10 lợi ích và 11 truyện kể hay cho bé
Bạn có biết kể chuyện cho bé nghe mang lại rất nhiều lợi ích to lớn? Bạn có thường xuyên đọc truyện cho con nghe không? Đừng để thế giới công nghệ làm mai một mất hoạt động ý nghĩa này nhé!
Vì sao nên kể chuyện cho bé nghe?
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người sao nhãng các hoạt động nuôi dạy con bổ ích như đọc sách hay truyện cho con. Thay vào đó, bé được làm bạn với các sản phẩm công nghệ từ sớm, không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng về sau. ILO sẽ chia sẻ10 lợi ích của việc đọc truyện cho bé trong bài viết dưới đây.
1. Dạy bé các thói quen và phẩm chất tốt đẹp
Nội dung của truyện thiếu nhi luôn hướng tới rèn cho các em những điều tốt đẹp và phê phán cái xấu. Vì thế, kể chuyện bé nghe là một trong những cách rèn cho con các thói quen và phẩm chất tốt đẹp như thật thà, trung thực, can đảm, có lòng bao dung, biết giúp đỡ mọi người…
2. Cải thiện kỹ năng nghe
Đa số trẻ em đều hiếu động, thích nói nhiều hơn là lắng nghe người khác. Thường xuyên kể chuyện cho bé ngủ chính là cách giúp con cải thiện kỹ năng nghe, biết chú ý và thấu hiểu người khác.
3. Mở rộng vốn từ
Bé đang trong giai đoạn tập nói, mẹ nên thường xuyên kể chuyện cho con. Bởi vì sách truyện chính là kho tàng phong phú để con biết nhiều hơn về từ mới, câu hay cũng như cách sử dụng chúng đúng ngữ cảnh.
>>> Đọc thêm: Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi
4. Cải thiện khả năng nói
Đọc sách truyện cho bé không chỉ nâng cao vốn từ mà còn cải thiện kỹ năng nói cho trẻ nhỏ. Bé sẽ biết cách phát âm như thế nào đúng, biết đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi ra sao. Điều này còn cải thiện kỹ năng giao tiếp cho con.
5. Giúp bé hiểu rõ về nguồn gốc và văn hóa
Truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyền thuyết… là những truyện kể cho bé trước khi đi ngủ giúp con hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn dân tộc. Thông qua sách truyện, bé hiểu được truyền thống của đất nước, thêm yêu và tự hào về quê hương.
6. Rèn trí nhớ
Mỗi ngày bạn nên đọc truyện cho bé ngủ ngon hơn. Đây cũng là cách rèn trí nhớ cho bé hiệu quả. Bé sẽ ghi nhớ nội dung, tình tiết của các chuyện mà con được nghe. Mẹ cũng có thể yêu cầu con kể lại hoặc phát triển câu chuyện theo ý mình để giúp bé ghi nhớ lâu hơn.
7. Kích thích trí tưởng tượng
Đọc sách cho con, bạn nhớ thường xuyên đặt câu hỏi tương tác và cho bé cơ hội suy đoán các tình tiết, sự việc sắp xảy ra. Đây là cách kích thích trí tò mò và trí tưởng tượng cho bé.
>>> Đọc thêm: Gợi ý thực đơn 15 ngày cho bé 2 tuổi ngon và bổ dưỡng
8. Tốt cho việc học
Truyện cho bé ngủ ngon giúp con mở rộng tầm hiểu biết về nhiều đất nước và nền văn hóa trên thế giới. Bé có nhiều kiến thức và góc đa chiều hơn. Yếu tố này tốt cho việc học sau này của con.
9. Đem lại cho bé các bài học kỹ năng sống
Kể chuyện cho bé hàng ngày chính là cách dạy con bài học về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Dạy bé biết không được đi theo người lạ, không được mở cửa cho người khác khi chưa hỏi ý kiến ba mẹ, phải nghe theo lời mẹ dặn…
10. Truyền cảm hứng đọc sách
Làm thế nào để con trở thành một người thích đọc sách khi lớn lên? Bằng cách đọc truyện cho con từ sớm, bạn đã giúp bé xây dựng văn hóa đọc ngay tại nhà. Việc làm này giúp bé phát triển niềm đam mê đọc sách. Lớn lên, con biết chọn sách và đọc thường xuyên hơn là chơi các trò chơi điện tử.
