Nhịp thở trẻ 2 tuổi bao nhiêu là bình thường?
Theo dõi nhịp thở của con là một trong những cách giúp ba mẹ có thể phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe của bé. Vậy nhịp thở trẻ 2 tuổi là bao nhiêu? Cần làm gì nếu nhịp thở của con bất thường?
Nhịp thở là gì?
Nhịp thở là gì và nhịp thở trẻ 2 tuổi là bao nhiêu. Nhịp thở được định nghĩa là số lần thở trung bình trong mỗi phút. Cùng với các yếu tố như huyết áp, mạch và nhiệt độ, nhịp thở là yếu tố quan trọng cho biết phổi đang hoạt động bình thường hay không.
Nhịp thở phụ thuộc vào sự phối hợp của trung tâm điều khiển trong não và các cơ hô hấp. Một khu vực ở đáy não kiểm soát hơi thở. Não gửi tín hiệu đến các cơ hô hấp.
Nhịp thở bao gồm 2 chu kỳ: hít vào và thở ra. Khi chúng ta hít vào, oxy đi vào phổi và đi đến các cơ quan; khi thở ra, carbon dioxide sẽ rời khỏi cơ thể. Nhịp hô hấp bình thường đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng oxy và carbon dioxide ngay trong cơ thể.
Nhịp thở của mỗi người thay đổi tùy theo độ tuổi và các yếu tố như hoạt động thể chất, nhiệt độ, huyết áp và mức độ điện giải trong cơ thể.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi ngủ đêm hay lăn lộn: Nguyên nhân và biện pháp xử lý
Nhịp thở bình thường của trẻ là bao nhiêu?
Chắc hẳn nhiều người chưa biết nhịp thở của trẻ em nói chung và nhịp thở bình thường của trẻ 2 tuổi là bao nhiêu.
Nhịp hô hấp bình thường ở mỗi người có thể khác nhau một chút. Vậy nhưng, nhịp thở bình thường sẽ nằm trong một phạm vi cụ thể. Và các chuyên gia y tế gọi đây là phạm vi an toàn.
Dưới đây là bảng thống kê nhịp thở bình thường của trẻ em theo nghiên cứu của Đại học Iowa và các bệnh viện lớn ở Hoa Kỳ:
Độ tuổi | Nhịp thở/phút |
Sơ sinh đến 1 tuổi | 30 – 60 |
Bé 1 – 3 tuổi | 24 – 40 |
Bé 3 – 6 tuổi | 22 – 34 |
Bé 6 – 12 tuổi | 18 – 30 |
Thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi | 12 – 16 |
Thông thường trẻ em có nhịp hô hấp cao hơn người lớn. Nhịp thở của trẻ 2 tuổi là bao nhiêu? Khi trẻ được 2 tuổi, nhịp thở giảm từ 44 nhịp thở/phút xuống còn 26 nhịp thở/phút. Theo bảng thống kê, nhịp thở của trẻ 2 tuổi nằm trong khoảng 24 – 40 lần thở/phút.
Cách đếm nhịp thở trẻ 2 tuổi
Để đo nhịp thở, bạn cần cho bé nghỉ ngơi. Tránh vận động mạnh hoặc bị kích động bởi một số yếu tố tâm lý nào đó. Bởi vì chúng khiến nhịp thở của con nhanh hơn bình thường.
Muốn đo nhịp thở của con chính xác, bạn cho bé ngồi hoặc nằm yên và quan sát lồng ngực của con. Với những bé hiếu động, bạn có thể đếm lúc con ngủ.
Một nhịp thở hoàn chỉnh bao gồm một lần hít vào khi lồng ngực phồng lên và 1 lần thở ra khi ngực xẹp xuống. Hãy đếm số lần thở trong một phút của con hoặc đếm trong 30 giây rồi nhân số đó với 2.
Cách đếm nhịp thở trẻ 2 tuổi cụ thể theo các bước sau:
• Đặt con ngồi thẳng lưng hoặc nằm ổn định
• Kéo áo con lên để quan sát ngực và bụng của con
• Đặt đồng hồ đếm giờ trong 1 phút
• Khi đồng hồ bắt đầu tính giờ, bạn ghi lại số lần chuyển động của ngực. Sau một phút, bạn sẽ có được kết quả số nhịp thở của con.
• So sánh nhịp thở này với bảng thống kê xem có nằm trong phạm vi bình thường hay không
Lưu ý khi đo nhịp thở của con, không nên cho bé biết. Bởi vì điều này có thể khiến cho nhịp thở của bé thay đổi so với bình thường. Ngoài ra, để chính xác hơn, bạn có thể sử dụng các thiết bị cảm biến hô hấp chuyên dùng trong y tế.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi bị nôn về đêm do đâu, có nguy hiểm không?
Bé thở không đều là bệnh gì?
Hơi thở không đều là khi nhịp thở của bé cao hơn hoặc thấp hơn số lần thở trong một phút theo bảng thống kê như trên.
Nhịp hô hấp bất thường có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề. Trong một số trường hợp, nhịp thở cao hay thấp là do nguyên nhân lành tính, chẳng hạn như tập thể dục, và không phải là dấu hiệu cho thấy có điều gì không ổn.
