Kể chuyện Tấm Cám cho bé để sống hiền lành, tốt bụng

Kể chuyện Tấm Cám cho bé để sống hiền lành, tốt bụng

Kể chuyện Tấm Cám cho bé là cách dạy bé biết yêu thương, chia sẻ với mọi người và làm điều tốt. Bạn hãy kể lại truyện mầm non này cho bé trước giờ đi ngủ để giúp bé ngủ ngon hơn nhé.

Kể lại câu chuyện Tấm Cám ngắn gọn

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích kể về hai chị em Tấm và Cám. Tấm mồ côi mẹ từ nhỏ, phải sống cùng dì ghẻ và Cám. Mẹ con Cám thường xuyên đối xử bất công, hành hạ Tấm. Cám cướp hết cá Tấm bắt được. Hai mẹ con Cám còn giết hại bống – người bạn của Tấm. Họ không cho Tấm đi trẩy hội mà bắt cô ở nhà nhặt thóc và gạo. Bụt hiện lên chỉ cho Tấm cách để có quần áo đẹp đi dự hội.

Trên đường về, Tấm đánh rơi chiếc hài, nhờ đó nhà vua tìm được nàng và đưa về cung làm hoàng hậu. Điều này khiến mẹ con Cám ghen ghét, lập mưu hãm hại Tấm.

Ngày giỗ cha, Tấm về trèo hái cau, bị dì ghẻ chặt cây khiến Tấm ngã xuống ao chết đuối. Tấm biến thành chim vàng anh. Cám thế chỗ Tấm trong cung vua. Chim Vàng Anh quấn quýt bên vua liền bị Cám giết. Lông chim hóa thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho vua. Cám lại chặt cây, đem đóng thành khung cửi. Tấm nhập vào khung cửi và quở trách Cám. Sợ hãi, Cám đốt khung cửi rồi vứt tro bên đường.

Từ đống tro, một cây thị mọc lên. Khi trái thị chín, nó rơi vào bị của bà lão bán nước. Hằng ngày, Tấm bước ra từ quả thị, giúp bà quét dọn và nấu cơm. Bà cụ xé vỏ thị, Tấm trở lại thành người và sống cùng bà. Khi nhà vua đi ngang qua quán nước, ngài nhận ra miếng trầu têm cánh phượng của Tấm. Tấm được đón về cung và trở thành hoàng hậu. Còn hai mẹ con Cám bị trừng phạt.

>>> Xem thêm: Kể chuyện cây khế cho bé: bài học ý nghĩa dạy con từ nhỏ

Kể chuyện Tấm Cám cho bé với nội dung đầy đủ

Ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ là Tấm và Cám. Mẹ Tấm mất sớm, cha Tấm cưới thêm mẹ Cám. Cha Tấm rất yêu thương con gái, nhưng chẳng bao lâu ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Từ đó, Tấm phải sống cùng dì ghẻ là mẹ của Cám. Bà dì ghẻ độc ác, bắt Tấm làm hết mọi việc trong nhà; còn Cám thì được nuông chiều, suốt ngày rong chơi.

Một hôm, mẹ Cám sai hai chị em ra đồng bắt cá và bảo:

• Ai bắt được nhiều cá hơn sẽ được thưởng!

Tấm siêng năng chăm chỉ, chẳng mấy chốc giỏ đã đầy cá. Cám mải mê rong chơi, đến chiều vẫn chưa bắt được con nào. Nhìn thấy giỏ cá của chị đầy ắp, Cám liền nghĩ kế lừa Tấm:

• Chị Tấm ơi, đầu chị lấm lem rồi, chị xuống ao gội đầu đi kẻo mẹ mắng!

Tấm tin lời, để giỏ cá nhờ Cám trông giúp rồi xuống ao gội đầu. Nhân lúc ấy, Cám trút hết cá trong giỏ của Tấm vào giỏ mình, rồi chạy về nhà trước. Khi Tấm lên bờ thì giỏ cá đã trống không. Tấm ngồi khóc nức nở, bỗng Bụt hiện lên hỏi:

• Tại sao con khóc?

Tấm kể lại sự tình. Bụt bảo nàng xem lại trong giỏ còn gì không. Tấm phát hiện ra một con cá bống nhỏ. Bụt dặn nàng đem cá về thả xuống giếng nuôi, mỗi ngày cho ăn và gọi:

Bống bống bang bang,

Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta,

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Tấm cho cá bống ăn

Tấm nghe lời, mỗi ngày đều mang cơm cho bống. Cá bống lớn rất nhanh, nhưng dì ghẻ sinh nghi, sai Cám rình xem. Biết chuyện, bà lừa Tấm đi chăn trâu xa rồi cùng Cám bắt cá bống lên làm thịt.