11. Gắn kết với bố mẹ
Đọc truyện cổ tích cho bé ngủ ngon chính là một phương pháp đơn giản giúp bạn và con gắn kết với nhau. Khi kể chuyện, ba mẹ và bé có cơ hội để trò chuyện, chia sẻ, trao đổi với nhau. Điều này cũng giúp bạn hiểu được suy nghĩ, tâm tư của bé.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Khám phá sự phát triển của trẻ 2 tuổi
Kể chuyện cho bé: Top 11 truyện kể cho bé hay
Quả thực đọc sách cho trẻ nghe mang lại rất nhiều lợi ích. Vì thế, bạn hãy tham khảo ngay 11 câu chuyện ý nghĩa dưới đây để thường xuyên đọc cho con.
1. Truyện cổ tích: Khỉ và cá sấu
Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó. Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu. Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông, nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng. Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại.
Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Ý nghĩa: Khi gặp phải tình huống khó khăn, con hãy bình tĩnh, dùng trí thông minh để vượt qua điều đó.
2. Kể chuyện cho bé: Hai con ngựa
Một con Ngựa trắng rất đẹp, nó được người chủ giàu có cho ăn uống đầy đủ, suốt ngày chẳng làm gì. Con Ngựa trắng thấy con Ngựa đen làm việc vất vả bèn bảo:
• Sao anh không bỏ đi chọn lấy người chủ khác cho đỡ vất vả hơn? Nếu là tôi thì tôi đã bỏ đi lâu rồi, tội gì ở lại cho khổ thân cơ chứ.
Con Ngựa đen nói:
• Tính tôi ưa lao động từ bé cho nên nhàn rỗi tôi không chịu được. Vả lại ông chủ coi tôi như người bạn, có việc vui buồn gì ông chủ cũng tâm sự cùng tôi. Vì thế tôi không nỡ lòng nào bỏ ông ấy.
Thế rồi vì một sự cố nên ông chủ trở nên nghèo túng. Túng tiền, ông ta bán con Ngựa trắng cho một người nông dân. Người nông dân bắt con Ngựa trắng kia phải làm việc. Ban đầu nó nhất quyết không chịu làm nhưng bị đánh nhiều nên rồi cũng phải làm việc.
Còn con Ngựa đen, nhờ người chủ chịu khó nên dần dần ông ta trở nên giàu có trở lại. Nghĩ lại công lao của con Ngựa đã trung thành với mình, ông ta cho nó một cuộc sống sung túc và không phải làm việc nữa.
Ý nghĩa: Truyện kể cho bé trước khi đi ngủ này dạy con hiểu tầm quan trọng của lao động. Sống ở đời không được lười nhác và cũng không nên xúi người khác như vậy. Chỉ có chăm chỉ làm việc mới có cuộc sống tốt đẹp.
>>> Đọc thêm: Tiêu chí chọn sách cho trẻ 2 tuổi và top 10 sách hay cho bé
3. Truyện ngụ ngôn: Vịt và cá rô
Cá rô lóc lách lên bờ. Đến khi nước rút, cá bị mắc cạn trên một vũng khô. Lúc nó tưởng mình sắp chết thì may mắn có bầy vịt đi qua. Cá rô bèn năn nỉ:
• Làm ơn cho xin ít nước, không tôi chết mất!
Bầy vịt đáp:
• Cứ nằm đợi đấy đi, để tụi tui đi kiếm ăn một lát rồi chiều sẽ đem nước về cho cá bơi.
Nói xong, bầy vịt lũ lượt ra đồng. Cá rô nằm chờ suốt một ngày giữa trời nắng gắt.
Chiều đến, bầy vịt đem về cho đầy tràn một vũng nước, nhưng khi đó cá đã chết khô rồi.
Ý nghĩa: Nên cố gắng thay vì dựa vào người khác, vì như thế sẽ không có kết cục tốt đẹp.
4. Kể chuyện cho bé: Ngỗng đẻ trứng vàng
Hai vợ chồng nhà nọ có một tài sản rất quý. Đó là một con ngỗng mà mỗi ngày nó đẻ ra một quả trứng vàng.
