12 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non thú vị và siêu bổ ích
Trẻ nhỏ thích di chuyển, khám phá và tạo ra tiếng động. Vậy nên, các trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non luôn thu hút bé hào hứng tham gia. Bài viết sau, ILO gợi ý 12 trò chơi thú vị và mang đến nhiều lợi ích giáo dục to lớn. Bạn hãy vừa dạy vừa vui chơi cùng bé nhé.
Lợi ích của các trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non
Âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Các nghiên cứu nhận thấy ngay cả thai nhi cũng có thể nhận ra sự rung động của âm thanh. Một số lợi ích của các trò chơi âm nhạc vui nhộn cho trẻ mầm non chính là:
1. Phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Khi trẻ học một bài hát mới, kỹ năng ngôn ngữ của con sẽ được cải thiện. Con nắm bắt được âm vị và từ vựng, hiểu rõ hơn ý nghĩa của các từ cụ thể. Âm nhạc cũng giúp bé phát triển khả năng đọc và nói lưu loát hơn.
2. Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non phát triển thể chất
Các trò chơi âm nhạc yêu cầu bé phải di chuyển liên tục, phối hợp vỗ tay và nhịp chân, chơi nhạc cụ gõ… Kỹ năng vận động của con sẽ được cải thiện. Con cũng sẽ biết được việc chơi một loại nhạc cụ thú vị đến thế nào.
3. Trò chơi âm nhạc vui nhộn cho trẻ mầm non phát triển kỹ năng xã hội
Con khám phá ra rằng mình có thể ca hát và tự tin sử dụng giọng nói của mình để giao tiếp với người khác. Trò chơi âm nhạc cũng nâng cao kỹ năng xã hội và khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm. Con học cách lắng nghe, chờ đợi và quan tâm đến người khác khi chơi luân phiên.
4. Âm nhạc và cải thiện nhận thức
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc nghe nhạc có thể thay đổi cách thức hoạt động của não bộ. Âm nhạc cải thiện khả năng tập trung, trí nhớ, kỹ năng tư duy, trí thông minh không gian và các khả năng nhận thức khác.
Âm nhạc cũng kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Ví dụ, bé có thể tưởng tượng và sáng tạo các hoạt động của con vật khi lắng nghe các bài hát về động vật. Khuyến khích sự sáng tạo giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề khi con lớn lên.
>>> Xem thêm: Các bài hát về Tết cho trẻ mầm non hào hứng đón xuân về
12 trò chơi âm nhạc vui nhộn cho trẻ mầm non
1. Trò chơi đóng băng
Đóng băng là trò chơi tuyệt vời để phát triển khả năng phân biệt thính giác của trẻ. Bé phải lắng nghe cẩn thận để phân biệt giữa âm thanh và sự im lặng. Đồng thời, bé học cách kiểm soát chuyển động của cơ thể hiệu quả.
Cách chơi:
• Phát một bài hát vui nhộn cho trẻ nghe.
• Khi nhạc đang phát, bé sẽ nhảy múa khắp phòng.
• Thỉnh thoảng, bạn dừng nhạc đột ngột và bé phải đứng im như tượng ở vị trí mình đang nhảy. Khuyến khích bé sáng tạo ra những tư thế mới, thú vị hơn mỗi lần “đóng băng”.
• Những bé không đứng yên mà di chuyển sẽ phải dừng cuộc chơi. Để tăng thêm yếu tố hồi hộp, bạn hãy đi xung quanh và chạm nhẹ vào các “bức tượng”. Nếu “tượng” lắc lư hoặc di chuyển thì bé thua cuộc, không được chơi tiếp. Đối với trẻ nhỏ, việc “đứng im” mà không bị bắt ra ngoài thực sự rất thú vị. Bé sẽ cố gắng để tuân theo luật chơi.
2. Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non: Ghế âm nhạc
Trò chơi ghế âm nhạc dạy cho bé cách di chuyển khéo léo qua các đồ vật đặt trong phòng. Đồng thời, trẻ học cách nhận biết vị trí của mình trong không gian khi chạy xung quanh tìm ghế ngồi mà không va vào người khác.
Cách chơi:
• Đặt ghế thành vòng tròn xung quanh. Số lượng ghế tương ứng với số người chơi.
• Phát một bài hát vui nhộn. Các bé đi vòng quanh ghế và lắc lư theo nhạc.
• Bạn bỏ đi một chiếc ghế khi trẻ đang nhảy múa.
• Thỉnh thoảng, bạn dừng nhạc lại và các bé phải chạy đến ngồi vào một chiếc ghế bất kỳ. Nếu bé nào chậm chân không ngồi được vào ghế thì sẽ bị loại.
• Tiếp tục phát nhạc và bỏ tiếp một chiếc ghế rồi dừng nhạc lại tương tự như trên. Cứ tiếp tục chơi cho đến khi chỉ còn hai bé và một chiếc ghế. Nếu bé nào ngồi vào ghế trước thì sẽ là người chiến thắng.
