[Recap] BÁC SĨ TRƯƠNG HỮU KHANH HÓA GIẢI NỖI LO F0 NƠI HỌC ĐƯỜNG

[Recap] BÁC SĨ TRƯƠNG HỮU KHANH HÓA GIẢI NỖI LO F0 NƠI HỌC ĐƯỜNG

09/06/2023

Tại hội thảo giáo dục định kỳ được livestream hôm Chủ nhật, ngày 12/12 vừa qua với chủ đề mang tính thời sự SỨC KHỎE VÀ AN TOÀN CHO TRẺ MẦM NON MÙA TỰU TRƯỜNG, Bác sĩ Trương Hữu Khanh cùng đại diện của Hệ thống Mầm non ILO Academy đã mang đến cho các bậc cha mẹ những thông tin rất thiết thực và hữu ích. Chúng tôi xin gửi đến Quý Phụ huynh các giải đáp quan trọng, giúp Ba Mẹ vơi nỗi lo khi chuẩn bị cho con trở lại trường học.

Có nên cho trẻ mầm non đi học khi dịch bệnh vẫn chưa thực sự được khống chế hoàn toàn?

Theo Bác sĩ - Thầy thuốc ưu tú Trương Hữu Khanh, gia đình và nhà trường nên tạo điều kiện cho trẻ đến trường với hai lý do. Thứ nhất, cho đến thời điểm hiện tại, trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 hầu hết ở thể nhẹ. Thứ hai, trẻ khó lây cho người lớn và người lớn cũng khó lây cho trẻ. 


Ngoài ra, trẻ ở nhà 24/24 vẫn không đảm bảo an toàn trước nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là khi cha mẹ đi làm hằng ngày tiếp xúc với nhiều người, bao gồm F0 tiềm ẩn. Do đó, cho con ở nhà không phải là cách phòng dịch.  


Với kinh nghiệm hơn 30 năm tiếp xúc với trẻ nhỏ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm, trẻ sống cùng người lớn đeo khẩu trang suốt ngày không phải là điều tốt. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ, vì con không thể nhìn biểu cảm khuôn mặt của người thân. 


Bác sĩ cũng nhấn mạnh, sự hội nhập của trẻ cũng quan trọng như của người lớn vậy. Nếu chậm, chúng ta có thể “mất” cả một thế hệ, bởi hai năm qua, các em đã bị trì hoãn rất nhiều trong hành trình giáo dục. Chúng ta không thể mong dịch bệnh kết thúc mới mở cửa trường học. Điều quan trọng là nhà trường cần chuẩn bị kế hoạch rõ ràng, chu đáo để xử lý tình huống một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh khi có F1, F0 tại học đường. 


Làm thế nào nhắc nhở trẻ bảo vệ bản thân trong việc đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, giữ khoảng cách an toàn…?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, gia đình và nhà trường chỉ cần hướng dẫn đúng cách và làm gương cho trẻ, con sẽ thực hiện tốt việc rửa tay, đeo khẩu trang và các biện pháp giữ vệ sinh - an toàn mùa dịch. Thực tế, trẻ em tuân thủ rất tốt các nguyên tắc. Thay vì quá lo lắng, Ba Mẹ chỉ cần nhắc nhở thường xuyên để tạo thói quen cho con, tương tự như việc rèn luyện các thói quen khác.


Trong trường hợp trẻ nhiễm bệnh, điều cần thiết đầu tiên là người lớn không quá lo lắng. “Con sẽ sớm vượt qua và bình phục”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định dựa trên kinh nghiệm tiếp xúc với F0 nhiều nhất Việt Nam. 


Làm thế nào giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, giúp Ba Mẹ yên tâm hơn trong mùa dịch?

Sức đề kháng của trẻ nhỏ được hình thành từ:

  • Việc bú sữa mẹ khi mới chào đời.

  • Tiêm ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

  • Vận động thể chất hằng ngày.

  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ và ngon giấc.

  • Ăn uống đủ chất.

Ngoài ra, Ba Mẹ có thể cho con bổ sung thêm vitamin D vì trẻ bị hạn chế ra ngoài trời suốt thời gian giãn cách xã hội vừa qua.


Những em bé có bệnh lý về phổi, hô hấp… có nên đi học tại thời điểm này hay không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, chỉ những bệnh nhi mắc các chứng bệnh nặng về tim mạch, thận, não… mới có nguy cơ cao trước Covid-19. Vốn dĩ, các em cũng không thể đến trường như trẻ khác. 


