Trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày và cách xử lý
Trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày là một tình trạng khá phổ biến. Thế nhưng, đây cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe cần chú ý và làm ba mẹ hoang mang, lo lắng. Cùng ILO tìm hiểu biểu hiện, nguyên nhân và cách xử lý vấn đề này.
Trẻ 3 tuổi đi ngoài bao nhiêu lần một ngày?
Bé 3-4 tuổi thường đi ngoài khoảng từ 1-3 lần một ngày. Nếu bé đi ngoài khoảng 3 lần trong ngày nhưng phân bình thường, không có biểu hiện nhiễm trùng hay bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào thì ba mẹ không cần quá lo lắng.
Thông thường, bé có thể đi ngoài sau mỗi bữa ăn, sau khi uống nhiều nước, nhất là nước ép hoa quả, sinh tố. Bé đi ngoài nhiều lần hơn nếu ăn nhiều chất xơ của rau củ, trái cây, thực phẩm lạ bụng hoặc chứa nhiều đường… Ngoài ra, tần suất đi ngoài có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, sức khỏe của từng bé.
Dấu hiệu bất thường khi trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày
Bé đi ngoài từ 4 lần trở lên trong một ngày kèm theo một số triệu chứng: bé muốn đi ngoài lập tức, chướng bụng, đau bụng và vùng trực tràng, có cảm giác buồn nôn hoặc nôn, bé bị sốt và sút cân… Đây là những dấu hiệu bất thường khi trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, ba mẹ có thể quan sát và nhận biết các biểu hiện bất thường cụ thể sau:
• Đặc điểm phân: Ba mẹ quan sát đặc điểm phân để nhận biết những bất thường khi bé đi ngoài nhiều lần như: phân lỏng toàn nước, màu xanh (bình thường là màu vàng, nâu) kèm theo chất nhầy, mùi lạ. Thậm chí bé đi ngoài phân sống, có máu tươi.
• Tình trạng sức khỏe tổng quát: Xuất hiện tình trạng kiết lỵ khiến bé khó chịu, quấy khóc. Bé sốt cao trên 38.5ºC, suy nhược, mệt mỏi, nôn ói, đau bụng…
• Bé có biểu hiện thay đổi hành vi: Nếu bé có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi, thói quen hằng ngày như nằm li bì, thay đổi tâm trạng, bỏ ăn, mất tập trung, thậm chí lú lẫn… có thể là dấu hiệu “báo động” tình trạng sức khỏe cần phải xem xét.
Nếu trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm các dấu hiệu trên rất có thể con bị tiêu chảy. Đây là một trong những tình trạng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh tiêu chảy diễn tiến rất nhanh dẫn đến tình trạng mất nước, suy hô hấp, suy kiệt và gây ra hậu quả xấu đối với tính mạng.
Bên cạnh tiêu chảy cấp, tiêu chảy mạn tính không đặc hiệu (tiêu chảy chức năng) cũng có biểu hiện tương tự như trên. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi. Đối với bệnh này, ba mẹ không cần quá lo lắng nếu điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập hợp lý và bé sẽ tự khỏi khi lớn tuổi hơn.
Khi trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm theo các dấu hiệu bất thường, ba mẹ không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao và đưa bé đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:
• Bé bị tiêu chảy: Tình trạng đi ngoài nhiều là biểu hiện của bệnh lý tiêu chảy. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể kể đến: nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn, dùng nhiều thuốc kháng sinh hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc khác…
• Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ: Bé có thể tăng tần suất đi ngoài khi rối loạn tiêu hóa chức năng, mất khả năng tiêu hóa gluten, lactose…
• Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Khẩu phần ăn thiếu cân đối, bé uống quá nhiều nước ép trái cây, ăn nhiều chất xơ, hải sản… cũng là nguyên nhân phổ biến khiến bé đi ngoài nhiều.
• Bé cảm lạnh, viêm họng làm nước mũi chảy xuống cổ họng, kích thích và tác động đến các cơ quan tiêu hóa non trẻ của bé. Từ đó gây ra tình trạng đi ngoài nhiều lần ở trẻ nhỏ.
• Cơ thể sẽ phản ứng khi căng thẳng (stress) bằng cách đi ngoài nhiều hơn. Một số lý do làm bé căng thẳng như thay đổi môi trường học tập, sinh hoạt, sự xào xáo trong gia đình…
>>> Xem thêm: 8 cách hạ sốt cho trẻ 3 tuổi nhanh
Phải làm sao khi trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày?