3. Chuyển gói hàng
Pass the parcel (chuyển gói hàng) là trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non rất phổ biến trong các bữa tiệc sinh nhật. Hoạt động này giúp bé tăng cường kỹ năng vận động tay linh hoạt và học cách lắng nghe cẩn thận.
Cách chơi:
• Bạn gói một món quà nhỏ bằng nhiều lớp giấy gói. Lưu ý gói sao cho trẻ dễ mở ra.
• Phát một bài nhạc và yêu cầu các bé ngồi thành vòng tròn. Trẻ sẽ chuyển gói quà theo chiều kim đồng hồ (giải thích cho bé hiểu từ này). Quà phải được chuyển bằng hai tay và người nhận cũng phải nhận bằng hai tay.
• Khi nhạc dừng lại, người cầm quà sẻ mở một lớp giấy gói quà ra.
• Nhạc tiếp tục phát và món quà sẽ được chuyền tay cho đến khi bé gỡ hết các lớp gói quà.
>>> Xem thêm: Top 25 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non thú vị và bổ ích
4. Nhận biết nhạc cụ, trò chơi âm nhạc hay cho trẻ mầm non
Trong trò chơi này, trẻ lắng nghe và xác định càng nhiều nhạc cụ càng tốt. Con sẽ cần phải tiếp xúc với một số nhạc cụ và nhận ra những âm thanh cơ bản. Hoạt động này giúp tăng khả năng phân biệt bằng thính giác và giới thiệu nhạc cụ.
Cách chơi:
• Bạn phát một đoạn âm thanh của các nhạc cụ tại đây. Hoặc nếu có thể, bạn dùng nhạc cụ để dạy trẻ nhận biết trực quan hơn.
• Mỗi đoạn âm thanh được phát, bạn dừng lại và cho trẻ đoán xem đó là loại nhạc cụ gì.
• Bé nào đoán được nhiều loại nhạc cụ hơn là người chiến thắng.
5. Trò chơi âm nhạc vui nhộn cho trẻ mầm non: Vũ điệu động vật
Vương quốc động vật có rất nhiều điệu nhảy lạ mắt. Hãy thử thách trẻ nhảy theo một con vật. Trò chơi này đòi hỏi bé phải sáng tạo. Đồng thời, bé sẽ có những giây phút vui chơi thú vị với các bạn cùng lớp.
Cách chơi:
• Bật một bài hát thiếu nhi bất kỳ để các bé nhún nhảy theo. Bạn chuẩn bị sẵn hình ảnh một số loại động vật quen thuộc với bé.
• Trong khi nhạc đang phát, bạn chỉ vào hình ảnh một con vật bất kỳ và yêu cầu trẻ sáng tạo điệu nhảy của con vật đó. Bé có thể bắt chước bộ dạng hoặc tiếng kêu của con vật khi đang nhảy.
6. Trao đổi bài hát theo vòng tròn
Các bé sẽ ngồi thành vòng tròn. Mỗi trẻ chọn một bài hát để cả nhóm cùng hát. Trò chơi này giúp tăng cường trí nhớ và kiến thức âm nhạc. Đồng thời, trẻ học cách chia sẻ và tham gia hoạt động nhóm.
7. Đoán tên bài hát – Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non
Bạn phát vài giây đầu tiên của các bài hát khác nhau và yêu cầu trẻ đoán tên bài hát. Trò chơi này giúp rèn luyện kỹ năng nghe và mở rộng vốn âm nhạc của trẻ.
8. Vẽ những gì bé nghe thấy
Bạn hãy chuẩn bị nhiều loại nhạc khác nhau. Đưa cho bé một tờ giấy trắng và bút dạ hoặc bút màu. Bắt đầu phát nhạc và yêu cầu con vẽ những gì con nghe thấy theo sự hướng dẫn của bạn.
Ví dụ, với giai điệu nhạc chậm hơn, bạn gợi ý bé vẽ những đường uốn lượn dài bằng màu tối. Với giai điệu nhanh hơn, bé vẽ những đường uốn lượn ngắn hơn và dùng màu sáng.
Không có đáp án đúng hay sai trong trò chơi này. Trẻ chỉ cần tạo ra những gì con lắng nghe và cảm nhận được. Đây là trò chơi liên kết cảm xúc và màu sắc với âm thanh, do đó thúc đẩy trí tuệ cảm xúc và tăng khả năng sáng tạo.
