Kể chuyện cổ tích cho bé: 5 truyện hay kể cho bé trước giờ ngủ
Những câu chuyện cổ tích nhẹ nhàng, giàu ý nghĩa không chỉ giúp bé ngủ ngon giấc, có những giấc mơ đẹp mà còn dạy con những bài học giá trị về đạo đức và cách hành xử trong cuộc sống. Trong bài viết này, ILO gợi ý một số truyện thú vị, phù hợp để ba mẹ kể chuyện cổ tích cho bé trước giờ đi ngủ.
Lý do bạn nên kể chuyện cổ tích cho bé trước giờ đi ngủ
Truyện cổ tích đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Từ truyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa đến Cô bé quàng khăn đỏ, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn… đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức mỗi người. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng những nội dung thú vị, kỳ diệu và những bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự dũng cảm hay sự chiến thắng của lẽ phải…
Dù thời gian trôi qua, Internet phát triển, những câu chuyện cổ tích vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn vốn có, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ và góp phần hình thành nhân cách của bao đứa trẻ. Dưới đây là những lợi ích quan trọng giúp ba mẹ có động lực duy trì thói quen kể chuyện cho bé trước giờ đi ngủ mỗi ngày.
• Giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn: Những câu chuyện cổ tích sắc màu, nhẹ nhàng và lý thú sẽ giúp bé thư giãn, tạo cảm giác an toàn và dễ đi vào giấc ngủ. Kể chuyện cổ tích cho bé trước giờ ngủ cũng là cách hiệu quả để thiết lập thói quen ngủ khoa học cho con ngay từ nhỏ.
• Phát triển trí tưởng tượng và khả năng tư duy: Sự đa dạng, siêu thực và thú vị của các câu truyện cổ tích đưa bé vào thế giới mới lạ, diệu kỳ. Nhờ đó kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Ngoài ra, các yếu tố kịch tính, giải quyết nút thắt, vấn đề thường thấy trong các câu truyện cổ tích còn giúp bé học cách tư duy logic, giải quyết vấn đề.
• Mở rộng vốn từ và khả năng giao tiếp: Nghe kể chuyện thường xuyên cũng như quá trình trao đổi giữa mẹ và bé khi kể chuyện sẽ giúp con làm quen từ mới, cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp một cách tự nhiên. Đây cũng là nền tảng tốt để trẻ phát triển kỹ năng đọc viết sau này.
• Phát triển cảm xúc và xây dựng nhân cách: Đa phần các câu truyện cổ tích đều mang ý nghĩa giáo dục, chứa đựng bài học đáng quý trong cuộc sống như lòng trắc ẩn, sự sẻ chia, tính trung thực, chăm chỉ… Kể chuyện cổ tích cho bé thường xuyên góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con hiểu hơn về các giá trị đạo đức và cách đối nhân xử thế trong cuộc sống.
• Gắn kết tình cảm gia đình: Khoảng thời gian kể chuyện là lúc ba mẹ và bé có thể gần gũi nhau hơn, tạo nên những kỷ niệm đẹp và sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Bé sẽ cảm thấy an toàn và được yêu thương nhiều hơn.
>>> Xem thêm: 20 mẩu truyện cho bé 2 tuổi hay và ý nghĩa
Top truyện hay và ý nghĩa nên kể chuyện cổ tích cho bé
ILO tóm tắt một số truyện cổ tích hay và gần gũi để ba mẹ tham khảo và lựa chọn kể cho bé nghe sau đây:
1. Kể chuyện cổ tích cho bé: Cây tre trăm đốt
Thuở xưa, ở ngôi làng nọ, có một chàng trai mồ côi hiền lành, khỏe mạnh tên Khoai. Vì gia cảnh nghèo khó, Khoai phải làm đầy tớ cho nhà phú ông giàu có bậc nhất trong làng. Còn phú ông, vì muốn Khoai dốc lòng dốc sức làm tất thảy mọi việc cho nhà mình, ông ta ngỏ lời với chàng trai hãy cố làm việc chăm chỉ để ba năm nữa, khi con gái ông lớn lên sẽ gả cho anh. Tin vào lời hứa, Khoai hết lòng làm việc quên cả ngày đêm, vất vả.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, đến ngày hẹn, phú ông bội ước muốn gả con gái cho một người giàu có. Ông ta bày mưu, ra điều kiện Khoai phải tìm được cây tre có đủ một trăm đốt mang về làm sính lễ thì mới chịu gả con gái cho. Nghe phú ông nói, Khoai ngẩn người ra nhưng rồi cũng vội vàng mang rựa vào rừng sâu tìm cho ra cây tre trăm đốt.
