Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi do đâu? 5 cách chăm bé

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi.

Việc trẻ nhỏ nôn trớ đôi khi là điều bình thường. Vậy nhưng bé thường xuyên nôn mửa kèm cảm giác khó chịu, kén ăn hoặc sụt cân thì có thể là do bé bị trào ngược dạ dày thực quản. Vậy, trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi là do đâu và phải làm sao nếu chẳng may con bị bệnh này?

Thế nào là bệnh trào ngược dạ dày thực quản?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là chứng rối loạn tiêu hóa. Nó xảy ra khi các chất trong dạ dày trào ngược trở lại vào ống dẫn thức ăn – thực quản.

Nói một cách cụ thể, bệnh trào ngược dạ dày đi ngược lại với sinh lý tự nhiên. Theo nguyên tắc, thức ăn sẽ đi từ miệng xuống thực quản và cuối cùng là tới dạ dày để cơ quan này làm nhiệm vụ co bóp, nghiền trộn và tiêu hóa thức ăn. Thế nhưng, người mắc bệnh trào ngược, thức ăn đi ngược trở lại lên trên thực quản.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi

Nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi.

Các bác sĩ đầu ngành cho biết rằng có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược dạ dày. Tình trạng này được coi là phổ biến ở trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và thường sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên. Song, một số bé 2 tuổi do các nguyên nhân sinh lý và bệnh lý nên bị căn bệnh này làm phiền.

Bệnh trào ngược xảy ra khi dịch dạ dày (gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi) trào ngược lên gây tổn thương các cơ quan thực quản, thanh quản, miệng… Thực quản là ống nối miệng với dạ dày. Van ở đáy thực quản mở ra để đưa thức ăn xuống và đóng lại để ngăn axit trào lên. Khi van này đóng hoặc mở không đúng thời điểm có thể gây ra các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi dễ bị bệnh trào ngược:

• Hệ tiêu hóa chưa ổn định

• Béo phì (gây áp lực lên dạ dày)

• Hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động)

• Chậm phát triển nghiêm trọng

• Mắc một số bệnh về thần kinh, như bại não

• Dị tật bẩm sinh ở dạ dày như thoát vị cơ hoành, dạ dày phình ra, sa dạ dày, teo thực quản…

• Cơ vòng thực quản chưa hoàn thiện

• Sử dụng một số thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc trị hen suyễn, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm…

>>> Đọc thêm: [Góc giải đáp] Bé khó ngủ thiếu chất gì? 7 vi chất cần thiết

Dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi

Dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ mầm non.

Chứng ợ nóng hoặc khó tiêu do axit là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Chứng ợ nóng được mô tả là cảm giác đau rát ở ngực. Nó bắt đầu từ phía sau xương ức rồi di chuyển lên cổ và cổ họng.

Chứng ợ nóng do trào ngược có thể kéo dài tới 2 giờ và thường tệ hơn sau khi ăn. Nằm hoặc cúi xuống sau bữa ăn cũng có thể dẫn đến chứng ợ nóng.

Trẻ em dưới 12 tuổi thường có các triệu chứng trào ngược dạ dày khác nhau. Điều này khiến cho ba mẹ đôi khi khó nhận biết bệnh. Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến của chứng trào ngược dạ dày thực quản ở bé 2 tuổi:

• Thường xuyên ợ hơi (ợ chua, ợ nóng), nấc cụt

• Lười ăn hoặc không ăn, kém phát triển, suy dinh dưỡng

• Bị đau bụng và thường xuyên nôn ói

• Khò khè, nghẹt thở

• Ho thường xuyên, ho nhiều vào ban đêm

• Thường xuyên bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng tai

• Có tiếng kêu lạch cạch ở ngực

• Bị đau họng vào buổi sáng

• Có vị chua trong miệng, hôi miệng

• Dễ bị sâu răng

>>> Đọc thêm: Trẻ bị nổi mẩn ngứa phải làm sao? 5 bài thuốc hiệu quả

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày ở trẻ em khiến bé ăn uống kém, làm con chậm tăng cân. Bệnh nặng còn có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng.

Một số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày thực quản có thể không nôn. Nhưng chất chứa trong dạ dày của con vẫn có thể di chuyển lên ống dẫn thức ăn (thực quản) và tràn vào khí quản. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi.

Theo thời gian, khi axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản, nó cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm cho bé, chẳng hạn như:

• Viêm thực quản

• Loét thực quản gây đau và chảy máu

• Thiếu máu do vết loét chảy máu

• Thực quản bị thu hẹp, xuất hiện các khối polyp

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi, khi nào cần đi khám?

Trẻ cần đến gặp bác sĩ khi có biến chứng nặng.

Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi có thể nôn ói trong quá trình ăn uống nhưng sẽ tự hết. Vậy nhưng, với các bé lớn, nếu tình trạng này vẫn thường xảy ra, bạn cần đưa con đi khám.

Mặt khác, nếu nhận thấy bé 2 tuổi có những dấu hiệu sau, ba mẹ không được chủ quan mà phải đưa con tới bệnh viện đầu ngành để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Đó là:

• Thường xuyên bỏ ăn, không tăng cân

• Nôn ói thường xuyên, có thể “phun” rất mạnh khi nôn

• Con có dấu hiệu hen suyễn hoặc viêm phổi (ho, thở khò khè, khó thở)

Đặc biệt, với những trẻ bị trào ngược dạ dày nặng, con có thể nôn ra máu, có các dấu hiệu mất nước (khóc không có nước mắt, ít đi vệ sinh, nước tiểu sẫm màu) hoặc khi đi vệ sinh có phân màu đen… Đây là những dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng, cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

>>> Đọc thêm: Viêm lợi ở trẻ em 2 tuổi: Nguyên nhân và cách chữa trị

Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi phải làm sao? Ngoài việc cho bé đi thăm khám và điều trị theo liệu trình, ba mẹ cần chú ý những điều sau trong việc chăm sóc con bị trào ngược:

1. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống

Thay đổi chế độ dinh dưỡng.

Áp dụng một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và lối sống lành mạnh có hiệu quả rất nhiều đối với trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do vậy, ba mẹ nên lưu ý những điều sau:

• Cho bé uống sữa ít béo và có tính kiềm. Điều này giúp giảm độ axit của dạ dày.

• Hạn chế cho bé ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ. Cũng không nên cho con ăn kẹo bạc hà, sô cô la. Không sử dụng các loại đồ uống như soda, trà, nước trái cây họ nhà cam quýt và các sản phẩm từ cà chua.

• Không cho các gia vị như tỏi và hành vào thức ăn của bé. Không cho bé ăn đồ cay nóng.

• Để hạn chế trào ngược, nên chia phần nhỏ cho bé ăn. Giữa các bữa cần có đồ ăn nhẹ để con không đói. Đừng cho bé ăn quá nhiều trong một bữa.

• Nếu bé bị thừa cân, bạn tham khảo ý kiến bác sĩ để áp dụng cho con chế độ ăn uống giảm cân an toàn.

• Với bé bị bệnh này, mẹ cho bé ăn bữa tối sớm, cách ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ. Tuyệt đối không để con vừa ăn xong đã nằm ngủ. Khuyến khích bé vận động nhẹ nhàng sau khi ăn.

• Không cho con uống các loại thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc thực quản.

2. Cho con ăn hoặc uống thực phẩm hỗ trợ

Khuyến khích trẻ 2 tuổi uống nhiều nước.

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi nên ăn gì? Một số thực phẩm sau rất hữu ích cho trẻ bệnh này:

• Nên cho bé uống trà gừng ấm. Bởi vì gừng có tính nóng, có thể hạn chế tình trạng buồn nôn và khó tiêu. Gừng cũng có công dụng điều hòa hoạt động của các cơ, giúp giảm áp lực lên thực quản. Để bé dễ uống, bạn nên pha gừng với mật ong và nước ấm.

• Với những bé lớn bị trào ngược, ba mẹ có thể cho con nhai kẹo cao su. Việc này làm tăng tiết nước bọt và giảm axit trong thực quản. Vậy nhưng, hãy tránh các loại cao su hương bạc hà, vì nó có nguy cơ làm co thắt thực quản.

• Ngoài gừng thì tinh bột nghệ cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho bé bị trào ngược. Nghệ có chứa curcumin có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn rất tốt. Bạn pha 1/2 – 1 muỗng tinh bột nghệ với nước ấm và mật ong cho bé uống 2-3 lần/tuần hoặc tăng lên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày là do đâu?

3. Sử dụng gối chống trào ngược cho bé

Tình trạng trào ngược dạ dày thường xảy ra nhiều khi bé ngủ. Lúc này axit dạ dày rất dễ trào ngược lên thực quản. Do vậy, cho bé sử dụng một chiếc gối chống trào ngược khi ngủ là rất tốt.

Những chiếc gối này được thiết kế đặc biệt, giúp cho cổ họng và thực quản cao hơn dạ dày nên làm giảm nguy cơ trào ngược thức ăn trở lại.

Bạn nên chọn những loại gối đến từ thương hiệu uy tín. Tốt nhất đó phải là gối thiết kế dành riêng cho trẻ nhỏ, có độ cao vừa phải (thường có độ nghiêng từ 15 – 20 độ). Không cho bé nằm gối của người lớn vì có thể làm lệch xương.

4. Massage cho bé

Mẹ nên massage nhẹ nhàng cho bé.

Thường xuyên massage cho con sẽ cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa, hô hấp, làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh trào ngược.

Bạn nên dùng một số tinh dầu như dầu ô liu, dầu dừa để massage nhẹ nhàng vùng bụng bé. Xoa bóp nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ sẽ giúp kích thích dây thần kinh phế vị, tốt cho hệ tiêu hóa. Không massage cho con ngay sau khi ăn.

5. Cho con tập thể dục nhẹ nhàng

Cho bé tập thể dục nhẹ nhàng.

Một số bài tập vận động nhẹ nhàng cũng rất tốt cho những bé bị trào ngược. Ba mẹ có thể cùng con đi dạo bộ trong công viên sau bữa ăn tối (tuyệt đối không cho bé chạy nhảy). Hoặc bạn cho con tập một số động tác co duỗi chân để giúp giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng gây trào ngược.

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi nếu nghiêm trọng sẽ được các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu ba mẹ còn phân vân bất cứ điều gì về vấn đề này, hoặc chưa biết chăm sóc con như thế nào đúng cách, cần xin thêm tư vấn của bác sĩ. Đừng để bệnh trào ngược ảnh hưởng tới sự phát triển của bé yêu bạn nhé!

>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi bị nôn về đêm do đâu, có nguy hiểm không?