Lợi ích và phương pháp phát triển thể chất cho trẻ mầm non
Bạn có biết giáo dục thể chất là nền tảng quan trọng để con phát triển toàn diện? Vậy, những hoạt động như thế nào về mặt thể chất là tốt cho trẻ nhỏ? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng ILO khám phá lợi ích cũng như các phương pháp phát triển thể chất cho trẻ mầm non!
Phát triển thể chất cho trẻ mầm non là gì?
Phát triển thể chất là quá trình tăng trưởng, biến đổi về hình thái, chức năng cơ thể con người. Quá trình này diễn ra trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân và những năm đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng.
Sự phát triển về thể chất ở trẻ mầm non biểu hiện bằng việc thay đổi chiều cao, cân nặng; thay đổi kích thước cơ thể; thay đổi khả năng vận động như nhanh hơn, mạnh hơn, dẻo dai và bền bỉ hơn…
Các giai đoạn phát triển thể chất cho trẻ mầm non
Phát triển thể chất là quá trình diễn ra tự nhiên, chịu sự ảnh hưởng của 3 nhân tố: di truyền, môi trường sống gia đình và giáo dục. Vậy, làm thế nào để biết con bạn có đang phát triển những kỹ năng thể chất phù hợp với lứa tuổi hay không?
Theo các chuyên gia, trẻ lứa tuổi mầm non thường phát triển cả kỹ năng vận động thô (lớn) và kỹ năng vận động tinh (nhỏ). Dưới đây là các mốc trong sự phát triển thể chất phù hợp với các độ tuổi mầm non:
1. Các bé 3 tuổi
Với các bé 3 tuổi, con cần đạt được các kỹ nặng vận động:
• Leo trèo tốt
• Chạy với tốc độ thoải mái, vượt chướng ngại vật, có thể quay đầu khi chạy
• Đạp xe ba bánh
• Đi lên xuống cầu thang với tay vịn
• Rửa và lau khô tay
• Đá và ném một quả bóng nhỏ
• Vẽ một vòng tròn bằng bút màu, bút chì hoặc bút đánh dấu
• Sử dụng thìa ăn cơm mặc dù chưa thành thạo
• Tự mặc quần áo rộng rãi
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biết làm gì? Khám phá sự phát triển của trẻ 2 tuổi
2. Trẻ 4 tuổi
Mốc phát triển của bé trai và bé gái 4 tuổi như sau:
• Nhảy và đứng trên một chân trong vài giây
• Bắt bóng khá chính xác
• Vẽ một người có hai đến bốn bộ phận cơ thể
• Sử dụng kéo khá thành thạo
• Nhảy qua đồ vật và leo các bậc thang khu vui chơi
• Có thể bắt chước viết một số chữ in hoa
• Mặc quần áo với một số trợ giúp nhỏ như kéo khóa, cài khuy bấm hoặc cúc
3. Các bé 5-6 tuổi
Ở giai đoạn này, bé cần đạt được các mốc sau trong sự phát triển vận động thể chất:
• Đứng trên một chân trong thời gian khá lâu
• Có thể thực hiện hành động lộn nhào
• Sử dụng thìa và đũa khá thành thạo
• Có thể tự đánh răng, chải tóc và mặc quần áo
• Tự đi vệ sinh, sử dụng nhà vệ sinh như người lớn
• Có thể vẽ hình tam giác, hình tròn, hình vuông…
• Dùng kéo trẻ em để cắt khá tốt
• Xếp các đồ vật mà không bị đổ
Ý nghĩa của phát triển thể chất cho trẻ mầm non
Các chuyên gia luôn khuyến khích bậc cha mẹ tăng cường các hoạt động nhằm phát triển thể chất cho con. Bởi vì việc này mang lại nhiều ý nghĩa, đó là:
1. Giúp các bé có cơ thể khỏe mạnh
Các hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ mầm non tạo cho con vừa được vui chơi, vừa có cơ hội rèn luyện sức bền, sự nhanh nhẹn. Qua đây, các bé sẽ khéo léo, linh hoạt hơn trong vận động và có cơ thể luôn khỏe mạnh.
>>> Đọc thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ 4 tuổi: 10 kỹ năng quan trọng
2. Nâng cao sức đề kháng
Các bé được tạo điều kiện để hoạt động thể chất phù hợp với độ tuổi luôn ít ốm đau hơn là những đứa trẻ lười vận động. Điều này là do một khi con được hoạt động thể chất, con sẽ không dễ bị tác động bởi các yếu tố của thời tiết và môi trường, từ đây nâng cao sức đề kháng.
Ngoài ra, quá trình vận động cũng tăng cường trao đổi chất giúp bé ăn ngon hơn.