Mặc dù đã vô cùng may mắn, nhưng họ lại cho rằng nếu cứ như vậy thì sẽ không thể giàu lên nhanh chóng được. Và họ tưởng tượng ra bên trong con ngỗng ắt cũng phải chứa toàn vàng. Vì vậy, họ quyết định giết chết con ngỗng, để có thể sở hữu toàn bộ số vàng trong bụng nó ngay lập tức.
Nhưng trớ trêu thay, khi họ mổ con ngỗng ra thì thấy nó chẳng khác gì những con ngỗng bình thường cả.
Thế là họ chẳng những không thể giàu ngay lập tức như đã hy vọng, mà còn mất đi một phần đóng góp hàng ngày vào tài sản của họ.
Ý nghĩa: Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon Ngỗng đẻ trứng vàng phê phán lòng tham của hai vợ chồng nhà nọ. Truyện khuyên các bé đừng để lòng tham che mờ mắt, hãy biết bằng lòng với những gì mình có.
>>> Đọc thêm: Top 25 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non thú vị và bổ ích
5. Truyện ngụ ngôn: Ve và kiến
Ve và kiến sống gần nhau. Mùa hè, trong khi ve suốt ngày ca hát, nhảy múa thì kiến chăm chỉ đi kiếm thức ăn mang về tổ. Ve ngạc nhiên lắm, hỏi: “Kiến ơi, tại sao anh suốt ngày đi kiếm thức ăn thế? Tôi nghĩ anh thừa thức ăn rồi”.
Kiến trả lời: “Tôi đi kiếm thức ăn để dành cho mùa đông”. Ve cười: “Tôi nghĩ không cần. Trời nắng đẹp thế này, ca hát nhảy múa có phải vui hơn không?”. Kiến không nói gì, vẫn chăm chỉ đi tìm thức ăn.
Mùa đông đến, trời vừa mưa vừa lạnh. Kiến nằm ngủ trong tổ ấm áp, cảm thấy rất yên tâm vì đã có đủ thức ăn cho cả mùa đông. Còn ve thì vừa lạnh vừa đói, nó không thể tìm thấy thức ăn.
Cuối cùng, đói quá, ve đi đến tổ kiến và gọi: “Anh kiến ơi, cho tôi một ít thức ăn, được không?”. Kiến trả lời: “Tại sao anh không ca hát, nhảy múa đi? Anh sẽ không thấy đói nữa”. Ve cảm thấy rất hối hận.
Ý nghĩa: Truyện ngụ ngôn này dạy bé sống cần phải có kế hoạch, biết đặt mục tiêu như kiến chăm chỉ tìm thức ăn cho mùa đông. Đừng như ve, sống hôm nay không biết nghĩ tới ngày mai, cuối cùng bị đói.
6. Kể chuyện bé nghe: Con gấu và hai người bạn
Một ngày nọ, có hai người bạn, một béo, một gầy cùng nhau vào rừng. Đột nhiên có một con gấu xuất hiện. Chàng gầy liền nhanh chân trèo lên cây và nấp sau các cành cây. Còn chàng béo do không chạy được nhanh nên đã nằm xuống đất và giả chết.
Khi con gấu tới, nó ngửi khắp người chàng béo và nhanh chóng rời đi vì tưởng rằng anh đã chết. Anh chàng gầy từ trên cây leo xuống và đến hỏi thăm chàng béo: “Cậu không sao chứ? Con gấu đã thì thầm điều gì với cậu thế?”.
Chàng béo nhìn chàng gầy với vẻ thất vọng và trả lời: “Gấu nói với tớ là không nên chơi với người bạn bỏ mình khi gặp nguy hiểm”.
Ý nghĩa: Bạn bè phải biết giúp đỡ nhau. Dù trong hoàn cảnh hoạn nạn nào cũng không được bỏ bạn.
7. Kể chuyện cho bé: Lừa và ngựa
Người nọ có một con lừa và một con ngựa. Một hôm, có việc đi xa, ông ta cưỡi ngựa, còn bao nhiêu đồ đạc thì chất lên lưng lừa. Dọc đường, lừa mang nặng, mệt quá, liền khẩn khoản xin với ngựa:
• Chị ngựa ơi! Chúng ta là bạn đường. Chị mang đỡ tôi với, dù chỉ chút ít thôi cũng được. Tôi kiệt sức rồi.
