Nguyên nhân và 7 cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi

Trẻ 2 tuổi bị táo bón phải làm sao?

Táo bón là vấn đề phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi như thế nào? Cùng ILO đến với những giải pháp cho vấn đề này ba mẹ nhé!

Nguyên nhân trẻ 2 tuổi bị táo bón

Táo bón là tình trạng phân khô, cứng hoặc có hình dạng tròn lổn nhổn như phân dê. Tùy vào từng bé mà tình trạng này có thể nhẹ hoặc kéo dài, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân và cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi là như thế nào? Có nhiều nguyên do gây ra tình trạng bé 2 tuổi bị táo bón, đó là:

1. Chế độ ăn uống không hợp lý

Ăn uống không khoa học khiến trẻ bị táo bón.

Các loại thức ăn khoái khẩu của trẻ như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích… khiến bé ăn sạch đĩa. Thế nhưng, chúng lại là thực phẩm chế biến sẵn ít chất xơ không tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của con.

Ngoài ra, giai đoạn bé chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc cho trẻ thử nghiệm với những thức ăn mới, cũng có thể khiến hoạt động của đường ruột thay đổi. Điều này gây ra các vấn đề về táo bón.

Mặt khác, uống sữa công thức pha sai tỷ lệ (quá đặc) hoặc không hợp sữa cũng có làm cho bé dễ bị táo.

2. Không uống đủ nước

Phần lớn mọi đứa trẻ đều ít quan tâm đến việc uống nước. Nếu ba mẹ không chú ý tới vấn đề này, bé có thể gặp tình trạng thiếu nước, dẫn tới khó đi vệ sinh.

>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Khám phá sự phát triển của trẻ 2 tuổi

3. Sợ ngồi bô, nhịn đi vệ sinh

Ngồi bô không thoải mái khiến con không nhịn đi vệ sinh và dẫn đến táo bón.

Bé 2 tuổi bị táo bón có thể là do tâm lý sợ ngồi bô. Đặc biệt là với những trẻ mới bỏ bỉm, bé có thể cảm thấy sợ phải ngồi bô hoặc thậm chí xấu hổ khi đi nhà vệ sinh. Hơn nữa, một số bé còn có cảm giác bực bội khi phải bỏ bỉm. Từ đây dẫn tới tình trạng nhịn đi vệ sinh, lâu ngày dẫn tới táo bón.

4. Thiếu vận động

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ hoạt động thể chất nhiều sẽ ít bị táo bón hơn những bé ít hoạt động. Đi bộ, chạy nhảy, đá banh, leo trèo… là những hoạt động thường ngày giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt.

Ngược lại, thường xuyên ngồi hoặc nằm nhiều khiến bụng ậm ạch, khó tiêu.

5. Gặp một số vấn đề về sức khỏe

Thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh sẽ khiến trẻ bị rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Sử dụng các loại thuốc như chống động kinh, chống co giật… cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Ngoài những nguyên nhân trên, táo bón ở trẻ nhỏ có thể là do con mắc một số dị tật bẩm sinh như phình đại tràng hoặc bệnh down, suy giáp.

>>> Đọc thêm: Dấu hiệu trẻ em 2 tuổi bị COVID-19 và cách chăm sóc tại nhà

Dấu hiệu táo bón ở trẻ

Dấu hiệu trẻ bị táo bón như thế nào?

Để biết cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi, ba mẹ cần nhận ra các dấu hiệu chứng tỏ bé đang mắc chứng này.

Mặc dù không phải tất cả mọi đứa trẻ đều có thời gian biểu đi ngoài giống nhau, thế nhưng theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), hầu hết trẻ em đi tiêu một hoặc hai lần một ngày, trong khi những đứa trẻ khác đi tiêu 2-3 ngày một lần.

Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến mà trẻ có thể bị táo bón:

• Đi ngoài ít hơn 2 lần/tuần

• Đi ngoài khó khăn, phải rặn

• Có phân cứng và đau khi đi

• Đi ngoài được nhưng còn sót một số phân không ra

• Chảy máu sau khi đi vệ sinh

• Bị đau bụng, chuột rút và/hoặc buồn nôn

• Xuất hiện những đốm màu nâu trong quần của trẻ

Trẻ bị táo bón thường gặp khó khăn khi đi ngoài và mỗi lần đi trẻ rất sợ hãi. Tình trạng này để lâu sẽ khiến bé sợ đi vệ sinh hơn, dẫn tới táo bón nặng hơn.

Cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi tại nhà

Nhìn chung, tùy vào nguyên nhân mà bố mẹ cần có những phương án xử trí phù hợp. Dưới đây là 7 cách trị táo bón cho trẻ mà ba mẹ cần lưu tâm:

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Trẻ 2 tuổi bị táo bón cần thay đổi chế độ ăn uống.

Trẻ 2 tuổi bị táo bón nên ăn gì? Ba mẹ cần cho con ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp chất xơ. Chất xơ giúp phân mềm và làm cho bé dễ đi ngoài hơn.

Ước tính, trẻ em 2 tuổi cần 7g chất xơ mỗi ngày. Các loại thức ăn giàu chất xơ gồm có: táo, lê, hạt chia, quả mận, bột yến mạch, bơ, rau mồng tơi, rau má… Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các loại thực phẩm lợi khuẩn, tốt cho hệ vi sinh đường ruột như sữa chua.

Đặc biệt, cần hạn chế cho con ăn các loại thực phẩm ít chất xơ như khoai tây chiên, mì tôm, bánh ngọt… Cũng không nên ăn các loại trái cây có vị chát như hồng xiêm, ổi. Đổi sữa công thức cho bé hoặc pha loãng hơn một chút nếu vấn đề về táo bón là do sữa.

