Nguyên nhân trẻ 2 tuổi không tập trung & 8 cách rèn sự tập trung
Hai tuổi là lứa tuổi mới biết đi và luôn hiếu động. Vì thế, để con tập trung được vào việc gì đó đúng với mong đợi của người lớn là điều rất khó. Vậy, làm thế nào để cải thiện sự tập trung cho bé? Mời ba mẹ đọc bài của ILO để hiểu những dấu hiệu trẻ 2 tuổi không tập trung, cũng như tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.
Trẻ 2 tuổi có thể tập trung được trong bao lâu?
Theo các nghiên cứu về sự chú ý của trẻ em, sự tập trung của bé tăng dần theo độ tuổi. Một số chuyên gia cho rằng cùng với việc lớn hơn một tuổi, sự chú ý của con sẽ tăng trung bình từ 2-5 phút.
Nhìn chung, khoảng thời gian chú ý của mọi đứa trẻ là không giống nhau. Với bé 2 tuổi, chúng có thể tập trung chơi đồ chơi hoặc làm một hoạt động cụ thể nào đó chỉ trong khoảng 4 phút.
Hầu hết mọi đứa trẻ ở độ tuổi này đều chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác chỉ sau vài phút, gây ra vấn đề trẻ 2 tuổi không tập trung. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng việc một đứa trẻ mới biết đi ngồi bất động trong thời gian dài mới là điều bất thường.
Để biết con có gặp vấn đề với sự chú ý hay không, hãy xem xét độ tuổi và sự tiến bộ của bé, chứ không cần so sánh con bạn và những đứa trẻ khác. Nếu bây giờ cô bé, cậu bé 2 tuổi của bạn chú ý tốt hơn một năm nước, điều đó có nghĩa là con đang phát triển hoàn toàn bình thường.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Khám phá sự phát triển của trẻ 2 tuổi
Vì sao trẻ 2 tuổi không tập trung?
Khá nhiều người lo lắng con cái không có khả năng tập trung, ảnh hưởng xấu tới học tập. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết rằng để đánh giá khả năng tập trung của bé là cả một quá trình, ít nhất là tới năm con 5 tuổi.
Việc bé ít tập trung hoặc tập trung kém trong những năm đầu đời không có gì đáng lo ngại. Điều này là do một số nguyên nhân sau:
1. Sự phát triển tâm sinh lý
Các bé mới biết đi thường hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình. Thế giới đối với con lúc này thật rộng mở và nhiều điều thú vị. Do vậy, con sẽ bị sao nhãng với sự mới lạ của tất cả mọi thứ trong tầm ngắm, như đồ chơi, các thiết bị gia đình…
2. Trẻ 2 tuổi không tập trung do thói quen từ bé
Trong một số trường hợp, vì muốn bé tập trung cao độ nên ba mẹ đã vô tình tạo cho con thói quen xấu. Vừa ăn vừa chơi đồ chơi, vừa ăn vừa xem tivi/điện thoại, cho con ăn rong… khiến con có thói quen thiếu tập trung vào những việc chính ngay từ khi còn bé. Dần dần, điều này trở thành một thói quen xấu khó bỏ.
3. Do thiếu chất dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thần kinh. Nếu bé 2 tuổi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển theo đúng độ tuổi, có thể ảnh hưởng tới thể chất cũng như khả năng tập trung của bé.
Đặc biệt, một chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu sắt sẽ khiến bé mệt mỏi, cáu gắt và thiếu khả năng tập trung vào một việc cụ thể nào đó.
>>> Đọc thêm: Top 20 loại sữa cho trẻ 2 tuổi chất lượng tốt, được tin dùng
4. Ảnh hưởng xấu từ các thiết bị công nghệ
Trẻ 2 tuổi không tập trung có thể là do những tác động xấu của các thiết bị công nghệ như iPad, tivi, smartphone… Ánh sáng xanh từ các thiết bị hiện đại này ảnh hưởng lớn tới não bộ đang hoàn thiện của bé. Vì thế trí não của con trở nên kém linh hoạt, thụ động, dẫn tới sao nhãng và mất tập trung.
5. Ngủ không đủ giấc
Các bác sĩ nhi khoa nổi tiếng trên thế giới khuyến cáo ba mẹ hãy chú ý tới giấc ngủ của con và luôn cho bé ngủ đủ giấc. Bởi vì những đứa trẻ thiếu ngủ có thể trở nên hiếu động quá mức và kém tập trung hơn những bé được ngủ đủ giấc.
Dấu hiệu trẻ 2 tuổi không tập trung
Làm thế nào để biết con bạn đang phát triển bình thường so với độ tuổi chứ không mắc chứng mất tập trung? Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bé không có sự tập trung, chú ý cao độ:
• Thường bị sao nhãng, phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài và khó tập trung vào nhiệm vụ của mình (chơi đồ chơi, ăn uống…).
• Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ bị cáu gắt, kích động khi được yêu cầu tập trung làm một cái gì đó.
• Bé 2 tuổi không tập trung khó ngồi yên một chỗ khi cần.
• Thường thức giấc giữa đêm và ngủ không sâu giấc.
