắn cho trẻ sẽ giúp con tiếp thu được nhiều thông tin và thỏa mãn trí tưởng tượng, từ đó diễn đạt ngôn ngữ tốt hơn.
Ngoài ra, đọc truyện cho trẻ mầm non còn mang đến một số lợi ích như:
• Giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu sách: Nhờ những giờ phút đọc sách cùng ba mẹ mỗi ngày, trẻ sẽ dần hình thành thói quen đọc sách hào hứng và chủ động. Đọc sách giúp trẻ bồi đắp tình yêu cuộc sống từ những điều đẹp đẽ, giản dị trong từng trang sách.
• Phát triển khả năng sáng tạo và tư duy phản biện: Khi mẹ kể chuyện, bé sẽ đặt câu hỏi. Việc trẻ đặt câu hỏi nghĩa là con đã suy nghĩ sâu xa hơn về câu chuyện. Từ đó con phát triển khả năng tư duy phản biện và óc sáng tạo phong phú hơn.
• Xây dựng tình cảm và sự kết nối gia đình: Đọc truyện cho bé 3 tuổi còn tạo ra sợi dây kết nối tình cảm giữa ba mẹ và bé thông qua các hoạt động vui chơi và giao tiếp với con. Từ đó gia tăng sự gần gũi giữa ba mẹ cùng con cái.
>>> Xem thêm: 15 truyện cho bé 3 tuổi ý nghĩa, nên kể cho bé nghe hằng đêm
5 truyện ngắn cho bé mầm non cực hay
1. Chú Lừa hát – Truyện mầm non cho bé
Ngày xưa, có một người chuyên giặt đồ mướn có nuôi một con lừa. Hàng ngày chú Lừa giúp anh ta vận chuyển quần áo từ nhà ra bờ sông và ngược lại. Thế nhưng, Lừa không thích ăn những món mà ông chủ cho nó ăn. Vì vậy, nó quyết định đi đến một cánh đồng cỏ gần đó để ăn món ăn mà nó thích.
Một ngày nọ, khi đang đi, Lừa gặp Cáo và chúng nhanh chóng kết bạn với nhau. Chúng tìm thấy một cánh đồng trồng toàn dưa hấu và cùng nhau ăn. Dưa hấu ngon tuyệt nên Lừa ăn no say. Nó bỗng cao hứng nói với Cáo rằng: “Tôi muốn hát”.
Con Cáo đáp: “Nếu cậu hát, con người sẽ biết chúng ta đang phá hoại mùa màng của họ và họ sẽ đến đánh chúng ta mất”. Lừa không chịu nghe lời khuyên của Cáo mà vẫn cất tiếng hát. Thấy vậy, Cáo liền nhanh chóng chạy đi mất trước khi dân làng đến đánh Lừa.
Bài học rút ra: Con nên học cách lắng nghe lời khuyên của người khác.
>>> Xem thêm: 20 mẩu truyện cho bé 2 tuổi hay và ý nghĩa
2. Chú Vịt Xám – Truyện cho bé 5 tuổi
Một ngày thời tiết đẹp trời nắng ráo, Vịt mẹ dẫn đàn Vịt con đi chơi. Trước khi đi, Vịt mẹ dặn dò đàn con cẩn thận: “Các con luôn nhớ phải đi theo mẹ, theo đàn, không được tách ra đi một mình sẽ bị cáo ăn thịt đấy”.
Đàn Vịt con vui vẻ nghe lời. Tuy nhiên, vừa vào tới khu rừng xinh đẹp, chú Vịt Xám đã vội quên lời mẹ dặn. Chú lẻn đi chơi một mình, cảm thấy thích thú vì được tự do, lang thang hết nơi này đến nơi khác.
Thế rồi Vịt con đến một cái ao có rất nhiều tôm cá. Từ trên bờ nhìn xuống, chú thấy từng đàn cá, tôm bơi lội tung tăng trong nước. Thỉnh thoảng còn có một con tôm cong mình búng tanh tách.
Thích quá, Vịt con nhảy xuống mò lấy, mò để. Lúc ăn đã gần no, Vịt con mới không nhìn thấy mẹ đâu cả. Chú hoảng hốt nhảy lên bờ và gọi mẹ ầm ĩ: “Vít… vít… vít”. Gần đấy có một con cáo đang ngủ, nghe tiếng Vịt kêu, Cáo liền nhổm dậy.
