6 nguyên nhân trẻ 2 tuổi hay khóc đêm và 6 cách khắc phục
Hiện tượng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm không phải hiếm gặp, thế nhưng vẫn làm cho nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng. Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này cùng ILO trong bài viết sau.
Tại sao trẻ 2 tuổi hay khóc đêm? Nguyên nhân bé 2 tuổi quấy khóc đêm
Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng con thường xuyên khóc đêm mà chưa biết lý do vì sao, hãy tìm hiểu các nguyên nhân sau đây:
1. Trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm là do đói
Dạ dày của các em bé thường nhỏ, vì thế không chứa được nhiều thức ăn. Điều này gây ra các cơn đói khi bé ngủ. Nếu ba mẹ không hiểu tín hiệu này và không đáp ứng nhu cầu của trẻ, bé sẽ quấy khóc suốt đêm.
Ba mẹ cần lưu ý rằng hiện tượng con khó ngủ, quấy khóc do đói thường xảy ra vào những hôm bé hoạt động nhiều hoặc ăn ít. Mặt khác, đây cũng có thể là giai đoạn con có sự phát triển vượt bậc nên có nhu cầu ăn nhiều hơn mọi ngày.
2. Bé 2 tuổi khóc đêm là do bị rối loạn tiêu hóa
Tại sao trẻ 2 tuổi hay khóc đêm? Rối loạn tiêu hóa cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon và khóc đêm.
Trẻ nhỏ rất dễ bị đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi do chế độ ăn uống không hợp lý hoặc ăn nhiều trước khi ngủ. Thức ăn còn ứ đọng trong ruột bị vi khuẩn lên men gây tình trạng đầy hơi, khó chịu sẽ khiến con khó ngủ.
>>> Đọc thêm: Mách mẹ 6 cách đối phó với tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2
3. Trẻ 2 tuổi ngủ không sâu giấc ban đêm do tè dầm
Trẻ 2 tuổi bị trằn trọc, khó ngủ một phần cũng là do bé chưa kiểm soát được khả năng tiểu tiện. Một khi đái dầm, bé cảm thấy khó chịu (đặc biệt là với những trẻ không mặc bỉm). Có thể có một số bé tiếp tục ngủ như chưa có chuyện gì, nhưng một số khác thì thức dậy và khóc lóc khó chịu.
4. Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm là do căng thẳng thần kinh
Nếu một ngày ba mẹ nhận thấy con thường có biểu hiện quấy khóc dai dẳng, hoặc bé 2 tuổi đang ngủ tự nhiên khóc thét lên thì đó có thể là do sự căng thẳng thần kinh.
Trẻ nhỏ có hệ thần kinh non nớt, dễ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài môi trường (ánh sáng, tiếng ồn…). Hoặc, bé đã phải chịu các cơn mắng mỏ của người lớn vào ban ngày cũng dễ bị căng thẳng khi ngủ.
5. Bé 2 tuổi trằn trọc khó ngủ là vì thiếu chất
Phần lớn ba mẹ thắc mắc rằng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm thiếu chất gì. Thiếu vitamin D, canxi, sắt, kẽm… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ không ngon giấc, quấy khóc về đêm.
6. Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm do mọc răng hoặc mệt mỏi/bị bệnh
2 tuổi là giai đoạn trẻ mọc răng hàm nên sẽ rất đau và khó chịu. Điều này cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.
Nếu trẻ đi ngủ muộn hơn thường ngày, bé sẽ có dấu hiệu quấy khóc vì quá mệt mỏi. Vì vậy bé khó có thể bình tĩnh để đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong đó ngứa họng, nghẹt mũi, ho… là những lý do khiến trẻ không ngủ sâu giấc. Hơn nữa, trong những ngày thời tiết thay đổi, bé cũng có xu hướng mệt mỏi. Hoặc cũng như người lớn, khi trẻ bị bệnh bé sẽ khó ngủ ngon giấc.
Ngoài những lý do trên, trẻ 2 tuổi hay khóc đêm còn do các nguyên nhân như sợ hãi và bé bị lo âu chia ly (sợ phải xa ba mẹ).
Mặt khác, theo các chuyên gia, 2 tuổi cũng là giai đoạn con có thể gặp chứng hồi quy giấc ngủ. Dấu hiệu của tình trạng này là bé đột nhiên bị khó ngủ, thức nhiều và dậy quá sớm vào buổi sáng. Tình trạng này thường kéo dài từ 1-3 tuần nên ba mẹ không cần phải lo lắng.
>>> Đọc thêm: 10 bí quyết dạy bảng chữ cái tiếng Anh cho bé nhớ lâu
Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm phải làm sao?
Thay vì lo lắng và cáu gắt bởi tình trạng khó ngủ của trẻ, ba mẹ hãy thực hiện theo các biện pháp sau:
1. Tìm ra nguyên nhân để khắc phục
Khi trẻ quấy khóc, ba mẹ thường cảm thấy rất lo lắng và bối rối. Song, việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là tìm nguyên nhân vì sao bé đang ngủ ngon lại thức dậy quấy khóc, sau đó tìm cách khắc phục.
