Trẻ 2 tuổi chậm nói phải làm sao?
Con chậm nói khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng. Vì sao bé chậm nói và trẻ 2 tuổi chậm nói phải làm sao? Mời ba mẹ đồng hành cùng ILO để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề này.
Thế nào là trẻ chậm nói?
“Trẻ chậm nói” là khi bé mới biết đi (từ 18-30 tháng tuổi) có hiểu biết về ngôn ngữ nhưng vốn từ nói hạn chế. Thông thường, bé có sự phát triển về các kỹ năng như chơi, vận động, tư duy, nhưng về mặt nói lại kém hơn.
Ba mẹ có thể nhận thấy bé 2 tuổi chậm nói thường gặp khó khăn trong diễn đạt điều mình muốn. Con có thể hiểu những điều người lớn nói, nhưng khi được hỏi lại thì không trả lời hoặc nói năng ấp úng, không rõ ràng.
Cụ thể hơn, để biết bé có chậm nói hay không, ba mẹ cần căn cứ vào các cột mốc ngôn ngữ quan trọng sau:
• Bé 18 tháng nên sử dụng được ít nhất 20 từ, bao gồm các loại từ khác nhau, chẳng hạn như danh từ (bà, bánh), động từ (ăn, đi), giới từ (lên, xuống), tính từ (nóng, buồn ngủ) và các từ xã giao (chào, tạm biệt).
• Bé 24 tháng cần sử dụng được ít nhất 100 từ và kết hợp được 2 từ với nhau. Những tổ hợp từ này bao gồm những gì bé ghi nhớ khi nghe người lớn nói và do bé tự tạo ra, chẳng hạn như: cảm ơn, tạm biệt, hết rồi, tay bẩn rồi, uống sữa, ăn bánh quy…
>>> Đọc thêm: Mách mẹ 6 cách đối phó với tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2
Biểu hiện trẻ 2 tuổi chậm nói
Nhiều người thực sự cảm thấy lo lắng khi con có những biểu hiện của trẻ chậm nói. Mặc dù khả năng dùng từ và diễn đạt ở các bé là không giống nhau, thế nhưng có một số dấu hiệu cho thấy rằng bé 2 tuổi, thậm chí là trẻ 2 tuổi rưỡi, chậm nói (chậm phát triển ngôn ngữ diễn đạt), đó là:
• Bé có vốn từ vựng hạn chế, chỉ nói được vài từ và ít hơn nhiều so với các bé cùng tuổi.
• Con gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý muốn và thường sử dụng các từ không có ý nghĩa khi cố gắng giao tiếp.
• Con không bắt chước các từ hoặc âm thanh mà chúng nghe được.
• Bé thường dùng tay để chỉ vào những gì chúng muốn mà không sử dụng lời nói.
• Trẻ hơn 2 tuổi chậm nói cũng gặp khó khăn trong việc đặt câu hỏi. Hơn nữa, khi được hỏi, bé chỉ có thể trả lời có hoặc không mà không diễn đạt được câu dài hơn.
>>> Đọc thêm: Bỏ túi 7 cách dạy trẻ 2 tuổi tập nói hiệu quả
Vì sao trẻ 2 tuổi chậm nói?
Chậm nói ở trẻ 2 tuổi không phải là một vấn đề hiếm gặp, đặc biệt là trong thời đại khoa học công nghệ.
Các chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bé chậm nói, thường là do yếu tố di truyền hoặc môi trường. Dưới đây là 6 lý do cụ thể:
1. Bé 2 tuổi chậm nói do mất thính lực
Mất thính lực là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chậm nói và kém phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Vấn đề này khiến trẻ sơ sinh và bé giai đoạn 2 tuổi gặp khó khăn trong việc học âm thanh của lời nói.
Trong một số trường hợp, mất thính lực cũng dẫn đến các vấn đề về hành vi như trẻ buồn bã, thu mình lại hoặc thất vọng khi không thể diễn đạt được ý muốn của mình (không giao tiếp hiệu quả).
>>> Đọc thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi theo chuẩn WHO
2. Rối loạn thần kinh
Một số bé mắc các bệnh về thần kinh như rối loạn phổ tự kỷ, bại não hoặc hội chứng down, cũng thường chậm nói. Theo các bác sĩ, trẻ em bị rối loạn thần kinh thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu ngôn ngữ và khó diễn đạt. Ngoài ra, bé cũng không hiểu hết những gì mà người khác nói.
3. Bé 2 tuổi chậm nói do khuyết tật trí tuệ
Trẻ 2 tuổi chậm nói cũng có thể là do con chậm phát triển trí tuệ. Bởi vì điều này làm cho con gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ và xử lý thông tin, dẫn tới chậm phát triển khả năng nói.
4. Rối loạn phát triển lời nói và ngôn ngữ
Một khi bé bị rối loạn phát triển lời nói và ngôn ngữ, con khó phát ra các âm thanh và hình thành từ ngữ. Điều này có nghĩa là bé hiểu những gì mà người khác nói với mình, nhưng một khi muốn diễn đạt thành lời thì lại không có khả năng.
5. Bé 2 tuổi chậm nói do yếu tố môi trường
Trẻ nhỏ cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động vui chơi đa dạng để phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Nếu một đứa bé không được nói chuyện thường xuyên, không được nghe các từ mô phỏng, chúng có nguy cơ chậm giao tiếp.