Nhìn thấy chú Vịt con lạc mẹ, Cáo đi nhanh ra phía bờ ao. Khi Cáo vừa đến nơi thì cũng là lúc Vịt mẹ tìm thấy Vịt con. Vừa nhìn thấy Cáo, Vịt mẹ vội ôm Vịt Xám nhảy tùm xuống ao. Vịt Xám thoát chết trong gang tấc. Từ đó chú không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
Bài học rút ra: Con nên nghe lời ba mẹ dặn dò. Nhất là khi đến một nơi xa lạ, nếu không chú ý sẽ dễ gặp nguy hiểm.
>>> Xem thêm: Trẻ 3 tuổi chậm nói do đâu? Làm thế nào giúp bé nói tốt hơn?
3. Kiến và chim bồ câu – Mẩu truyện ngắn cho bé
Một con Kiến không may bị rớt xuống nước. Nó vùng vẫy và la lên:
– Cứu tôi với, cứu tôi với!
Nghe tiếng kêu cứu của Kiến, Bồ Câu nhanh trí nhặt một chiếc lá thả xuống nước. Kiến bám chặt vào chiếc lá và leo được lên bờ.
Một hôm, Kiến nhìn thấy người thợ săn đang ngắm bắn Bồ Câu. Nó liền bò đến, cắn vào chân anh ta. Người thợ săn giật mình. Bồ Câu thấy động ngay lập tức bay đi.
Bồ Câu gặp Kiến, cảm động nói:
– Cảm ơn cậu đã cứu tớ.
Kiến đáp:
– Cậu cũng đã cứu tớ thoát chết mà.
Cả hai đều vui vẻ vì đã giúp đỡ nhau.
Bài học rút ra: Con hãy luôn giúp đỡ người khác khi có thể. Và nếu được giúp đỡ, con hãy ghi nhớ lòng biết ơn với họ.
>>> Xem thêm: 20 bài thơ cho trẻ mầm non 3 tuổi phát triển ngôn ngữ và trí não
4. Đeo chuông cho mèo – Truyện cho trẻ mầm non
Vì mèo mà cuộc sống của họ nhà chuột vô cùng khổ sở. Ngày nào mèo cũng đi rình bắt chuột.
Một hôm, họ nhà chuột cùng tụ tập bàn tính xem làm cách nào để thoát khỏi mèo. Bàn tính mãi chuột vẫn không nghĩ ra được cách nào.
Bỗng một con chuột nhắt lên tiếng:
– Tôi xin có ý kiến. Sở dĩ chúng ta bị bắt vì chúng ta không biết được khi nào mèo đến gần. Vậy nên chúng ta hãy đeo một cái chuông ở cổ mèo. Khi nào mèo đến gần, chúng ta sẽ biết và nhanh chóng trốn thoát.
Lời đề nghị này được mọi người cùng đồng ý khen hay.
Đến lúc sau, một con chuột già đứng dậy và hỏi:
– Tốt lắm! Thế nhưng ai sẽ đeo chuông cho mèo đây?
Lũ chuột con này nhìn con kia không dám nói gì. Thấy vậy, chuột già liền bảo:
– Lời nói bao giờ cũng dễ nhưng làm được mới khó.
Bài học rút ra: Lời nói phải luôn đi kèm với hành động. Có nhiều lời nói được nhưng không làm được. Vì thế con phải suy nghĩ kỹ trước khi nói ra nhé!
5. Tiếng vọng của núi – Truyện cho bé 3 tuổi
Đang đi chơi trong núi, gấu con bỗng dưng nhìn thấy một hạt dẻ. Gấu con vui mừng reo lên: “A!”. Ngay lập tức, có tiếng “A!” vọng lại. Gấu con ngạc nhiên kêu to: “Bạn là ai?”. Thế là lại có tiếng vọng từ vách núi: “Bạn là ai?”. Gấu con hét lên: “Sao không nói cho tôi biết?”. Núi cũng đáp lại như vậy. Gấu con bực tức: “Tôi ghét bạn”. Khắp nơi cũng có tiếng vọng: “Tôi ghét bạn”. Gấu con tủi thân, òa khóc.
Về nhà, gấu con kể cho mẹ nghe. Gấu mẹ cười bảo: “Con hãy quay lại và nói với núi: “Tôi yêu bạn”. Gấu con làm theo lời mẹ. Quả nhiên có tiếng vọng lại: “Tôi yêu bạn”. Gấu con bật cười vui vẻ.
Bài học rút ra: Muốn nhận lại sự quan tâm và yêu thương của mọi người thì con cũng nên đối xử với mọi người như vậy. Nếu con cư xử không tốt thì sẽ chỉ nhận lại sự khó chịu, chán ghét.