Nhưng, trên đời này làm gì có cây tre dài trăm đốt. Cứ mỗi cây tre chặt xuống là Khoai lại thêm một nỗi thất vọng. Khoai tiếp tục đi vào rừng sâu hun hút, vẫn cố tìm và chặt những cây tre cao nhất nhưng chưa tìm được cây tre nào quá 40 đốt.
Sức cùng lực kiệt, vết thương khắp người, anh quăng rựa xuống đất rồi ngồi sụp xuống khóc. Lúc này, bụt hiền từ hiện ra, thương tình dặn Khoai hãy chặt đủ 100 đốt tre thật đẹp rồi đọc câu thần chú “khắc nhập, khắc nhập”, các đốt tre sẽ dính liền vào nhau tạo thành một cây tre trăm đốt; còn khi đọc “khắc xuất, khắc xuất”, cây tre lập tức tách rời từng đốt để anh dễ dàng vác về nhà phú ông.
Vâng lời bụt, khoai vác 100 đốt tre băng qua rừng sâu núi thẳm trở về. Khi vừa tới nhà phú ông cũng là lúc cỗ bàn linh đình đã sắp sẵn, cô con gái và chàng rể giàu có đã chuẩn bị làm lễ cưới. Biết mình bị lừa, Khoai bình tĩnh gọi phú ông tới để cây tre trăm đốt làm sính lễ như lời hứa. Ngay khi nhìn thấy 100 đốt tre rời rạc, phú ông vô cùng đắc ý và cho rằng Khoai ngớ ngẩn, làm sai điều kiện của lão ta.
Khoai liền làm theo lời bụt dặn, phép màu xuất hiện, 100 đốt tre ngay lập tức dính lại thành một cây tre cao ngất, khiến cả thân người phú ông dính lủng lẳng vào thân tre. Khoai liên tục “khắc xuất, khắc xuất”, “khắc nhập, khắc nhập” khiến phú hộ và đàng trai, đàng gái đều dính vào cây tre rồi rớt từ trên cao xuống, đau đớn kêu la thảng thốt. Quá sợ hãi, phú ông quỳ lạy van xin Khoai và đồng ý gả con gái cho anh. Từ đó, chàng Khoai và con gái phú ông sống hạnh phúc bên nhau.
Bài học dạy bé: Truyện Cây tre trăm đốt đề cao lòng trung thực, sự chăm chỉ, đồng thời phê phán thói gian dối, tham lam. Sau khi kể chuyện cổ tích cho bé, ba mẹ có thể dạy con điều thiện luôn chiến thắng điều ác, lẽ phải luôn đứng về phía những người lương thiện, chăm chỉ.
>>> Xem thêm: Kể chuyện đêm khuya cho bé: 5 truyện giúp bé ngủ ngon
2. Kể chuyện cổ tích cho bé Sự tích cây vú sữa
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, có hai mẹ con nghèo sống nương tựa vào nhau nhưng cậu con trai ham chơi, ngỗ nghịch. Một lần, vì bị mẹ mắng nên cậu giận dỗi bỏ nhà đi. Người mẹ đau lòng, ngày ngày đứng ở cửa đợi con trở về. Sau nhiều ngày lang thang, chịu nhiều khổ cực, đói khát và nhớ mẹ nên cậu quyết định quay về nhà.
Khi về đến nhà, cậu bé bàng hoàng thấy ngôi nhà trống vắng và mẹ đã không còn. Nhớ mẹ và hối hận, cậu bé ôm gốc cây trước nhà gào khóc nức nở. Kỳ lạ thay, các cành cây rung rinh như ôm choàng lấy cậu, từ thân cây mọc ra những quả xanh dần chuyển sang màu hồng, vỏ căng bóng rồi rơi vào lòng cậu. Cậu bé đưa lên miệng ăn thử, từ bên trong, một dòng sữa trắng ngọt ngào thơm nức tiết ra như sữa mẹ.
Hóa ra, đây là cây mẹ cậu đã hóa thành sau khi mất để tiếp tục che chở, yêu thương cậu bé. Sau này, cây được trồng khắp mọi nơi và người ta đặt tên là cây vú sữa như một lời nhắc nhớ về tình mẫu tử thiêng liêng và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Bài học khi kể chuyện cổ tích cho bé: Truyện sự tích cây vú sữa ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, nhắc nhở con cái phải biết yêu thương, vâng lời và trân trọng cha mẹ khi còn có thể.