Chiều hôm đó, Tấm ra giếng gọi mãi không thấy bống lên, chỉ thấy một vệt máu đỏ. Nàng bật khóc, Bụt lại hiện ra an ủi:

• Cá bống bị người ta ăn mất rồi. Con hãy nhặt xương cá, bỏ vào bốn cái hũ và chôn dưới chân giường.

Tấm làm theo lời Bụt. Ít lâu sau, nhà vua mở hội, ai ai cũng nô nức đi xem. Mẹ con Cám chuẩn bị từ sớm, Tấm xin đi nhưng dì ghẻ trộn một đấu thóc với một đấu gạo, bắt Tấm ngồi nhặt. Tấm lại khóc, Bụt sai đàn chim sẻ giúp nàng nhặt xong chỉ trong chớp mắt. Nhưng Tấm lại không có quần áo đẹp đi hội, Bụt bảo nàng đào bốn hũ chôn dưới giường.

Khi mở ra, Tấm vô cùng kinh ngạc: một hũ có váy áo lộng lẫy, một hũ có đôi giày thêu tinh xảo. Hũ thứ ba chứa một con ngựa nhỏ, khi đặt xuống đất liền hóa thành ngựa thật. Hũ cuối cùng là bộ yên cương chắc chắn. Tấm mừng rỡ thay đồ, lên ngựa tiến kinh.

Trên đường đi, nàng vô tình đánh rơi một chiếc giày xuống vũng lầy. Khi đoàn tùy tùng của nhà vua đi ngang, hai con voi ngự đầu đàn cứ cúi xuống, không chịu bước tiếp. Vua cho lính tìm hiểu và nhặt được chiếc giày. Ngắm chiếc giày nhỏ nhắn, vua phán:

• Giày đẹp thế này, hẳn người đi nó cũng rất đẹp!

Vua liền ban lệnh cho tất cả phụ nữ thử giày, ai đi vừa sẽ được rước vào cung. Không ai đi vừa, đến lượt Tấm, dì ghẻ buông lời chế giễu nhưng khi nàng xỏ vào, giày vừa khít. Tấm lấy chiếc giày còn lại ra đối chứng, quân lính reo hò. Nhà vua mừng rỡ đón nàng về cung.

Mẹ con Cám ghen tức, rắp tâm hãm hại nàng. Nhân ngày giỗ cha, Tấm xin về nhà làm giỗ. Mẹ Cám giả vờ ngọt ngào, bảo nàng trèo lên cây cau hái xuống cúng cha. Khi Tấm trèo lên, bà ta lén đốn gốc, Tấm ngã xuống ao chết. Mẹ con Cám đem quần áo của nàng cho Cám mặc rồi đưa vào cung thay chị.

Tấm chết hóa thành chim Vàng Anh, bay vào cung, ngày ngày cất tiếng hót bên vua:

Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch,

Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào,

Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao.

nhà vua và chim vàng anh

Nhà vua yêu thích Vàng Anh, ngày ngày chăm sóc. Cám ghen tức về hỏi mẹ. Bà ta bảo giết chim nấu ăn, lông chim đem chôn. Từ chỗ lông chim mọc lên hai cây xoan đào. Nhà vua thích nằm hóng mát dưới tán cây. Cám lại về mách mẹ. Bà xúi chặt cây làm khung cửi.

Một hôm, Cám ngồi dệt áo, khung cửi bỗng kêu:

Cót ca cót két,

Lấy tranh chồng chị,

Chị khoét mắt ra!

Hoảng sợ, Cám đem khung cửi đốt. Từ đống tro mọc lên một cây thị lớn, chỉ có duy nhất một quả. Một bà lão đi chợ qua, thấy thị thơm bèn khấn:

Thị ơi thị rơi bị bà,

Bà để bà ngửi,

Chứ bà không ăn.

quả thị và bà lão

Quả thị rơi vào bị bà lão. Bà đem về đặt trên gối, chỉ ngửi chứ không ăn. Ngày ngày bà ra chợ, nhưng khi về nhà thì thấy cơm nước dọn sẵn, nhà cửa tinh tươm. Một hôm, bà giả vờ đi chợ, rồi quay lại nhìn trộm. Thấy một cô gái xinh đẹp bước ra từ quả thị, bà chạy vào ôm chầm lấy nàng, xé vụn vỏ thị và nhận làm con.

Từ đó, Tấm giúp bà lão mở quán nước. Một lần vua ghé qua, thấy trầu têm giống hệt Tấm têm ngày trước, vua hỏi:

• Bà ơi, ai têm trầu mà khéo vậy?

Bà lão đáp:

• Con gái tôi têm đấy!

Nhà vua nhận ra Tấm, vui mừng rước nàng về cung. Nghe chuyện, vua nổi giận, bắt mẹ con Cám lên xử tội. Dù Tấm xin tha, vua vẫn đuổi họ khỏi cung. Từ đó, Tấm sống hạnh phúc bên nhà vua mãi mãi.