Vậy nhưng, đôi khi bé mắc một số bệnh nào đó hoặc bị chấn thương, nhịp thở của con sẽ thay đổi. Với bé 2 tuổi, nhịp thở dưới 24 và trên 40 có nghĩa là quá trình thở có vấn đề (quá chậm hoặc quá nhanh).
1. Nhịp thở trẻ 2 tuổi nhanh
Trong môi trường y tế, nhịp thở bất thường, đặc biệt nếu quá nhanh, cho thấy trẻ có vấn đề về sức khỏe như:
• Lo lắng: Nhịp thở nhanh có thể là biểu hiện của việc trẻ đang lo lắng quá mức hoặc mắc chứng rối loạn lo âu. Hồi hộp, sợ hãi khiến bé thở gấp gáp hơn. Song, nhịp thở nhanh này sẽ giảm dần khi con bình tĩnh trở lại.
• Mất nước: Thở nhanh chính là dấu hiệu bé bị mất nước nặng.
• Sốt: Sốt là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng nhịp thở ở trẻ em. Khi bé sốt, cơ thể sẽ gia tăng nhịp thở như một cách hạ nhiệt độ.
• Mắc bệnh về đường hô hấp: Bất kỳ tình trạng bệnh phổi tiềm ẩn nào cũng có thể dẫn đến tốc độ hô hấp tăng lên. Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn, viêm phổi, ngộ độc khí carbon monoxide hoặc các bệnh nhiễm trùng khác có thể là nguyên nhân.
• Bệnh tim: Tim và phổi là 2 cơ quan trong cơ thể có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do vậy, bất kỳ vấn đề về tim mạch nào cũng ảnh hưởng đến phổi. Ngược lại, phổi có thể bù đắp cho sự suy giảm chức năng tim bằng cách tăng nhịp hô hấp.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biếng ăn: Nguyên nhân và 9 biện pháp khắc phục
2. Nhịp thở trẻ 2 tuổi chậm
Biết trẻ 2 tuổi nhịp thở bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường sẽ giúp ba mẹ phát hiện ra một số vấn đề. Nhịp thở trẻ 2 tuổi thấp hơn thông thường có thể là dấu hiệu của:
• Uống thuốc quá liều: Một số loại thuốc, đặc biệt là nhóm giảm đau opioid có thể ảnh hưởng đến nhịp hô hấp. Trẻ em uống quá liều opioid có thể dẫn tới suy hô hấp.
• Thân nhiệt hạ quá mức: Tiếp xúc kéo dài với môi trường lạnh có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể, dẫn đến nhịp tim và nhịp thở chậm hơn.
• Tắc nghẽn đường thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra do tắc nghẽn đường thở. Khi gặp vấn đề này, bé có biểu hiện giảm nhịp thở hoặc thường xuyên ngừng thở khi ngủ.
• Chấn thương vùng đầu: Vì não và phổi có mối quan hệ qua lại nên rối loạn chức năng hô hấp là biến chứng thường gặp của chấn thương sọ não.
Ngoài ra, các rối loạn chuyển hóa như cường giáp, suy giáp cũng có thể ảnh hưởng tới nhịp thở. Bệnh suy giáp làm giảm nhịp hô hấp, ngược lại cường giáp lại làm tăng nhịp thở.
>>> Đọc thêm: Dấu hiệu trẻ em 2 tuổi bị COVID-19 và cách chăm sóc tại nhà
Phải làm gì khi nhịp thở trẻ 2 tuổi không đều?
Nhịp thở trẻ 2 tuổi thay đổi nhẹ so với bình thường không phải là điều đáng lo ngại. Song, trong một số trường hợp, nhịp thở quá cao hoặc quá thấp có thể là dấu hiệu của vấn đề y tế nào đó. Vì vậy ba mẹ nên quan tâm đến nhịp hô hấp của con.
Việc theo dõi nhịp thở của bé giúp bạn phát hiện kịp thời các vấn đề tiềm ẩn để đưa con tới bác sĩ. Nếu con chỉ bị các vấn đề nhẹ như đau họng, sốt, mệt mỏi…, dưới sự điều trị của bác sĩ, con sẽ nhanh chóng khỏe lại.
Đặc biệt, với những bé có tiền sử về các bệnh như phổi, hen suyễn, viêm phế quản, bệnh tim… ba mẹ không được chủ quan với những thay đổi trong nhịp thở của con. Bởi vì nhịp thở bất thường chính là dấu hiệu cho thấy bệnh của con đang trở nên nặng hơn.
Ngoài ra, nếu nhận thấy bé có các triệu chứng sau, bạn nên ngay lập tức đưa con tới bệnh viện:
• Đau ngực, co rút ngực (các cơ dưới xương sườn co lại theo từng hơi thở)
• Lỗ mũi phập phồng và cố mở rộng ra để thở
• Da tím tái hoặc nhợt nhạt
• Khó thở, kiệt sức vì cố để thở
• Phát ra tiếng rít nặng nề khi thở ra
• Ngủ li bì, không thể đánh thức
• Không tỉnh táo
• Thường xuyên có những khoảng dừng ngắn trong hơi thở khi bé thức
Nắm được nhịp thở trẻ 2 tuổi giúp ba mẹ chủ động phát hiện được các bất thường của bé từ sớm, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Ba mẹ hãy ghi lại bảng thống kê về nhịp thở của trẻ em mà ILO vừa cung cấp để sử dụng và đối chiếu khi cần nhé.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày là do đâu?