>>> Đọc thêm: Top 5 truyện mầm non cực hay và ý nghĩa cho trẻ
3. Sự tích dưa hấu Mai An Tiêm
Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con trai nuôi khôi ngô tuấn tú tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm. Khi lớn lên, An Tiêm được vua cha cưới vợ và trọng dụng trong các công việc của triều đình. Chàng trai này thông minh, chăm chỉ nhưng có tính tự lập. Tiêm cho rằng tự mình gầy dựng sự nghiệp chứ không cần nhờ ai ban phát. Vô tình, những lời nói của An Tiêm đến tai vua, vua cho rằng An Tiêm kiêu ngạo, vô ơn bèn tức giận đày vợ chồng An Tiêm ra một hòn đảo xa xôi.
Bị đày ra đảo hoang, vợ chồng An Tiêm cùng đứa con trai sống hiu quạnh. Họ ra sức khai khẩn đất hoang, trồng trọt để kiếm sống. Vào một ngày mùa hạ, có một con chim từ phương tây bay đến, đậu trên bãi cát và nhả xuống một vài hạt màu đen. Ít lâu sau, hạt nảy mầm, dây bò dài ra đất, lá sum suê và cho ra rất nhiều trái có vỏ màu xanh. Lấy làm lạ, An Tiêm hái nếm thử, bên trong trái này có màu đỏ mọng, nhiều nước, ngon ngọt và mát dịu. Tiêm nghĩ bụng “loại giống này không trồng mà có tức là lộc của trời nuôi ta đó”.
Nghĩ rồi Tiêm lấy hạt gieo trồng khắp nơi. Một ngày nọ, có một chiếc tàu chở người bị dạt vào hòn đảo, mọi người thấy trái lạ đầy trên bãi cát nên hái ăn thử. Thấy vừa ngon vừa lạ, họ đua nhau đổi thực phẩm lấy trái mang về. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều tàu buôn ghé đảo đổi thực phẩm, vật dụng… cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó, cuộc sống của đôi vợ chồng trở nên đầy đủ, sung túc hơn.
Ít lâu sau, vua Hùng biết chuyện, cảm phục tài trí và nghị lực của người con trai nuôi nên đón cả nhà An Tiêm trở về triều đình, phục lại chức vị. Từ đó, loại trái này được nhân giống, trồng ở khắp nơi ở vùng đất cát, làm giàu cho quê hương đất Việt và được gọi tên là dưa hấu.
Bài học khi kể chuyện cổ tích cho bé: Truyện Sự tích dưa hấu đề cao đức tính tự lập, kiên trì, chăm chỉ lao động. Ba mẹ có thể vừa kể chuyện, vừa dạy bé dù trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm chỉ, vượt qua khó khăn bằng chính sức lao động của mình.
>>> Xem thêm: 15 truyện cho bé 3 tuổi ý nghĩa, nên kể cho bé nghe hằng đêm
4. Kể chuyện cổ tích cho bé: Thánh Gióng – truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương
Ngày xưa, ở một ngôi làng nhỏ, có hai vợ chồng già hiền lành nhưng mãi chưa có con. Một ngày nọ, người vợ bước ra đồng và bất ngờ thấy một dấu chân rất lớn. Bà tò mò ướm thử, kỳ lạ thay, sau đó bà mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, đạt tên là Gióng. Đến ba tuổi, Gióng vẫn không biết nói, không biết cười và cũng không biết đi.
Khi giặc Ân kéo đến xâm lược nước ta, vua sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài cứu nước. Nghe tin đó, cậu bé bất ngờ cất tiếng nói đầu tiên, nói mẹ gọi sứ giả vào nhà thưa chuyện. Mẹ cậu vô cùng ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo lời con. Gióng dõng dạc nói sứ giả về tâu vua đúc ngựa sắt, nón sắt, roi sắt, áo giáp sắt để mình đánh giặc.
Khi nhà vua cho người đem ngựa sắt, nón sắt đến, Gióng vươn mình lớn nhanh như thổi. Từ một đứa trẻ, cậu trở thành một người khổng lồ, vạm vỡ và ăn khỏe như vũ bão. Trước khi đi, mẹ dọn cho Gióng một bữa cơm cà nhưng chẳng thấm vào đâu. Dân làng phải cùng nhau góp gạo, góp cà nấu đủ bảy nong cơm, ba nong cà cho Gióng ăn.