>>> Đọc thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi theo chuẩn WHO

2. Cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi: Cho con uống nhiều nước

Cùng với việc uống sữa, trẻ giai đoạn 2 tuổi cần khoảng 2 đến 4 cốc nước mỗi ngày (500 – 600ml). Tuyệt đối không nên để trẻ uống sữa thay nước. Hãy đảm bảo nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên hoặc chuẩn bị sẵn nước trong bình để trẻ uống trong suốt cả ngày. Nước làm mềm phân, hạn chế tình trạng táo bón.

Bên cạnh nước lọc, ba mẹ cũng có thể bổ sung thêm cho con các loại nước ép trái cây tự nhiên, nguyên chất. Không nên cho trẻ uống nước hoa quả đóng sẵn hoặc nước ngọt có ga, bởi chúng không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của bé.

Cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi mà nhiều mẹ áp dụng thành công là cho trẻ uống nước ép mận khô trong giai đoạn con bị táo. Loại nước này có tác dụng dưỡng ẩm và kích thích nhu động ruột, giúp bé có cảm giác muốn đi ngoài, cũng như đi dễ hơn.

3. Cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi: Tập cho bé đi vệ sinh theo giờ

Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ giúp trẻ tránh bị táo bón.

Ba mẹ nên ấn định những thời điểm cụ thể trong ngày để bé sử dụng bô, chẳng hạn như bữa sáng sau khi ngủ dậy, trước khi ngủ trưa… Có thể lúc đầu bé chưa đi ngoài, nhưng sau một thời gian tập ngồi bô như thế này, con sẽ hình thành được phản xạ tự nhiên. Để xua tan nỗi sợ dùng bô, nên mua cho bé những chiếc bô có hình thù ngộ nghĩnh, đồng thời không quên động viên, trấn an để con thấy dễ chịu.

Nếu bé không tự đi vệ sinh, hãy thường xuyên hỏi xem con có “buồn” đi hay không. Có một vài bé vì mải chơi nên quên việc phải đi ngoài, lâu dần sinh ra táo bón.

4. Vận động thường xuyên, cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi

Vận động không chỉ giúp bé ăn ngon hơn mà còn kích thích chức năng của ruột, tốt cho tiêu hóa. Đảm bảo rằng mỗi ngày bé được vận động theo đúng độ tuổi. Với trẻ giai đoạn này, ba mẹ nên cùng bé chơi các trò chơi như chạy nhảy, đi bộ, ném bóng, trượt cầu trượt…

5. Tắm nước ấm kết hợp massage cho trẻ

Với trẻ bị táo bón, ba mẹ nên massage nhẹ nhàng sau khi tắm.

Trẻ 2 tuổi 3 ngày không đi ngoài, mẹ nên cho trẻ tắm nước ấm kết hợp xoa bóp bụng nhẹ nhàng. Ngâm mình trong bồn nước ấm và massage bụng bé theo chiều kim đồng hồ không chỉ mang lại giây phút thư giãn cho trẻ mà còn kích thích nhu động ruột, làm cho bé đi tiêu dễ hơn.

>>> Đọc thêm: Top 25 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non thú vị và bổ ích

6. Trị táo bón bằng phương pháp dân gian

Nhiều người áp dụng cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi bằng phương pháp dân gian như: uống nước rau má, ăn canh mồng tơi, cháo vừng đen, uống nước đậu đen pha mật ong…

Những phương pháp này nhìn chung an toàn nhưng hiệu quả táo bón có thể không cao, đặc biệt là với những trường hợp bị nặng.

7. Cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi: Dùng thuốc trị táo bón

Khi nào nên cho trẻ bị táo bón dùng thuốc chuyên trị?

Nếu con thường xuyên khó khăn trong vấn đề đại tiện, ba mẹ có thể bổ sung thêm các loại men vi sinh cho trẻ. Bên cạnh đó, còn có một số loại thuốc trị táo bón giúp làm mềm phân, nhuận tràng. Thế nhưng, với những loại thuốc này, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Trẻ 2 tuổi bị táo bón: Khi nào cần cho trẻ đi khám?

Trẻ bị táo bón cần đến gặp bác sĩ khi có biến chứng nặng.

Theo các bác sĩ nhi khoa, nếu bé 2 tuổi không đi ngoài từ 2-3 ngày hoặc khi đi bị đau, ba mẹ cần liên hệ với bác sĩ để được kê toa thuốc làm mềm phân cho trẻ.

Các chuyên gia khuyên ba mẹ nên đưa con đi khám nếu các triệu chứng táo bón kéo dài trong 2 tuần, mặc dù đã thử các biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi chế độ ăn uống nhưng vẫn không giảm. Tuyệt đối không cho bé uống thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đặc biệt, phải ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện nếu nhận thấy các vấn đề nghiêm trọng như có máu trong phân, bụng trẻ chướng lên, biếng ăn, đau bụng liên tục, nôn mửa, sốt, giảm cân…

Các bác sĩ sẽ chỉ định cho bé sử dụng các loại thuốc nhuận tràng để cải thiện nhu động ruột, giảm táo bón, đồng thời tư vấn chế độ ăn uống và vận động để giảm tình trạng này.

Trên đây là các cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu táo bón, ba mẹ nên tìm cách khắc phục. Tránh để tình trạng này tiến triển lâu ngày, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tâm lý của trẻ.

>>> Đọc thêm: Vận động thô là gì và làm thế nào để phát triển kỹ năng vận động thô