>>> Đọc thêm: 10 đồ chơi cho trẻ 2 tuổi giúp bé thông minh, nhanh nhẹn
Các biện pháp rèn khả năng tập trung cho bé
Tập trung là một kỹ năng quan trọng cần được dạy và thực hành. Nếu con bạn có những biểu hiện của đứa trẻ 2 tuổi không tập trung, đừng quá lo lắng. Việc cần làm là sử dụng các biện pháp để rèn cho con khả năng tập trung cao hơn. Dưới đây là 8 biện pháp hữu ích:
1. Trẻ 2 tuổi không tập trung: Tạo môi trường yên tĩnh
Để duy trì hoạt động trong một thời gian dài, con cần có một không gian yên tĩnh và an toàn. Với bé 2 tuổi, ba mẹ cần bố trí cho con một căn phòng nhỏ, được sắp xếp đồ chơi gọn gàng.
Một khu vực quá rộng hoặc nơi có sẵn quá nhiều đồ vật không phải là môi trường phù hợp để rèn sự tập trung cho trẻ nhỏ. Bởi chúng có thể làm con tò mò và sao nhãng.
2. Đừng cho bé quá nhiều lựa chọn
Trẻ 2 tuổi không tập trung vì đang trong giai đoạn phát triển. Có quá nhiều đồ chơi để lựa chọn sẽ khiến bé choáng ngợp và khiến con khó tập trung hơn.
Hãy giới hạn số lượng đồ chơi mà con được sử dụng. Bạn cũng nên sắp xếp những món mà bé thích trong tầm ngắm, giúp con cảm thấy hứng thú hơn khi chơi, từ đó tập trung cao hơn.
3. Bố mẹ nên hỗ trợ trong các hoạt động
Một số nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ phát triển khả năng tập trung cao hơn khi con có sự hỗ trợ nhẹ nhàng từ người lớn.
Tuy nhiên, sự kiểm soát quá nhiều của người lớn lại phản tác dụng đối với khả năng tập trung của con. Khi bạn đang chơi với con và nhận thấy bé gặp khó khăn với thứ gì đó, hãy đợi xem con có tự mình tìm ra được giải phải hay không rồi mới giúp đỡ con.
Mặt khác, có người lớn bên cạnh cũng tăng cảm giác an toàn, dễ chịu. Do đó khả năng tập trung của bé 2 tuổi sẽ cao hơn.
4. Khuyến khích con chủ động trong mọi việc
Mặc dù chỉ mới 2 tuổi nhưng con có thể tự làm được một số việc. Điều này không chỉ giúp con có cơ hội rèn luyện và phát triển các kỹ năng vận động thô, vận động tinh mà còn tăng sự tập trung.
Để bé có quyền quyết định và tự làm những thứ trong tầm tay, ba mẹ chỉ nên là người hướng dẫn, động viên con để rèn luyện thói quen, sự tự lập và khả năng chú ý.
Tuyệt đối không khó chịu, bực bội hay quát mắng con nếu như con chưa có sự tập trung như bạn kỳ vọng.
>>> Đọc thêm: 10 cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
5. Đừng tạo thói quen sao nhãng
Việc đánh lạc hướng để con tập trung vào một nhiệm vụ nào đó là điều không nên làm, bởi điều này sẽ rèn cho con trở thành người không chú ý.
Tắm, cho bé ăn… không phải là những công việc buồn tẻ và cần phải sử dụng đến đồ chơi hoặc thiết bị điện tử. Do vậy, chỉ nên khuyến khích bé tập trung vào nhiệm vụ chính mà chúng đang thực hiện. Dần dần con sẽ rèn cho mình được khả năng chú ý tốt hơn. Thậm chí, điều này cũng ngăn ngừa chứng rối loạn thiếu tập trung.
6. Trẻ 2 tuổi không tập trung cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử
Các chương trình trên tivi, điện thoại mặc dù rất hấp dẫn nhưng làm suy yếu khoảng chú ý đang phát triển của bé hơn là giúp phát triển các cơ tập trung của con. Đặc biệt, với những bé 2 tuổi không tập trung, hãy tập cai nghiện điện thoại cho con và từng bước cùng con rèn lại khả năng chú ý.
7. Thường xuyên cùng con rèn luyện để nâng cao sự tập trung
Khả năng chú ý của con sẽ tăng lên nếu bạn chú ý rèn luyện cho bé. Chẳng hạn, trong khi cùng con đi dạo trong công viên, hãy dừng lại và yêu cầu con quan sát một thứ gì đó thật đặc biệt (bông hoa rực rỡ, những cái cây đang đâm chồi, những viên đá màu sắc…).
Sau đó, hãy tăng sự chú ý của bé bằng cách hỏi con một số câu hỏi nhỏ. Lúc này, con bắt buộc phải có sự tập trung cao độ hơn để trả lời được các câu hỏi mà bạn đưa ra.
8. Trẻ 2 tuổi không tập trung: Chú ý tới dinh dưỡng và giấc ngủ
Bạn cũng cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ của con. Một đứa trẻ khỏe mạnh, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc sẽ có tinh thần vui tươi và khả năng tập trung tốt mà không cáu gắt, khó chịu.
Ngoài những biện pháp trên, theo các chuyên gia, hãy giao cho bé các nhiệm vụ nhỏ để rèn tính tập trung: dọn dẹp đồ chơi, bóc vỏ trứng, dọn bàn ăn, nhặt rau… Mặt khác, khi nhận thấy con thường có những biểu hiện của việc khó tập trung, bạn cần ưu tiên cho con chơi những trò chơi tĩnh như lắp lego, xếp hình, tô màu…
Tóm lại, trẻ 2 tuổi không tập trung là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, nếu nhận thấy bất cứ vấn đề bất thường nào của chứng bệnh rối loạn tâm lý hoặc rối loạn cảm xúc, cần đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám.
>>> Đọc thêm: 6 nguyên nhân trẻ 2 tuổi hay khóc đêm và 6 cách khắc phục