Hãy kiểm tra xem bé có đói, tè dầm hay không. Cho bé ăn hoặc thay bỉm/quần áo cho con nếu cần. Cho con mặc quần áo rộng rãi, thoải mái khi ngủ. Mặt khác, nếu bé khó ngủ do chướng bụng, ba mẹ nên xoa bụng con thật nhẹ nhàng để con dễ chịu.
2. Giữ bình tĩnh, nói chuyện với con
Một em bé 2 tuổi có thể chưa thể hiểu hết lời ba mẹ nói. Thế nhưng, khi bé quấy khóc hoặc la hét vào ban đêm, ba mẹ cần giữ bình tĩnh để nói chuyện và trấn an bé.
Bên cạnh đó, hãy âu yếm, vỗ nhẹ vào lưng hoặc nằm cạnh trẻ để con nhận được sự ấm áp và cảm giác an toàn. Lúc này, bé sẽ dễ dàng quay lại với giấc ngủ.
3. Xây dựng lịch trình giấc ngủ cho trẻ
Hãy thiết lập cho bé khung giờ ngủ cố định và cố gắng duy trì như một thói quen. Xây dựng lịch trình về giấc ngủ là cách tạo thói quen tốt cho trẻ và giúp con ngủ ngon hơn. Bé cần phải phân biệt được ngày và đêm, bằng cách:
• Ban ngày, ba mẹ không nên cho trẻ ngủ nhiều. Cần giới hạn thời gian ngủ trưa hoặc ngủ giữa buổi của bé. Bởi vì cũng như người lớn, ngủ nhiều vào ban ngày khiến con mất cảm giác buồn ngủ vào buổi tối.
• Hãy tạo ra nhiều hoạt động vui chơi thú vị để bé hoạt động nhẹ nhàng phù hợp với độ tuổi. Điều này không chỉ giúp bé tăng cường sức khỏe mà còn kích thích ngủ ngon.
4. Tạo môi trường dễ chịu cho trẻ
Để em bé 2 tuổi có một giấc ngủ ngon, ba mẹ cần chú tới điều kiện phòng ốc, âm thanh và ánh sáng. Luôn giữ nhiệt độ trong phòng mát mẻ, không quá nóng hoặc lạnh.
Ngoài ra, đảm bảo phòng luôn yên tĩnh, không ồn ào và không bật đèn sáng khi bé đang ngủ. Sử dụng các bản nhạc không lời, nhẹ nhàng và du dương cũng là biện pháp hay để xoa dịu trẻ, giúp con ngủ ngon hơn.
>>> Đọc thêm: Bật mí 12 cách dạy con của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ
5. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin cho bé
Xây dựng bữa ăn (đặc biệt là bữa tối) hợp lý là điều quan trọng để giúp con không bị đói hoặc quá no trước khi đi ngủ. Để tránh quấy khóc do đói, lúc gần đi ngủ, ba mẹ nên cho bé ăn nhẹ, sử dụng thức ăn dễ tiêu và không ép con ăn quá nhiều. Sau khi ăn xong, tuyệt đối không bắt ép bé đi ngủ ngay.
Để tránh tình trạng bé khó ngủ vì thiếu chất, cần cho bé ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đồng thời bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi cho trẻ. Tuy nhiên, với bé 2 tuổi, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng và sản phẩm bổ sung hợp lý.
6. Điều trị bệnh cho trẻ 2 tuổi hay quấy khóc đêm
Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân trên mà tình trạng khó ngủ, trằn trọc của bé không được cải thiện, ba mẹ cần nghĩ tới vấn đề trẻ 2 tuổi bị bệnh (viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi…).
Nếu trẻ chỉ khó chịu vì mọc răng, hãy xoa dịu nướu cho trẻ. Nên dùng bông/gạc mềm thấm nước mát rồi masage nhẹ nhàng xung quanh vùng nướu sưng đỏ, tình trạng đau do mọc răng sẽ thuyên giảm. Với những bé có thói quen ngậm ti giả, hãy để nó trong ngăn mát tủ lạnh 30 phút hoặc ngâm nước đá và cho bé ngậm để giảm đau.
>>> Đọc thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi theo chuẩn WHO
Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm khi nào cần đi bác sĩ?
Nếu nhận thấy bé dường như khóc nhiều hơn, la hét bất thường và không dỗ dành được, hãy nghĩ tới phương án đưa con tới bác sĩ. Có thể bé đang gặp một số vấn đề tiềm ẩn nào đó khiến con đau (chẳng hạn như các bệnh về nhiễm trùng).
Các bác sĩ có chuyên môn sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định một số yếu tố vi lượng như canxi, sắt, kẽm… Hoặc cho bé làm các thăm khám chuyên sâu hơn như soi tai, nghe tim phổi, điện não đồ, siêu âm thóp…
Nếu nhận ra các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp hoặc kê các loại thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng và giúp bé ngủ ngon hơn.
Tóm lại, trẻ 2 tuổi hay khóc đêm có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Điều quan trọng là ba mẹ phải tìm ra nguyên nhân, có các biện pháp can thiệp kịp thời. Tình trạng quấy khóc của các em bé vào ban đêm là điều thường xuyên xảy ra, vậy nên ba mẹ cũng không cần phải quá lo lắng.