Khi bé đi ngoài nhiều lần hay bị tiêu chảy, ba mẹ có thể áp dụng cách sau đây:
1. Bù nước và chất điện giải kịp thời, đầy đủ
Khi bé đi ngoài nhiều lần, tiêu chảy, cơ thể sẽ mất nước và các chất điện giải như canxi, natri, magie… Lúc này, nếu không được bổ sung kịp thời và đầy đủ, cơ thể con sẽ rơi vào tình trạng mất nước.
Nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như sốt cao, mệt mỏi, lú lẫn, đau bụng dữ dội, thậm chí hôn mê và ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể. Do đó, bù nước và điện giải là việc đầu tiên và cực kỳ quan trọng khi trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày.
2. Áp dụng mẹo cầm tiêu chảy đơn giản tại nhà
Ba mẹ có thể áp dụng các mẹo cầm tiêu chảy tại nhà như cho bé ăn sữa chua, uống trà hoa cúc, trà vỏ cam, uống nước búp hoặc lá ổi non, uống giấm táo, nước gạo.
• Trà hoa cúc: Đây là loại trà có nhiều dưỡng chất có tác dụng chống co thắt, điều trị viêm đường ruột và giảm tiêu chảy.
• Nước trái hồng xiêm xanh (sapoche): Ba mẹ chuẩn bị 1-2 trái hồng xiêm xanh nấu với 200ml nước dưới lửa nhỏ cho đến khi còn 100ml nước. Sau đó, ba mẹ dùng nước này cho bé uống 2 lần/ngày, sau ăn khoảng 15 phút sẽ có tác dụng cầm tiêu chảy, giảm tình trạng trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày.
• Uống nước búp ổi hoặc lá ổi non: Đây là cách phổ biến được nhiều người áp dụng bởi trong lá ổi có chứa chất flavonoid loại quercetin và tannin. Những chất này có khả năng kích thích cơ trơn ruột, làm săn niêm mạc, giảm tiết dịch ruột…
• Cho bé dùng trà vỏ cam: Bạn có thể cho bé uống nước vỏ cam trong thời gian bị tiêu chảy.
Cách làm như sau: Cắt vỏ cam thành từng miếng nhỏ, nấu với nước sôi khoảng 2-3 phút. Sau đó để nguội và thêm mật ong vào trước khi cho bé dùng.
3. Sử dụng thuốc theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ
Cách chữa bé đi ngoài nhiều lần trong ngày nhanh và an toàn nhất là cho con dùng men vi sinh nhằm cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột và thuốc cầm tiêu chảy.
Tuy nhiên, trước khi con bé dùng bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào, ba mẹ cần có đơn thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
4. Thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong thời gian bé bị tiêu chảy, ba mẹ nên cho con ăn thức ăn lỏng như cháo, súp để dễ tiêu hóa và phục hồi niêm mạc đường ruột. Đồng thời, ba mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng để con nhanh chóng phục hồi sức khỏe cũng như phát triển toàn diện về sau.
Ngoài ra, bạn cần chú trọng lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, cho bé ăn chín uống sôi để đảm bảo an toàn, tránh ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa. Đồng thời, chia nhỏ bữa ăn phù hợp với nhu cầu và độ tuổi cũng là cách được các chuyên gia y tế khuyến khích.
5. Đưa trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày đến bệnh viện
Cuối cùng, ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện nếu tình trạng đi ngoài nhiều lần không thuyên giảm, xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường khác như:
• Bé có dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng xuống hoặc khóc không ra nước mắt, đòi uống nước thường xuyên…
• Bé có biểu hiện tiêu chảy cấp tính: Bé tiêu chảy và nôn mửa, kiết lỵ nặng, sốt cao, mất nước nhanh chóng. Phân có màu sắc lạ, có chất nhầy, máu và mùi lạ. Bé đau bụng quằn quại…
• Tình trạng tiêu chảy kéo dài: Bé tiêu chảy kéo dài trên 7 ngày dù không xuất hiện các triệu chứng bất thường nào, ba mẹ cũng cần đưa con đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, cách chữa trị.
Trẻ 3 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày là trường hợp phổ biến. Tuy nhiên, ba mẹ cần hết sức thận trọng, quan sát kỹ tình trạng của con. Tốt nhất ba mẹ không nên tự chẩn đoán cũng như mua thuốc điều trị cho con tại nhà.
>>> Xem thêm: trẻ 3 tuổi nôn nhiều không sốt phải làm sao?