Ngựa đáp:
• Thôi, việc ai người nấy lo. Tôi không giúp chị được đâu.
Lừa gắng quá, kiệt lực, ngã gục xuống và chết bên vệ đường. Người chủ thấy vậy bèn chất tất cả đồ đạc từ lưng lừa sang lưng ngựa. Ngựa bấy giờ mới rên lên:
• Ôi, tôi mới dại dột làm sao! Tôi đã không muốn giúp lừa dù chỉ chút ít, nên bây giờ phải mang nặng gấp đôi.
Ý nghĩa: Truyện dạy bé phải biết thương yêu và giúp đỡ những người xung quanh mình. Giúp bạn cũng chính là giúp mình và bỏ mặc bạn cũng chính là làm hại mình.
>>> Đọc thêm: Bỏ túi 7 cách dạy trẻ 2 tuổi tập nói hiệu quả
8. Truyện ngụ ngôn: Kiến và chim bồ câu
Một con Kiến không may bị rơi xuống nước. Nó vùng vẫy và la lên:
• Cứu tôi với, cứu tôi với!
Nghe tiếng kêu cứu của Kiến, Bồ Câu nhanh trí nhặt một chiếc lá thả xuống nước. Kiến bám vào chiếc lá và leo lên được bờ.
Một hôm, Kiến thấy người thợ săn đang ngắm bắn Bồ Câu. Ngay lập tức, nó bò đến, cắn vào chân anh ta. Người thợ săn giật mình. Bồ Câu thấy động liền bay đi.
Bồ Câu tìm đến chỗ Kiến, cảm động nói:
• Cảm ơn cậu đã cứu tớ.
Kiến đáp:
• Cậu cũng giúp tớ thoát chết mà.
Cả hai đều rất vui vì đã giúp nhau.
Ý nghĩa: Truyện kể cho bé Kiến và chim bồ câu dạy trẻ phẩm chất tốt đẹp, đó là phải biết giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn, hoạn nạn như Bồ Câu. Có như vậy, khi mình gặp khó khăn cũng sẽ có người không ngần ngại giúp lại mình.
9. Kể chuyện cho bé: Hai con dê
Ngày xửa ngày xưa, có một con dê trắng đang ăn cỏ trên đoạn dốc đầy cỏ của ngọn đồi gần một con suối. Dê trắng quyết định thưởng thức mùi vị cỏ trên ngọn đồi bên kia.
Một lối đi hẹp dài được làm như một chiếc cầu bắc ngang qua con suối. Trong khi đang vượt qua cái cầu, dê trắng nhìn thấy một con dê đen khác đang đến từ đồi bên kia.
Cái cầu quá nhỏ chỉ đủ cho một con đi qua mà thôi.
Dê trắng nói với con dê đen: “Để tôi qua cầu trước”.
“Bạn để tôi qua trước”, con dê đen trả lời.
Chúng bắt đầu dọa nhau và cuối cùng một cuộc ẩu đả khủng khiếp đã xảy ra.
Vì đối đầu mà dê đen và dê trắng đánh mất sự cân bằng và cả hai cùng bị ngã xuống dòng suối.
Ý nghĩa: Truyện Hai con dê dạy bé trong một số trường hợp phải biết nhường nhịn. Không phải lúc nào cũng nên dành phần thắng về mình.
10. Kể chuyện cho bé: Chú Chồn lười học
Chồn mướp sống ở khu rừng thông. Vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Tới tuổi đi học rồi, nhưng Chồn mướp vẫn không chịu đến trường, chỉ rong chơi mà thôi. Vì được nuông chiều quá, Chồn mướp đâm ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai. Ai khuyên gì cậu cũng không nghe mà còn cãi bướng.
Một hôm, Chồn mải chơi, bị lạc vào sâu trong rừng mà không biết đường ra. Cậu ta lang thang mãi mới tìm được bảng chỉ đường. Nhưng khổ nỗi, không biết chữ nên Chồn không đọc được.
Cậu ngồi xuống vừa khóc vừa hối hận, nếu chịu khó đi học biết chữ thì bây giờ đâu phải như thế này. Đúng lúc đó thì bác Sư Tử xuất hiện, Chồn tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha mạng.