Trẻ có tiền sử mắc các bệnh lý hô hấp thông thường như hen suyễn, sổ mũi…, nếu phụ huynh kiểm soát tốt, con vẫn có thể đi học. Như vậy, bất kỳ trẻ em nào sinh hoạt, vận động bình thường đều không phải là đối tượng nguy cơ cao của Coronavirus. 


Kịch bản nào cần chuẩn bị khi có F0 tại trường mầm non?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, khi trong gia đình có người lớn nhiễm bệnh, trẻ có thể lây hoặc không. Ba Mẹ không cần test nhanh cho trẻ nếu con không có các dấu hiệu của bệnh. Trường hợp trẻ chuẩn bị sang thăm ông bà hoặc đến trường, gia đình có thể test cho con.


Hiện nay, trẻ mắc Covid-19 đều thuộc bệnh lý viêm hô hấp trên, vốn rất thường gặp ở trẻ. Do đó, phụ huynh chỉ cần xử lý các triệu chứng như khi trẻ nhiễm bệnh thông thường. 


Khi phát hiện học sinh F0, nhà trường có thể cách ly trẻ với các học sinh khác, đồng thời theo dõi các trẻ F1 để đảm bảo an toàn. 


Điều quan trọng nhất là một tinh thần vững vàng, bình tĩnh, tránh hoảng loạn, căng thẳng. Khi hòa nhập, chúng ta không thể mong không có F0, mà hãy mong rằng mỗi người, mỗi tập thể có thể xử lý tình huống một cách nhẹ nhàng, trơn tru với các quy trình đã được lập kịch bản sẵn. 


Trẻ mầm non có nên tiêm vaccine Covid-19?

Theo thông tin từ Bác sĩ Trương Hữu Khanh, vaccine Covid-19 có thể chia làm ba nhóm. Riêng nước Cuba chia thành bốn nhóm. 


Nhóm 1: Người vừa bước sang tuổi 13 đến tuổi trưởng thành, tiêm liều giống nhau.

Nhóm 2: Trẻ từ 5 tuổi đến hết 11 tuổi, tiêm liều bằng một phần ba nhóm 1.  

Nhóm 3: Người từ 18 đến 65 tuổi (nước Cuba).

Nhóm 4: Trẻ dưới 5 tuổi (nước Cuba).


Trẻ từ 5 - 11 tuổi đã quen với việc tiêm vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Các biểu hiện thường gặp sau tiêm gồm: sốt, ho, sổ mũi, nhức mỏi… Phụ huynh chỉ cần bình tĩnh theo dõi. Trẻ dưới 5 tuổi hiện chưa có kế hoạch tiêm vaccine tại Việt Nam.


Bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ mắc các bệnh khác ở trẻ nhỏ khi hòa nhập xã hội mà chưa tiêm đủ các mũi trong chương trình. Đây là điều các bậc cha mẹ cần quan tâm.


Phụ huynh nên cho con tiêm các loại vaccine nào để yên tâm hơn khi trẻ đến trường?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh tham vấn bốn loại vaccine trẻ mầm non cần được tiêm đủ khi hòa nhập xã hội:

  1. Thủy đậu

  2. Sởi, quai bị, Rubella

  3. Phế cầu

  4. Cúm


Chủng Omicron có đáng lo ngại cho trẻ hay không?

Hầu hết các dịch bệnh đều đáng lo ngại với trẻ em. Tuy nhiên, với những quan sát và tìm hiểu của mình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, chủng Omicron không nguy hại đối với trẻ.


Việc tái nhiễm (tái dương tính) ở trẻ cũng hầu như không xảy ra, hoặc không có dấu hiệu gì đáng kể để chúng ta nhận ra. 


Khả năng hồi phục của trẻ mắc Covid-19 là 2 - 3 - 5 ngày. Sau đó, gia đình có thể cho trẻ cách ly tại nhà thêm 7 - 10 ngày để hạn chế khả năng lây. Ngoài ra, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh không nên tách trẻ với ba mẹ khi cả nhà nhiễm bệnh, nhất là khi người lớn đã tiêm vaccine đủ 2 - 3 mũi. 


Quý Phụ huynh có thể xem lại buổi hội thảo trực tuyến tại đây: https://www.facebook.com/iloacademy/videos/882429739067969



Liên lạc ngay với chúng tôi

Đặt lịch tham quan trường

Trung tâm ILO

  • ILO Gò Vấp
    380 Nguyễn Văn Lượng, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM
  • ILO Tân Định
    52 Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM
  • ILO Nam Sài Gòn
    Block A, tầng trệt & tầng 1, chung cư Saigon South Residences, Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP.HCM
  • ILO Tân Phú
    22A-24 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM
  • ILO Bình Dương
    Số 65/3 đường Hoàng Hoa Thám, Khu 8, phường Hiệp Thành, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương