7 dạng toán tư duy cho trẻ mầm non phát triển trí não hiệu quả
Toán học có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống nói chung và bản thân mỗi người nói riêng. Vì vậy, phần lớn ba mẹ đều mong muốn khơi dậy, bồi dưỡng niềm yêu thích toán học, phát triển tư duy, tạo nền tảng kiến thức cho con ngay từ nhỏ. Các bài toán tư duy cho trẻ mầm non 5 tuổi mà ILO tổng hợp dưới đây chính là “vũ khí” giúp ba mẹ thỏa những mong muốn này.
Vì sao nên cho trẻ mầm non học toán tư duy từ sớm?
Toán tư duy là một phương pháp toán học mới dành cho trẻ từ 4 -11 tuổi. Các bài tập về số học, hình học, bài toán mê cung, tìm quy luật… giúp bé khám phá toán học bằng cách áp dụng sự sáng tạo, tư duy logic, trải nghiệm thực tế… thay vì luôn dựa vào công thức, nguyên tắc khuôn mẫu như cách học toán thông thường. Vậy, toán tư duy cho trẻ mầm non mang lại những lợi ích gì? Có nên cho bé tiếp cận toán tư duy sớm?
• Toán tư duy giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy toàn diện: Đa phần trẻ mầm non đều gặp hạn chế về sự tập trung và khả năng quan sát. Toán tư duy là phương pháp hữu hiệu giúp bé cải thiện dần các hạn chế này. Hơn nữa, ba mẹ cho bé tiếp cận sớm và thường xuyên với bộ môn này còn giúp con phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy logic, phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề hiệu quả.
• Nền tảng vững chắc cho tương lai: Giai đoạn 3 – 6 tuổi là “thời kỳ vàng” để trẻ ghi nhớ và tiếp nhận kiến thức. Bằng cách giải các bài tập toán mầm non 5 tuổi, bé được trang bị kiến thức, nền tảng toán học vững chắc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
• Khơi dậy niềm yêu thích toán học ngay từ nhỏ: Nhờ tiếp cận toán học thông qua các trải nghiệm thực tế, đề tài sống động, bài tập thỏa sức sáng tạo mà bé nhận ra vẻ đẹp và sự kỳ diệu trong toán học. Từ đó giúp con hình thành niềm hứng thú và đam mê học tập từ sớm.
7 dạng toán tư duy cho trẻ mầm non và ý nghĩa của chúng
Hiện nay có rất nhiều dạng bài tập toán tư duy cho trẻ mầm non 5 tuổi. Có thể kể đến như:
• Bài tập phân biệt hình khối, màu sắc, hình dáng: các dạng bài tập này giúp trẻ mầm non tăng khả năng ghi nhớ, quan sát cũng như phân biệt các dạng hình khối, màu sắc trong cuộc sống…
• Bài tập nhận biết số: Đây là bài tập toán tư duy giúp bé làm quen, nhận biết các con số, dãy số cũng như thứ tự lớn bé của chúng.
• Bài tập tìm quy luật: Dạng toán tư duy này được đánh giá phù hợp với trẻ mầm non nhằm tăng khả năng quan sát, tổng hợp, phân tích và tư duy logic.
• Bài toán mê cung cho bé 5 tuổi: Bé sẽ rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng quan sát và suy luận có hệ thống qua những bài tập dạng này.
• Bài tập ghép tranh: Vừa là bài tập, vừa là một hình thức giải trí thú vị nên luôn được trẻ mầm non yêu thích. Hơn nữa, dạng bài tập ghép tranh còn giúp bé tăng độ nhanh nhạy và khả năng quan sát hiệu quả.
• Bài tập so sánh: Đúng như tên gọi, dạng bài tập này giúp trẻ mầm non quan sát, đưa ra phán đoán, so sánh một cách chính xác.
• Bài tập nối: Tương tự so sánh, bài tập nối giúp bé phát triển kỹ năng nhận biết, quan sát, phân tích vượt trội.
>>> Xem thêm: 100 câu đố cho trẻ mầm non giải trí và phát triển tư duy
Tham khảo các bài tập toán tư duy cho trẻ mầm non thú vị
Dưới đây là các bài tập toán tư duy cho trẻ 5 tuổi ba mẹ có thể tham khảo và cho bé thực hành mỗi ngày.
1. Bài tập toán tư duy cho trẻ mầm non phân biệt hình khối, màu sắc, hình dáng
Hình khối, màu sắc là những khái niệm cơ bản và gần gũi giúp bé nhận thức về nhiều mặt trong cuộc sống. Vì vậy, ba mẹ hãy giúp bé nhận biết, phân biệt và gọi tên những khái niệm này từ khi còn nhỏ.
Không quá phức tạp, ba mẹ có thể giúp con phân biệt hình khối, màu sắc từ các vật dụng trong nhà. Chắc chắn đây sẽ là những bài tập toán tư duy giúp trẻ phân biệt hình khối, màu sắc, hình dáng đơn giản mà hiệu quả.
Theo đó, ba mẹ có thể giới thiệu, giải thích cho bé những đồ vật gần gũi như hộp sữa, tủ lạnh, quả bóng có hình dáng và màu sắc gì. Ngoài ra, sách vở, các video trên Internet cũng là công cụ hữu ích giúp con làm các bài tập toán tư duy nhận biết hình khối, màu sắc hiệu quả mà ba mẹ không nên bỏ qua.
Bài tập ví dụ: Hình nào sau đây là hình tròn?