Bác Sư Tử bảo: “Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ chứ gì?”. Chồn gật đầu. Được bác Sư Tử khuyên răn và chỉ đường, Chồn đã tìm về được ngôi nhà của mình. Chú mừng lắm và nhất quyết từ nay phải đi học.
Ý nghĩa: Chú chồn lười học là câu chuyện dạy bé cần phải chăm chỉ và chịu khó hơn trong học tập. Bởi vì học hành có ý nghĩa rất lớn. Đừng như chú Chồn!
>>> Đọc thêm: Dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay và 4 vòng tròn để bảo vệ cơ thể
11. Kể chuyện cho bé: Gấu con bị sâu răng
Trong rừng có một chú Gấu con rất thích của ngọt. Mật ong, bánh ga-tô, các loại kẹo, chú ăn bao nhiêu cũng chẳng chán. Gấu con nhai kẹo suốt ngày. Nhiều hôm đi ngủ rồi mà mồm vẫn còn ngậm kẹo.
Một hôm, răng Gấu con đau nhức. Nó ôm mặt khóc tu tu. Bao nhiêu bánh kẹo thơm ngon nhưng vì đau răng nên chẳng nhấm nháp được tí nào. Ở lớp học, cô giáo Sơn Dương luôn căn dặn học sinh:
• Sau khi ăn phải đánh răng, nhất là sau khi ăn đồ ăn ngọt!
Nhưng Gấu con chẳng chịu nghe lời. Nó bảo:
• Đánh răng trôi mất vị ngọt thì tiếc lắm!
Mẹ đưa Gấu con đến bệnh viện, bác sĩ Khỉ nói ngay:
• Răng cháu bị sâu hết cả rồi!
Gấu con ngạc nhiên nói:
• Cháu có ăn sâu bọ bao giờ đâu mà sâu lại cắn vào răng cháu ạ?
Bác sĩ Khỉ cười phá lên giải thích:
• Cậu bé ngốc ơi! Đó là do thức ăn, nhất là các loại bánh kẹo bám vào răng. Nếu không được đánh rửa sạch, lâu ngày sẽ biến thành “sâu” đục thủng chân răng, làm răng cháu đau nhức và có thể bị gãy hoặc lung lay. Cháu ăn nhiều đồ ngọt xong không chịu đánh răng đúng không?
Gấu con cúi đầu khẽ “vâng”.
Bác sĩ Khỉ ân cần chữa răng cho Gấu con và dặn:
• Từ nay về sau, cháu phải đánh răng buổi sớm khi mới ngủ dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Có thế mới giữ được những chiếc răng còn lại.
Gấu con sung sướng đáp:
• Vâng ạ!
Ý nghĩa: Đây là truyện kể dạy trẻ nhỏ phải biết giữ gìn vệ sinh răng miệng, sau khi ăn đồ ngọt phải đánh răng. Nếu không thì răng bé sẽ bị sâu, đau và phải tới gặp bác sĩ.
Những lưu ý khi kể chuyện cho bé
Đọc truyện cho bé để mang lại nhiều lợi ích và khiến bé hứng thú với câu chuyện, mẹ cần lưu ý những điều sau:
• Tùy vào độ tuổi của bé mà lựa chọn câu chuyện có nội dung phù hợp. Không nên đọc cho bé nghe những câu chuyện có nội dung quá phức tạp so với lứa tuổi của con, vì trẻ sẽ không hiểu được hết.
• Đọc truyện cho con cần phải kết hợp với ngôn ngữ hình thể (cử chỉ tay chân) và biểu cảm gương mặt.
• Kể chuyện bằng nhiều phương pháp khác nhau để tạo hứng thú cho bé. Nên sử dụng giọng điệu, âm thanh vui nhộn và biểu cảm để cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn.
• Đừng đọc xuôi một chiều mà hãy thường xuyên tương tác với con. Hỏi con một số câu hỏi, cho bé nhìn hình đoán nội dung, hỏi bé về ý nghĩa câu chuyện.
Tóm lại, nên thường xuyên kể chuyện cho bé để mở rộng vốn hiểu biết và dạy trẻ nhiều bài học bổ ích. Bạn tham khảo những truyện kể hay cho bé mà ILO gợi ý trong bài viết để đọc cho bé nghe hàng ngày nhé! Chúc mẹ và bé có nhiều khoảnh khắc thú vị bên nhau.
>>> Đọc thêm: Khám phá phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non