Trên thực tế, nhiều người cho trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử thay vì tương tác với con. Điều này đã khiến tình trạng trẻ chậm nói gia tăng. Đó là lý do vì sao các chuyên gia khuyên ba mẹ nên cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại, tivi, iPad để bé có sự phát triển ngôn ngữ và lời nói theo đúng độ tuổi.
6. Các vấn đề về điều khiển cơ miệng
Một số bé 2 tuổi chậm nói là do con gặp khó khăn trong việc điều khiển các cơ. Tức là khả năng phối hợp của môi, lưỡi và hàm còn hạn chế nên chưa thể phát ra lời nói.
>>> Đọc thêm: 6 nguyên nhân trẻ 2 tuổi hay khóc đêm và 6 cách khắc phục
Trẻ 2 tuổi chậm nói phải làm sao?
Nếu bạn nhận thấy rằng bé có những dấu hiệu chậm nói, hãy thực hiện ngay những biện pháp tại nhà đơn giản sau đây để kích hoạt khả năng ngôn ngữ của con:
1. Dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa và tương tác với bé
Nhiều người không nhận ra rằng vui chơi là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Thông qua trò chơi, con và ba mẹ sẽ có sự tương tác qua lại, từ đó kích thích khả năng ngôn ngữ của con phát triển.
Do vậy, dành thời gian chơi với con có thể sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình hình thành và phát triển lời nói ở con. Ba mẹ nên:
• Cùng bé chơi những trò chơi đơn giản phù hợp với sở thích của con.
• Dành thời gian đọc sách hoặc truyện cho bé nghe mỗi ngày.
Bằng những cách này, con bạn sẽ học được nhiều từ hơn, hiểu các cấu trúc câu và thậm chí nâng cao nhận thức ngữ âm. Điều này vô cùng hữu ích cho trẻ trong giai đoạn tập nói.
>>> Đọc thêm: Tiêu chí chọn sách cho trẻ 2 tuổi và top 10 sách hay cho bé
2. Rèn luyện kỹ năng bắt chước cho trẻ 2 tuổi chậm nói
Một trong những cách dạy trẻ chậm nói được các bà, các mẹ thường xuyên áp dụng là dạy bé bắt chước. Việc làm này rất quan trọng đối với khả năng nói của bé.
Nếu nhận thấy con chưa có khả năng bắt chước bất kỳ âm thanh nào, kể cả những từ đơn giản nhất được nghe hàng ngày, hãy dành thời gian luyện tập kỹ năng bắt chước cho bé. Bạn nên bắt đầu luyện tập cho con từ những âm thanh đơn giản nhất như tiếng của tàu hỏa, xe ô tô, tiếng động vật…
Sau khi bé đã biết bắt chước các từ đơn giản, hãy chuyển sang các từ ngữ có cả nguyên âm và phụ âm (bố, bà, mẹ, chơi, tắm…).
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Khám phá sự phát triển của trẻ 2 tuổi
3. Làm mẫu ngôn ngữ cho con
Bé 2 tuổi chậm nói, bạn nên thường xuyên làm mẫu cho con. Đây là một trong những điều đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để cải thiện khả năng ngôn ngữ.
Bạn nên nói chuyện với bé thường xuyên, kể cho bé nghe các câu chuyện liên quan tới con hoặc các hoạt động hàng ngày. Ngay cả khi bé không trả lời và dường như không hiểu, cũng đừng dừng lại. Bởi vì trẻ nhỏ cần thời gian để học mọi thứ, ngay cả việc nói cũng vậy. Qua một quá trình lắng nghe, bé sẽ học được các từ cùng với nghĩa và cách phát âm của chúng.
Trẻ 2 tuổi chậm nói, khi nào cần trị liệu ngôn ngữ?
Nếu nhận thấy các dấu hiệu trẻ chậm nói, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Các chuyên gia cho rằng một đứa trẻ 15 tháng tuổi mà chưa biết bắt chước các âm thanh đơn giản thì nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để đánh giá khả năng nói của con.
Can thiệp sớm là rất quan trọng. Càng để lâu mà không được điều trị, bé càng có nhiều nguy cơ mất khả năng ngôn ngữ.
Có nhiều cách để các nhà trị liệu ngôn ngữ đánh giá khả năng phát triển ngôn ngữ của con. Bên cạnh quan sát lâm sàng, tương tác với trẻ (hỏi một số câu, yêu cầu con gọi tên đồ vật hoặc yêu cầu làm một số hành động đơn giản), các nhà trị liệu cũng sẽ chỉ định cho bé làm các khám xét cần thiết để đánh giá thính lực hoặc kiểm tra cơ miệng của trẻ.
Việc thăm khám và đánh giá khả năng ngôn ngữ của bé hoàn toàn vui vẻ và thoải mái. Do vậy, ba mẹ không cần phải quá lo lắng.
Nhận biết và có biện pháp can thiệp kịp thời khi trẻ 2 tuổi chậm nói là điều vô cùng quan trọng. Không nên chủ quan nếu con gặp vấn đề này bạn nhé!
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét: Nguyên nhân và cách xử lý