Sau đó, Gióng mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, cầm roi sắt và phi lên ngựa sắt. Gióng vỗ một cái, ngựa thét ra lửa, roi vút như bay, Gióng nhắm thẳng về hướng có giặc Ân mà phi ngựa tới. Đánh giặc tan tác, gãy roi sắt, Gióng nhổ tre hai bên đường làm vũ khí, quét sạch lũ giặc ra khỏi bờ cõi nước ta. Thắng trận, Gióng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Sóc Sơn, cởi áo giáp rồi bay thẳng lên trời. Để ghi nhớ công ơn, dân làng đã lập đền thờ, gọi ông là Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương.
Bài học khi kể chuyện cổ tích cho bé: Truyện Thánh Gióng ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường của nhân dân ta trong việc bảo vệ quê hương. Qua đó, ba mẹ dạy bé tình yêu quê hương, dân tộc, sức mạnh của lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết.
>>> Đọc thêm: Top 25 phim hoạt hình trẻ em yêu thích
5. Cô bé quàng khăn đỏ
Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé dễ thương, ngoan ngoãn, hay đội chiếc khăn màu đỏ mà bà đan cho nên thường được mọi người gọi là cô bé quàng khăn đỏ. Một ngày nọ, mẹ nhờ cô bé mang một giỏ bánh trái đến thăm bà ngoại bệnh nặng đang sống một mình. Trước khi đi, mẹ dặn cô bé quàng khăn đỏ đi thẳng đến nhà bà, không được la cà và tuyệt đối không nói chuyện với người lạ.
Trên đường đi, cô bé gặp một con sói ranh mãnh. Sói giả vờ tử tế bắt chuyện và hỏi cô bé đi đâu. Sau khi biết cô bé đến nhà bà ngoại ở phía bên kia cánh rừng, sói ấp ủ kế hoạch nên lừa cô bé đi đường vòng hái hoa, còn nó đi đường tắt đến nhà bà ngoại trước. Đến nơi, sói nuốt chửng bà rồi đội chiếc mũ, mặc quần áo của bà và leo lên giường nằm.
Cô bé quàng khăn đỏ tung tăng hái đầy giỏ hoa mới nhớ ra bà ngoại đang chờ nên vội vã đến thăm bà. Khi đến nơi, cửa nhà đã mở sẵn, cô bé gọi bà nhưng không thấy bà trả lời. Lo lắng, cô bé tiến tới gần giường và cất tiếng:
• Bà ơi! Bà ốm lâu chưa bà?
Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…
• Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.
Cô bé quàng khăn đỏ tiến đến cạnh giường, nhưng cô bé ngạc nhiên lùi lại hỏi:
• Bà ơi! Sao hôm nay tai bà to thế?
Chó Sói vừa rên vừa đáp:
• Tai bà to để bà nghe cháu nói được rõ hơn.
• Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
• Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
Chưa tin, cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi:
• Thế còn miệng bà, sao hôm nay miệng bà to thế?
• Miệng bà to để bà ăn thịt cháu dễ hơn.
Cô bé quàng khăn đỏ sợ hãi hét một tiếng thật to. Sói vùng dậy, nuốt chửng cô bé vào bụng. Lúc này, có một chú thợ săn đi ngang qua, nghe tiếng cô bé và chó sói biết có chuyện chẳng lành. Chú thợ săn rình khi con sói no nê đang nằm ngủ giữa nhà liền dùng dao rạch bụng sói giải cứu hai bà cháu. Kể từ đó, cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ quên lời mẹ dặn, không tin theo người lạ và ham chơi la cà.
Bài học khi kể chuyện cổ tích cho bé: Truyện Cô bé quàng khăn đỏ dạy bé phải cảnh giác, vâng lời cha mẹ và không tin tưởng người lạ để tránh nguy hiểm.
Ngoài những truyện mà ILO gợi ý ở trên, ba mẹ có thể tìm kiếm thêm nhiều truyện cổ tích Việt Nam cũng như nước ngoài ý nghĩa và thú vị qua sách, Internet, kênh Youtube, postcast… Hãy duy trì thói quen kể chuyện cổ tích cho bé mỗi tối để giúp con phát triển toàn diện cả về trí tuệ, cảm xúc và thói quen tốt trong cuộc sống nhé.
>>> Xem thêm: Kể chuyện cây khế cho bé: bài học ý nghĩa dạy con từ nhỏ