2. Toán tư duy cho trẻ mầm non – Bài tập nhận biết số
Số đếm được ví như “chìa khóa vàng” mở ra thế giới toán học cho trẻ. Bởi thế, ba mẹ nên dạy con nhận biết các chữ số, cách đếm số, nối số ngay từ nhỏ thông qua các dạng bài tập toán tư duy nhận biết số. Việc này nghiễm nhiên tạo nền tảng vững chắc trước khi trẻ bắt đầu học các kiến thức cộng, trừ, nhân, chia…
Có đa dạng cách để ba mẹ hướng dẫn con các bài tập nhận biết mặt số, thứ tự và cách đếm số như: thông qua các thẻ số đếm, bảng chữ số, sách vở hay các đồ vật gần gũi hàng ngày (kẹo, bánh, hộp sữa, ghế…).
Bài tập ví dụ: Đọc các số sau và đếm các vật tương ứng.
>>> Xem thêm: 9 ý tưởng, 7 mẹo dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non
3. Toán tư duy cho trẻ mầm non – Bài toán quy luật
Bài toán quy luật là một trong những dạng bài tập toán tư duy cho trẻ 5 tuổi giúp bé tăng tính tập trung, tư duy tổng hợp và phân tích hiệu quả.
Những quy luật đơn giản như số ngày trong tuần, số tháng trong năm, số lẻ, số chẵn, số thứ tự đến những quy luật gần gũi hàng ngày… ba mẹ cũng có thể ứng dụng và đưa ra các bài tập toán quy luật cho trẻ mầm non.
Ví dụ như: Sau ngày thứ bảy sẽ là thứ mấy? Số chân ghế đẩu là bao nhiêu, chân ghế sofa là bao nhiêu? Thông thường, trẻ sẽ cảm thấy vô cùng hào hứng với các bài tập dạng này. Dần dần con sẽ bắt đầu tò mò, tự đặt câu hỏi cho chính mình và suy luận để đưa ra kết quả. Điều này giúp con tăng khả năng suy luận, tư duy logic một cách tuyệt vời.
Bài tập ví dụ: Bé hãy tô màu theo quy luật.
4. Toán tư duy cho trẻ mầm non: Bài toán mê cung
Luyện tập các bài toán tư duy mê cung là cách giúp con rèn luyện khả năng quan sát và giải quyết vấn đề tốt. Vì vậy, ba mẹ nên chuẩn bị các bài toán mê cung thú vị, hấp dẫn và đừng quên tạo sự tò mò, kích thích niềm hứng thú của con bằng những lời khuyến khích và gợi mở.
Ba mẹ có thể tham khảo và tìm mua các cuốn sách bài toán tư duy cho trẻ mầm non 5 tuổi dạng mê cung tại nhà sách. Ngoài ra, bài tập này có thể thực hiện trên giấy, máy tính bảng, laptop hoặc thông qua các trò chơi thực tế.
Bài tập ví dụ: Ở hình trên, ly nước, bánh donut và khoai tây chiên nối với số mấy?
5. Toán tư duy cho trẻ mầm non – bài tập so sánh
So sánh là một dạng bài tập toán tư duy giúp bé nhận biết sự khác biệt giữa các đồ vật trong cuộc sống. Cụ thể, trẻ sẽ nhận biết, hiểu rõ sự so sánh đối lập: nhiều và ít, lớn và bé, cao và thấp. Từ đó con biết cách định lượng về các đồ vật xung quanh, đồng thời phát huy trí tưởng tượng.
Ngoài các bài tập so sánh trong sách vở, trên Internet, ba mẹ còn có thể thường xuyên cho bé thực hành bài tập so sánh gần gũi về các đồ vật, sự vật, hiện tượng xung quanh. Ví dụ như cái bát nào to nhất? Giữa đôi giày của ba, của mẹ và của bé, đôi nào to nhất?
Bài tập ví dụ: Con nào to, con nào bé?
6. Toán tư duy cho trẻ mầm non: bài tập ghép tranh
Thông qua các dạng bài tập ghép tranh, tìm mảnh ghép còn thiếu của bức tranh, tìm bóng của đồ vật… sẽ khơi dậy và kích thích sự tò mò, tìm tòi của trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần chuẩn bị những bài tập tương tự cho bé thực hiện thường xuyên.
Ba mẹ có thể tìm mua các cuốn sách bài tập toán mầm non 5 tuổi tại nhà sách, tham khảo các bài tập toán tư duy cho trẻ mầm non trên Internet hoặc các bộ trò chơi ghép tranh.
Bài tập ví dụ: Tìm các mảnh ghép tương ứng còn thiếu trong bức tranh.
7. Toán tư duy cho trẻ mầm non – Bài tập nối
Đây là một dạng bài tập toán tư duy cho trẻ mầm non 5 tuổi nối các số, con vật, đồ vật theo thứ tự hoặc quy luật nhất định. Đó có thể là nối các hình vẽ giống nhau, nối hình để tạo thành bức tranh, nối số theo hình vẽ tương ứng, nối số theo thứ tự tăng dần…
Bài tập ví dụ: Bé hãy nối rau củ, trái cây với số tương ứng.
Trên đây là tổng hợp những dạng toán tư duy cho trẻ mầm non phổ biến, thú vị và hiệu quả trong việc giáo dục, tạo nền tảng kiến thức cho trẻ. Tuy nhiên, khơi dậy niềm yêu thích và khả năng toán học của con là cả một quá trình. Ba mẹ cần lựa chọn và khuyến khích con thực hành các dạng toán phù hợp với sở thích, năng lực và lứa tuổi. Đồng thời, ba mẹ đừng quên cho bé thời gian, kiên nhẫn đồng hành cùng con nhé!
>>> Xem thêm: Bảng chữ cái mầm non và cách giúp trẻ học chữ cái hiệu quả