>>> Xem thêm: 10+ trò chơi học tập cho trẻ mầm non thú vị và bổ ích
9. Dàn nhạc “nhà bếp” – Trò chơi âm nhạc sôi động cho trẻ mầm non
Bạn không có đàn piano hoặc trống cho bé? Đừng lo lắng, những vật dụng trong nhà bếp vẫn có thể trở thành “dàn nhạc” tuyệt vời tại gia. Bạn dùng nồi, chảo, bát, hộp sữa rỗng làm “nhạc cụ” và để cho trẻ thỏa sức sáng tạo, khám phá âm thanh và nhịp điệu khác nhau bằng thìa gõ. Chắc chắn trẻ sẽ thích mê.
10. Tự làm đàn xylophone
Bạn đổ đầy nước vào nhiều loại ly, bình và lọ với các mực nước khác nhau. Xếp chúng theo thứ tự từ ít đến nhiều. Đưa cho bé một cái thìa gỗ và yêu cầu con thử nghiệm các âm thanh khác nhau bằng cách gõ nhẹ vào vành ly. Để làm cho trò chơi này hấp dẫn hơn về mặt thị giác, hãy thêm màu thực phẩm vào nước và tạo thành cầu vồng đẹp mắt.
11. Khiêu vũ với đạo cụ – Các trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non
Bạn đưa cho bé một số đạo cụ đơn giản, ví dụ như khăn quàng cổ, hoa hoặc ruy băng để nhảy theo nhạc. Hoạt động này giúp bé sáng tạo những điệu nhảy độc đáo và tăng cường kỹ năng vận động tinh khi con cầm nắm đồ vật.
12. Cách giữ thăng bằng trên đường đi
Bé sẽ học cách giữ thăng bằng khi đi trên dây trong lúc lắng nghe nhạc. Cách chơi trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non như sau:
• Bạn sử dụng băng dính hoặc dây thừng để tạo ra những “con đường” quanh co trên sàn.
• Giải thích cho bé cách đi trên “con đường” như chim cánh cụt. Thực hiện động tác đi bộ chậm rãi, cẩn thận, dang rộng hai tay để giữ thăng bằng.
• Bật nhạc và yêu cầu trẻ di chuyển trên “con đường” nhanh hay chậm tùy theo nhịp độ của bài hát. Nhắc nhở trẻ di chuyển cẩn thận để tránh đi chệch ra khỏi đường.
• Khi sự tự tin của trẻ tăng lên, hãy thử thách trẻ đi lùi hoặc giữ thăng bằng trên một chân trong một lúc. Khuyến khích các bé đang chờ cổ vũ cho bạn bè của mình.
• Bạn có thể tăng độ khó của đường đi hoặc thêm các chướng ngại vật nhỏ như hộp giấy. Trẻ phải bước qua mà vẫn phải giữ thăng bằng.
>>> Xem thêm: Nhận biết những tính cách của trẻ mầm non để dạy con đúng
Dạy trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non như thế nào?
• Nên bắt đầu từ sớm: Bạn hãy cho bé làm quen với âm nhạc càng sớm càng tốt. Với bé từ 0 – 2 tuổi có thể lắng nghe các bài hát ru nhẹ nhàng, chơi trò vỗ tay đơn giản, chơi các nhạc cụ mềm như trống bọc vải…
• Bắt đầu bằng những bài hát và động tác đơn giản: Điều này giúp xây dựng sự tự tin và hứng thú tham gia của trẻ.
• Kết hợp vừa học vừa chơi: Dạy trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non theo cách thú vị và phù hợp với độ tuổi. Ví dụ, trò chơi cho bé từ 2 – 3 tuổi học cách nhận dạng nhịp điệu cơ bản bằng cách vỗ tay hoặc gõ. Trò chơi từ 3 – 4 tuổi học cách khám phá các âm thanh khác nhau (cao/thấp, nhanh/chậm) hoặc tập trung vào kỹ năng nghe. Bé từ 4 – 5 tuổi thì bạn khuyến khích con sáng tạo các điệu nhảy theo nhạc hoặc chơi theo nhóm yêu cầu sự hợp tác giữa các bé.
• Lặp lại các bài hát và chuyển động: Giúp trẻ làm quen với nhịp điệu, đồng thời xây dựng trí nhớ và kỹ năng phối hợp.
• Khám phá nhiều thể loại âm nhạc khác nhau: Cho trẻ tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau để mở rộng hiểu biết và cảm thụ âm nhạc.
• Vui chơi ngoài trời: Khuyến khích các hoạt động âm nhạc và vận động ngoài trời, nơi bé có thể khám phá những chuyển động mạnh hơn và âm lượng lớn hơn.
• Hãy nhiệt tình: Sự nhiệt tình của bạn có sức lan tỏa rất lớn. Nếu bạn vui vẻ, bé cũng sẽ vui vẻ.
Trên đây là 12 trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non rất dễ chơi. Những hoạt động này giúp nâng cao khả năng nhận thức, phát triển cảm xúc và cải thiện sự phối hợp vận động của bé. Bạn hãy lựa chọn trò chơi phù hợp cho bé nhé.
>>> Xem thêm: 5 kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho trẻ mầm non