Trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét: Nguyên nhân và cách xử lý
Giấc ngủ là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Do vậy, không có gì ngạc nhiên nếu ba mẹ đang cảm thấy lo lắng khi con không có giấc ngủ ngon. Nguyên nhân do đâu trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét? Đây có phải là điều thường hay xảy ra với mọi đứa bé lên 2?
Trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét có bình thường không?
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ, bé mới biết đi từ 1 đến 2 tuổi thường cần ngủ từ 11-14 giờ mỗi ngày, gồm cả giấc ngủ ngắn ban ngày và giấc ngủ ban đêm.
Bé cần thời gian ngủ dài như vậy để đảm bảo sự phát triển thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Vậy nhưng, chu kỳ ngủ của trẻ 2 tuổi lại ngắn hơn người lớn. Một chu kỳ giấc ngủ của bé thường chỉ kéo dài 60 phút sau đó chuyển sang chu kỳ khác. Việc thức giấc giữa các chu kỳ là điều hoàn toàn bình thường.
Trong thời gian chuyển chu kỳ, bé có thể lăn lộn, quấy khóc, rên rỉ hoặc thậm chí là khóc thét.
Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý rằng lúc này con có thể không hoàn toàn tỉnh táo, con cũng không cố tình khóc. Nếu mọi thứ đều ổn, bé sẽ lại nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Ngược lại, có điều gì đó như tiếng ồn, bị đánh thức… con khó đi vào giấc ngủ lại và trở nên quấy khóc.
>>> Đọc thêm: Mách mẹ 6 cách đối phó với tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2
Nguyên nhân trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét
Các vấn đề về giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng tới trẻ mà còn khiến cho ba mẹ lo lắng và muốn tìm được nguyên nhân để giải quyết triệt để. Dưới đây là các lý do khiến bé giật mình khóc thét khi ngủ:
1. Trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình là do hoảng sợ
Các chuyên gia cho rằng bé 2 tuổi đang ngủ tự nhiên khóc thét lên có thể là do trẻ hoảng sợ. Nỗi sợ ban đêm này mặc dù không phải là một dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng, song khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng.
Nỗi hoảng sợ này của trẻ có vẻ giống những cơn ác mộng của người lớn. Cơn hoảng sợ thường bắt đầu sau khi trẻ ngủ 1-2 giờ. Lúc này là giai đoạn trẻ chuyển từ giấc ngủ không REM sang ngủ REM. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ tỏ ra sợ hãi, la hét hoặc khóc toáng lên.
Mặt khác, nỗi kinh hoàng ban đêm cũng xảy ra trong giai đoạn sâu hơn của giấc ngủ. Trong trường hợp này, bé có thể đột nhiên khóc và la hét, thậm chí thức dậy và trằn trọc khi vẫn còn đang ngủ. Các đợt khóc có thể kéo dài đến 30 phút mà bé không hoàn toàn tỉnh giấc.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này có thể là do não bộ của bé quá phấn khích khi chuyển sang giai đoạn ngủ sâu hơn.
2. Trẻ ngủ hay giật mình là do đói
Trẻ thức dậy vào ban đêm để đòi ăn, đòi bú là hiện tượng bình thường. Điều này khá phổ biến vì dạ dày còn bé không chứa được nhiều thức ăn. Hơn nữa, đây cũng là giai đoạn trẻ tăng trưởng, chúng cảm thấy cần nhiều năng lượng hơn.
Một khi ba mẹ không hiểu được tín hiệu của trẻ, bé sẽ có các biểu hiện khóc lóc hoặc la hét để gây sự chú ý.
3. Trẻ ngủ hay giật mình do thiếu canxi
Canxi là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển trong những năm đầu đời của trẻ. Thiếu canxi ảnh hưởng tới cấu tạo và sự phát triển của xương, răng và hệ cơ của bé. Ngoài ra, thiếu khoáng chất quan trọng này còn khiến con mệt mỏi, quấy khóc và khó có giấc ngủ ngon.
Nếu con bạn thường có các dấu hiệu như giật mình khi ngủ, ngủ không sâu giấc, la hét… thì đó có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi. Mặt khác, bé thiếu canxi còn thường đổ mồ hôi ướt sau gối (mồ hôi trộm). Vậy nên, ba mẹ nên quan sát hiện tượng này để biết có phải bé đang thiếu canxi hay không.
>>> Đọc thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi theo chuẩn WHO
4. Trẻ 2 tuổi khó ngủ về đêm do mọc răng hàm
Nếu một ngày bạn cảm thấy con mình thường xuyên quấy khóc khi ngủ, mặc dù trước đó con ngủ ngoan, thì đó có thể là dấu hiệu của việc mọc răng hàm thứ 2.
Trường hợp mọc răng cửa giữa và răng nanh thể hiện rất rõ bằng việc cho tay vào miệng và chảy nhiều nước dãi. Thế nhưng, tới khi mọc những chiếc răng hàm thứ 2 lại khá im ắng và chỉ biểu hiện khi đi ngủ hoặc nửa đêm.
Mọc răng hàm thứ hai thường gây thức giấc vào ban đêm hoặc vào sáng sớm. Tình trạng nướu bị sưng và đau khi mọc răng hàm khiến bé khó đi vào chu kỳ giấc ngủ, dẫn tới trẻ khóc thét khó chịu.
5. Trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét do một số nguyên nhân khác
Ngoài 4 nguyên nhân trên, cũng có một số lý do khác khiến trẻ ngủ hay giật mình hoặc khóc thét, đó là:
• Do bé tè ướt quần áo
• Do trẻ quá mệt
• Môi trường ngủ không đảm bảo, có tiếng ồn, nóng bức…
• Gặp một số vấn đề về sức khỏe như ngạt mũi, khó thở viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày…
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Khám phá sự phát triển của trẻ 2 tuổi
Mẹ cần làm gì khi trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét?
Trẻ khóc thét làm gián đoạn giấc ngủ của cha mẹ và những người khác trong gia đình. Vậy ba mẹ cần làm gì để đối phó với tình trạng này? Dưới đây là một vài biện pháp xử lý khi bé 2 tuổi thường xuyên khó ngủ và khóc thét về đêm:
1. Đánh giá nguyên nhân vì sao trẻ khóc khi ngủ
Điều quan trọng là ba mẹ cần biết yếu tố nào gây ra vấn đề trẻ ngủ không ngon giấc. Có phải đơn giản chỉ là trẻ đói, ướt bỉm hay quá nóng/lạnh? Hay bé đang gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn như khó thở, sốt, đau bụng.
Bằng cách đánh giá tình hình, ba mẹ có thể lên kế hoạch để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả như mua bỉm có khả năng thấm hút tốt hơn, điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp…
2. Xây dựng thói quen ngủ tốt
Để trẻ 2 tuổi có giấc ngủ ngon và chất lượng, ba mẹ cần xây dựng thói quen ngủ tốt cho trẻ, bao gồm:
• Cho bé ngủ trưa và ngủ xế ngắn lại.
• Cho bé đi ngủ đúng giờ, tránh ngủ quá muộn hoặc quá sớm.
Duy trì thời gian biểu này lặp đi lặp lại hàng ngày để biến thành thói quen tốt cho trẻ, giúp trẻ dễ ngủ hơn.
3. Đừng vội can thiệp khi trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét
Như đã đề cập, trẻ nhỏ có thể khóc hoặc rên rỉ một chút trước khi chuyển sang chu kỳ giấc ngủ tiếp theo. Việc can thiệp quá sớm chỉ làm cho trẻ thức giấc và quấy khóc nhiều hơn hoặc khó ngủ trở lại.
Vì vậy, tốt nhất ba mẹ nên đợi một hoặc hai phút. Nếu trẻ tự ngủ trở lại, bạn không cần phải làm gì vì đó chỉ là một phần bình thường trong quá trình chuyển đổi chu kỳ giấc ngủ của trẻ.
>>> Đọc thêm: Top 25 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non thú vị và bổ ích
4. Nhẹ nhàng vỗ về, xoa bụng hoặc xoa lưng để trẻ ngủ lại
Đôi khi, trẻ chỉ cần một chút trấn an để chúng biết rằng đang có ba mẹ ở đó. Việc này giúp con bình tĩnh và yên tâm ngủ trở lại. Nếu trẻ bồn chồn và quấy khóc không rõ lý do, hãy thử vỗ nhẹ hoặc xoa lưng như một lời động viên rằng không có gì phải lo lắng và sợ hãi.
5. Bật điện có ánh sáng nhẹ để trẻ cảm thấy an tâm
Một đứa trẻ mới biết đi có thể gặp các cơn ác mộng hàng đêm, khiến chúng khóc thét. Bạn nên để đèn ngủ dịu nhẹ để trẻ cảm thấy rằng chúng được đảm bảo an toàn khi ngủ.
6. Đảm bảo cho trẻ ăn đủ trước khi đi ngủ
Đừng để trẻ phải thức dậy giữa đêm vì các cơn đói. Hãy cho con bú hoặc uống sữa cách 30 phút trước khi đi ngủ để bé ngủ ngon và sâu giấc hơn.
>>> Đọc thêm: 6 nguyên nhân trẻ 2 tuổi hay khóc đêm và 6 cách khắc phục
7. Bổ sung đầy đủ chất cho trẻ
Vitamin D và canxi là cần thiết, quan trọng cho trẻ đang tập đi. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo ba mẹ nên bổ sung những chất này cho trẻ nhỏ bằng cách:
• Cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều mát
• Bổ sung sữa hoặc các chế phẩm từ sữa dành riêng cho trẻ nhỏ
• Uống nước hoa quả như nước cam ép
• Cho con ăn thức ăn có nhiều canxi như các loại ngũ cốc, các loại đậu đỗ, hoa quả…
• Nếu cần, hãy sử dụng thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ
8. Nhẹ nhàng đánh thức con trước khi một cơn kinh hoàng xảy ra
Trẻ em mắc chứng sợ hãi ban đêm trở nên kích động khi chúng chuyển sang giai đoạn ngủ sâu hơn. Đó là lý do tại sao một số chuyên gia khuyên nên nhẹ nhàng đánh thức bé trước khi giấc ngủ kinh hoàng được dự đoán xảy ra. Điều này có thể giúp một số trẻ trải qua quá trình chuyển đổi suôn sẻ hơn và giảm thiểu xu hướng khóc hoặc la hét.
Tóm lại, trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét như một tín hiệu truyền đạt hoặc là một phần trong quá trình chuyển đổi chu kỳ giấc ngủ. Vậy nhưng, nếu ba mẹ lo lắng có điều gì đó không ổn với con hoặc sau khi đã thực hiện các biện pháp can thiệp mà tình trạng này không thuyên giảm, cần cho con tới gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và có phương án điều trị kịp thời.