>>> Xem thêm: Kể chuyện đêm khuya cho bé: 5 truyện giúp bé ngủ ngon

Kể chuyện Tấm Cám cho bé rút ra được bài học gì?

Câu chuyện Tấm Cám mang đến ý nghĩa giáo dục sâu sắc: làm điều tốt sẽ nhận lại điều tốt, còn gian ác sẽ bị trừng trị. Tấm là nhân vật đại diện cho những người hiền lành, chăm chỉ và có lòng nhân hậu. Nếu bé sống tốt, biết yêu thương, giúp đỡ người khác như cô Tấm thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, Tấm dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn kiên trì vượt qua. Qua đó, truyện dạy bé biết cố gắng, không nản lòng trước thử thách.

Nhân vật Cám và dì ghẻ đại diện cho lòng tham lam, đố kỵ, ích kỷ, luôn tìm cách hãm hại người khác. Câu chuyện giúp bé hiểu rằng những hành động xấu xa sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp.

>>> Xem thêm: 15 truyện cho bé 3 tuổi ý nghĩa, nên kể cho bé nghe hằng đêm

Cách kể chuyện Tấm Cám cho bé hấp dẫn và cuốn hút

Cách kể chuyện Tấm Cám cho bé hấp dẫn và cuốn hút

Kể chuyện Tấm Cám cho bé hấp dẫn và cuốn hút cần có cách truyền tải sinh động, phù hợp với độ tuổi của bé. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

1. Dùng giọng kể sinh động

Thay đổi giọng nói, ngữ điệu cho từng nhân vật: Ví dụ, với nhân vật Tấm thì bạn kể với giọng điệu hiền lành, nhẹ nhàng. Mẹ Cám giọng chua ngoa, nghiêm khắc. Cám giọng nhõng nhẽo, ranh mãnh. Ông Bụt giọng trầm ấm, hiền từ…

Tạo hiệu ứng âm thanh: Khi Tấm khóc, có thể giả tiếng nấc nhẹ. Khi Bụt xuất hiện, có thể làm tiếng “ting ting” để bé thấy kỳ diệu.

2. Tương tác với trẻ

Đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ: “Nếu con là Tấm, con sẽ làm gì khi bị Cám lấy hết cá?”. “Con có biết Bụt sẽ giúp Tấm bằng cách nào không?”. Bạn có thể cho bé đoán tình tiết tiếp theo: “Theo con, ai sẽ giúp Tấm?”. Ngoài ra, để bé nhập vai cũng là một cách giúp con cảm thấy hào hứng với câu chuyện hơn. Bạn hãy hỏi bé có muốn thử nói như Bụt hay giả giọng Cám không?

3. Cách kể chuyện Tấm Cám cho bé với hình ảnh, đồ vật minh họa

Bạn dùng tranh vẽ, mô hình hoặc búp bê để minh họa câu chuyện. Nếu có thời gian, ba mẹ có thể diễn một số đoạn ngắn. Ví dụ: dùng một chiếc giày nhỏ làm “hài thêu” để bé tưởng tượng cảnh thử giày.

>>> Xem thêm: 12 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non thú vị và siêu bổ ích

4. Kể lại câu chuyện Tấm Cám ngắn gọn chọn phiên bản truyện phù hợp

Với bé nhỏ (dưới 5 tuổi), bạn kể chuyện với kết thúc nhẹ nhàng, bỏ bớt các chi tiết nặng nề như trả thù. Kết thúc câu chuyện, bạn nhấn mạnh những giá trị tốt như: “Tấm hiền lành nên cuối cùng cũng hạnh phúc, còn Cám và dì ghẻ thì sao con nhỉ?”. Bạn đưa ra những câu hỏi mở cho con như: “Con có muốn giống Tấm không? Vậy con sẽ làm gì để trở thành một người tốt?”.

5. Chơi trò chơi rèn luyện khả năng ghi nhớ cho bé

Ngoài cách kể chuyện Tấm Cám cho bé nghe, bạn có thể thử tài trí nhớ của bé qua những câu đố vui.

Câu 1:

Sau khi bố mất thì Tấm ở với ai?

1. Dì ghẻ và Cám

2. Mẹ ruột

Câu 2:

Khi Tấm khóc vì bị lấy hết cá, ai đã hiện lên giúp Tấm?

1. Thần Sông

2. Ông Bụt

Câu 3:

Bụt bảo Tấm thả vật gì xuống giếng nuôi?

1. Tép

2. Cá bống

Kể chuyện Tấm Cám cho bé sẽ giúp bé rèn luyện tư duy, nuôi dưỡng lòng nhân ái và hiểu được giá trị của sự lương thiện. Bằng cách kể chuyện sinh động, tương tác cùng trẻ và nhấn mạnh những bài học ý nghĩa, bé sẽ tiếp thu câu chuyện một cách nhẹ nhàng và sâu sắc.

>>> Xem thêm: Bài hát về ngày 8/3 cho trẻ mầm non sôi động và ý nghĩa