Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy phải làm sao?
Tiêu chảy ở trẻ em là một hiện tượng phổ biến và do nhiều nguyên nhân gây ra. Với trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy thường không nghiêm trọng và sẽ tự hết khi bé lớn lên. Song, điều này cũng khiến ba mẹ lo lắng. Vậy, trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy phải làm sao?
Tiêu chảy là gì?
Mỗi em bé có tần suất đi ngoài khác nhau. Muốn biết trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy hay đi ngoài bình thường, hãy cùng ILO tìm hiểu tiêu chảy là gì nhé!
Tiêu chảy ở trẻ còn được gọi là tiêu chảy mãn tính không đặc hiệu. Thông thường, một khi bị tiêu chảy, bé sẽ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Đôi khi số lần đi ngoài của bé nhiều hơn, thậm chí lên tới 10 lần.
Kèm với việc đi ngoài nhiều lần là những dấu hiệu bất thường ở phân. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy phân bé có mùi hôi và nhạt màu hơn bình thường. Cũng có thể có các mẩu thức ăn nhỏ sót lại trong phân (chẳng hạn như cà rốt, ngô ngọt…).
Ngoài ra, bé bị tiêu chảy cũng có thể có các triệu chứng khác như:
• Nôn mửa
• Sốt
• Đau bụng
• Đau nhức chân tay
• Đau đầu
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi đi tiểu bao nhiêu lần 1 ngày?
Vì sao trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy?
Tình trạng tiêu chảy bất thường ở trẻ em thường do nhiễm trùng đường ruột hoặc ngộ độc thực phẩm, mặc dù đôi khi nó có thể do nguyên nhân khác gây ra:
1. Nhiễm virus
Nhiễm virus rota là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở trẻ em. Vì nó dễ lây lan khi bé tiếp xúc với người đã mắc bệnh này. Các dấu hiệu nhiễm virus rota gồm:
• Sốt
• Nôn mửa
• Tiêu chảy
• Đau bụng hoặc chuột rút
Khi con bị tiêu chảy do nhiễm virus rota, bé có thể chỉ bị tiêu chảy trong vòng vài ngày. Do vậy ba mẹ đừng quá lo lắng.
2. Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm
Nếu con bạn bị tiêu chảy sau khi ăn một loại thực phẩm cụ thể, đó có thể là dấu hiệu của dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm. Phản ứng có thể xảy ra trong vòng vài phút sau khi ăn hoặc kéo dài đến vài ngày sau đó.
Biểu hiện của dị ứng thực phẩm gồm có:
• Đau bụng, đi ngoài nhiều lần
• Cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi
• Nổi mề đay (mẩn đỏ)
• Ngứa quanh miệng hoặc cổ họng
• Sưng mặt, đặc biệt là quanh mắt và miệng
• Hắt hơi, sổ mũi hoặc chảy nước mũi
• Ho, thở khò khè, khó thở
Một số thực phẩm có thể khiến bé 2 tuổi bị ngộ độc là sữa bò, đậu phộng (lạc), trứng, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân…), động vật có vỏ, lúa mì.
Đặc biệt, khi dạ dày của con bị nhiễm virus sẽ gặp khó khăn để tiêu hóa sữa trong một thời gian ngắn. Điều này gây đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy nhiều hơn. Đây không phải là con bị dị ứng sữa mà do niêm mạc ruột của bé trở nên nhạy cảm hơn với đường lactose trong sữa.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày là do đâu?
3. Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường do nhiễm trùng vi khuẩn, chẳng hạn như salmonella, e-coli hoặc campylobacter, mặc dù nó cũng có thể do ký sinh trùng gây ra. Các dấu hiệu tiêu chảy do nhiễm trùng vi khuẩn có thể còn có:
• Mệt mỏi, thấy ớn lạnh và đau nhức
• Co thắt dạ dày
• Sốt cao từ 38ºC trở lên
Ngộ độc thực phẩm thường tự thuyên giảm trong vòng một tuần và tình trạng tiêu chảy của bé vì thế cũng sẽ hết trong thời gian đó. Nếu trẻ 2 tuổi bị sốt và tiêu chảy, hãy nhớ lại xem bé đã ăn gì và liệu thức ăn đó có đảm bảo an toàn đối với con hay không.