>>> Xem thêm: Gợi ý 8 loại sách cho bé 3 tuổi bổ ích và thú vị
Cách đọc truyện cho trẻ mầm non theo từng độ tuổi
Chỉ cần đọc truyện mầm non cho trẻ khoảng 20 phút mỗi ngày là bạn đã mang đến rất nhiều lợi ích cho con. ILO xin chia sẻ một số bí quyết đọc sách hiệu quả sau đây.
1. Cách đọc truyện cổ tích mầm non cho trẻ dưới 2 tuổi
• Chọn những cuốn sách chắc chắn cho bé dưới 2 tuổi được làm bằng các kết cấu và vật liệu khác nhau.
• Cho phép bé khám phá sách. Con có thể cầm và thậm chí nhai chúng.
• Chỉ ra hình ảnh và gọi tên đồ vật. (“Nhìn con bướm kìa”). Bạn cũng có thể che bức tranh lại và chơi trò ú òa. (“Con bướm ở đâu? Con bướm ú òa!”).
• Dành thời gian để đặt câu hỏi và tạm dừng khi bạn đọc. (“Con mèo nói gì? Con mèo kêu: ‘Meo meo!’”).
2. Cách đọc truyện cho bé 3 tuổi
• Khi bạn đọc truyện mầm non cho trẻ, hãy ôm con vào lòng.
• Hãy để con tự do khám phá. Bạn có thể bỏ qua các trang hoặc đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện.
• Yêu cầu con chỉ ra những thứ trong hình ảnh. (“Quả bóng bay ở đâu? Con có thể tìm thấy quả bóng bay không?”).
• Yêu cầu con gọi tên các đồ vật trong tranh và nói về chúng. (Chỉ vào con tàu và hỏi: “Đây là cái gì?” Sau đó hỏi: “Con tàu tạo ra âm thanh gì?”).
• Sử dụng hình ảnh để dạy từ mới. (“Con có thấy kèn không? Kèn trumpet là một nhạc cụ tạo ra âm nhạc lớn”. Sau đó giả vờ chơi kèn.)
• Đặt câu hỏi về câu chuyện và cho con cơ hội trả lời. Hãy để cho con tự do tưởng tượng.
• Diễn các phần trong truyện mầm non và sử dụng giọng nói của bạn để làm cho câu chuyện trở nên sống động.
• Sử dụng câu chuyện để bắt đầu một cuộc trò chuyện. (“Nhìn này! Những con gấu đang nướng bánh quy. Con có nhớ khi chúng ta nướng bánh quy không?”).
• Nói về những mẫu truyện cổ tích mầm non con đã đọc. (“Bạn ấy đội một chiếc mũ giống như con gấu trong câu chuyện chúng ta đọc”).
3. Cách đọc truyện ngắn cho trẻ mầm non từ 4 – 5 tuổi
• Tiếp tục ôm con trong khi đọc truyện ngắn cho bé.
• Hãy để con tự chọn những cuốn truyện mầm non mà con thích.
• Đọc với diễn cảm và nhiệt tình, sử dụng các giọng đọc khác nhau cho các nhân vật khác nhau.
• Chỉ ra nhịp điệu và vần điệu trong câu chuyện. Cho bé có cơ hội lặp lại các cụm từ có vần điệu.
• Khuyến khích con bạn đặt câu hỏi về câu chuyện. (“Mẹ đang thắc mắc không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Con nghĩ sao?”).
• Giữ sách ở nơi mà con bạn có thể dễ dàng với lấy.
• Đọc đi đọc lại nhiều cuốn truyện cho trẻ mầm non. Trong quá trình đọc, bạn có thể chỉ ra các hình dạng, màu sắc, chữ cái và số quen thuộc. (“Có chữ cái ‘C’. Tên của con bắt đầu bằng chữ cái ‘C’ phải không?”).
• Trẻ em háo hức làm theo các hành vi và thói quen của ba mẹ. Bạn hãy trở thành một tấm gương tốt về một người thường xuyên đọc sách. Đọc sách ở nhà hoặc ở bất cứ nơi đâu.
• Hãy biến việc đọc truyện ngắn cho trẻ mầm non trở nên thú vị. Đó là khoảng thời gian gắn kết tình cảm gia đình vô cùng đặc biệt.
>>> Xem thêm: Top 15 truyện song ngữ cho bé giàu ý nghĩa nhân văn
Trên đây là bộ sưu tập các truyện mầm non đặc sắc mà ILO muốn gửi đến cho bạn. Hy vọng với những mẩu truyện ngắn cho bé này, ba mẹ có thể kể cho con nghe và giúp con học được nhiều điều lý thú, bổ ích.