4. Dùng thuốc kháng sinh
Tiêu chảy có thể là tác dụng phụ thường gặp của việc điều trị bằng kháng sinh. Tình trạng này sẽ qua đi sau khi con không dùng thuốc. Nếu bé bị tiêu chảy là do thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê các loại thuốc phù hợp hơn.
5. Nước bị ô nhiễm
Đôi khi tiêu chảy xảy ra là do nguồn nước. Hãy kiểm tra xem nước nhà bạn có nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc vi trùng khác hay không. Tuy vậy, nếu tiêu chảy là do nước thì có thể sẽ có một số thành viên khác trong gia đình bị chứ không riêng gì bé.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi bị nôn về đêm do đâu, có nguy hiểm không?
Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy phải làm sao?
Cho dù nguyên nhân bé bị tiêu chảy là gì, thì khi điều trị ở nhà, ba mẹ cần làm:
1. Cho con uống đủ nước
Điều quan trọng nhất khi bé bị tiêu chảy là cần phải bổ sung lượng chất lỏng mà trẻ bị mất đi. Hãy thường xuyên cho con uống nước bằng cách mỗi lần uống một ít.
Tránh xa các loại nước ép trái cây nhiều đường hoặc đồ uống có ga. Bởi vì những loại nước này chỉ khiến tình trạng tiêu chảy của bé trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn đang cho con bú mẹ, hãy tăng cường cho bé bú nhiều hơn. Điều này cũng tương tự với sữa công thức.
Nếu nhận thấy trẻ 2 tuổi bị nôn và tiêu chảy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để cho bé uống dung dịch bù nước. Đây là đồ uống thay thế lượng nước và muối mất đi khi trẻ bị tiêu chảy.
Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy uống thuốc gì? Tuyệt đối không cho bé uống bất kỳ loại thuốc tiêu chảy nào nếu không có khuyến nghị của bác sĩ.
2. Cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn
Bé bị tiêu chảy phải làm sao? Đi ngoài nhiều lần khiến trẻ trở nên mệt mỏi. Do vậy, mẹ cần để bé nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngoài ra, nên ở bên con để an ủi và âu yếm bé.
Hãy để con ngủ nếu bé thấy mệt và buồn ngủ. Bạn cũng có thể tạo một số hoạt động giúp con thư giãn như đọc sách cho con, kể chuyện cho bé nghe…
3. Chú ý vệ sinh khi trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, vùng hậu môn của con sẽ khá đau và rát. Vì thế hãy dùng khăn mềm không chứa cồn lau nhẹ nhàng cho con. Sau đó, bạn dùng kem chống hăm tã để làm dịu da và chống hăm cho bé.
Nếu con đi ngoài quá nhiều, nên tạm dừng cho bé ngồi bô. Bởi vì ngồi bô nhiều khiến vùng mông của con bị đau. Thay vào đó, nên sử dụng tã lót mềm cho con.
4. Hãy để bé ăn khi con muốn
Đây là giai đoạn trẻ sẽ ăn ít đi. Song, ba mẹ đừng lo lắng. Ngược lại, nếu thấy con đói hoặc muốn ăn một thứ gì đó, hãy cho bé ăn.
5. Cho bé ăn chế độ cân bằng, giàu dưỡng chất
Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy nên ăn gì? Nên cho con ăn các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, yến mạch, đậu, trái cây và rau quả tươi. Đặc biệt, bạn nên thêm một chút chất béo vào chế độ ăn của con cũng rất hữu ích cho bệnh tiêu chảy, song nên sử dụng chất béo tốt như bơ, dầu ô liu…
Thực phẩm cần hạn chế khi bé bị tiêu chảy là thực phẩm giàu chất xơ, đậu Hà Lan, ngô ngọt, nho khô… Nếu nghi ngờ con bị tiêu chảy là do dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn, bạn cũng cần cho bé tránh xa những loại thực phẩm đó.
6. Không cho bé tới nhà trẻ
Bé bị tiêu chảy phải làm sao? Khi con bị tiêu chảy, bạn không nên cho con đi nhà trẻ. Các bác sĩ khuyên nên đợi cho tới khi con khỏi hẳn mới cho con tới lớp trở lại. Bởi vì tình trạng tiêu chảy do nhiễm trùng có thể lây lan. Hơn nữa con cũng cần ở nhà để được ba mẹ chăm sóc.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cách chữa bé đi ngoài nhiều lần trong ngày theo các phương pháp dân gian. Đó là cho con uống nước búp ổi on, ăn lá mơ, ăn súp cà rốt, uống nước hồng xiêm hoặc nước gạo lứt rang.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biếng ăn: Nguyên nhân và 9 biện pháp khắc phục
Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy khi nào nên đi khám?
Hầu hết trẻ em bị tiêu chảy sẽ tự khỏi trong vòng một tuần hoặc lâu hơn mà không cần đến bác sĩ hoặc bệnh viện. Tuy nhiên, tiêu chảy đôi khi có thể là dấu hiệu của một tình trạng tiềm ẩn cần được điều trị.
Đặc biệt, nếu bé bị mất nước vì tiêu chảy thì điều này có thể gây nguy hiểm. Do vậy, hãy theo dõi con và đưa bé đi bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu sau:
• Con đi tiêu phân lỏng 1-2 giờ một lần hoặc thường xuyên hơn.
• Có máu trong phân.
• Có dấu hiệu mất nước (lượng nước tiểu ít và có màu vàng đậm, không chảy nước mắt khi khóc, buồn ngủ quá mức hoặc ít vận động).
• Nôn mửa nhiều.
• Bị sốt cao mà không hạ khi dùng thuốc hạ sốt.
• Chướng bụng (sưng hoặc to).
• Có tiền sử phẫu thuật vùng bụng.
Một khi nhận thấy những dấu hiệu này kéo dài hơn 2-3 ngày, bạn nên cho con đi khám. Ngược lại, nếu bé bị tiêu chảy nhưng vẫn khỏe mạnh và sinh hoạt như bình thường thì có thể cho bé ở nhà để theo dõi và điều trị.
Làm thế nào để ngăn chặn bệnh tiêu chảy lây lan?
Nếu bé hoặc ai đó trong nhà bị tiêu chảy, điều quan trọng là phải thực hành vệ sinh tốt để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan:
• Đảm bảo mọi người trong nhà rửa tay kỹ bằng nước ấm và xà phòng.
• Dùng khăn riêng cho con khi bé bị tiêu chảy.
• Nếu con đang dùng bô để đi vệ sinh, hãy rửa nó bằng nước xà phòng nóng và để khô.
• Khi vệ sinh cho con, bạn hãy đeo găng tay và rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
• Nếu phân của bé dính vào ga trải giường hoặc quần áo, hãy giặt giũ chúng riêng bằng nước giặt ở nhiệt độ cao nhất có thể.
Trẻ 2 tuổi bị tiêu chảy là vấn đề thường gặp. Thế nhưng ba mẹ cũng cần theo dõi và chăm sóc để bệnh nhanh khỏi. Nếu nhận thấy con có bất kỳ vấn đề nào kèm biểu hiện đi ngoài nhiều lần, hãy đưa bé đi viện thăm khám ngay lập tức bạn nhé!
>>> Đọc thêm: Trẻ bị nổi mẩn ngứa phải làm sao? 5 bài thuốc hiệu quả