3. Phát triển kỹ năng tinh thần, trí tuệ
Thông qua các hoạt động thể chất, các con được học tập và tương tác cùng bạn bè, từ đó phát triển cảm xúc, trau dồi tình cảm. Hơn nữa, các hoạt động thể chất cũng gắn liền với các kiến thức căn bản như số đếm, màu sắc, hình khối… Do vậy có thể tăng cường sự nhanh nhạy cho trí não.
4. Phát triển các kỹ năng xã hội
Hoạt động thể chất cũng đồng thời rèn cho bé các kỹ năng xã hội quan trọng như lắng nghe, hợp tác, nhường nhịn, xếp hàng, kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề.
Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non
Làm thế nào để phát triển thể chất cho trẻ mầm non là điều mà nhiều bậc phụ huynh thắc mắc. Dưới đây là 4 phương pháp chủ yếu được các chuyên gia khuyên dùng:
1. Phát triển thể chất cho trẻ mầm non bằng cách làm việc nhà
Trẻ mầm non có thể thực hiện được một số việc nhà phù hợp với khả năng của lứa tuổi, như:
• Sắp xếp đồ chơi vào rổ
• Phân loại và xếp quần áo
• Dọn dẹp bàn ăn, cho bát vào bồn rửa
• Gom quần áo bẩn bỏ vào giỏ giặt
• Sắp xếp giường ngủ
• Cho thú cưng ăn
Hướng dẫn và yêu cầu con làm việc nhà không chỉ tăng sự khéo léo của tay, mắt mà còn xây dựng tính tự lập và tinh thần yêu lao động.
>>> Đọc thêm: Top 20 trường mầm non quận Tân Phú chất lượng
2. Thiết kế giờ thể dục cho con
Ba mẹ đừng nghĩ rằng chỉ có ở trường học mới nên thiết lập các giờ thể dục. Ở nhà, để tăng cường sự vận động cho con, bạn nên xây dựng thời khóa biểu để bé tập thể dục nhẹ nhàng.
Tốt hơn hết, các hoạt động thể dục nên được thực hiện ngoài trời để bé hít thở không khí trong lành. Hơn nữa, nên chọn lúc không khí mát mẻ như sáng sớm hoặc chiều tối để cùng con tập thể dục.
Các hoạt động mà trẻ mầm non có thể thực hiện trong giờ thể dục là đi bộ trong công viên, đi xe đạp ba bánh, chơi bóng, bơi lội…
3. Phát triển thể chất cho trẻ mầm non bằng các trò chơi vận động
Có rất nhiều trò chơi vận động dành cho lứa tuổi mầm non, chúng vừa giúp phát triển kỹ năng vận động thô, vừa là cơ hội để trẻ tăng cường các kỹ năng vận động tinh. Chẳng hạn như:
• Chơi trò chơi giả vờ
Hãy cùng con chơi các trò giả vờ làm động vật như bắt chước hành động, nhại lại tiếng kêu (đi như một con gà, gà gáy như thế nào, bay như chim…). Đây là những trò chơi mà mọi trẻ nhỏ đều yêu thích và giúp phát triển kỹ năng vận động hiệu quả.
• Chơi bóng
Các trò chơi liên quan đến đá, ném và bắt là cách luyện tập tuyệt vời để tăng cường thể chất cho trẻ mầm non.
• Nhảy theo điệu nhạc
Cho con làm quen với nhạc điệu sớm cũng là cách phát triển các kỹ năng vận động. Hãy cùng bé nhảy theo các điệu nhạc hoặc thực hiện lại các hành động trong các video âm nhạc thiếu nhi. Có rất nhiều bài hát có thể phát triển kỹ năng vận động tinh thông qua sử dụng ngón tay khi chơi như như Patty cake, Wheel on the bus, Itsy Bitsy Spider…
Ngoài ra, nên cho con chơi các trò chơi thăng bằng, vượt chướng ngại vật hoặc các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột…
>>> Đọc thêm: Nên cho con học trường quốc tế nào ở TPHCM? Top 20 trường tốt nhất
4. Tổ chức các chuyến dã ngoại, khám phá thiên nhiên
Các hoạt động dã ngoại giúp trẻ nhỏ có cơ hội khám phá thế giới thiên nhiên rộng lớn và gắn kết với mọi người. Hoạt động này cũng tăng sức bền, sự dẻo dai và phát triển kỹ năng xử lý tình huống cũng như học được cách tự bảo vệ bản thân.
Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình mà nên xây dựng các chuyến dã ngoại phù hợp. Không cần thiết phải là các chuyến đi chơi đắt đỏ, có thể tham quan cánh đồng lúa chín, đi chơi công viên, tới khu rừng nguyên sinh, đi thăm sở thú…
Nguyên tắc phát triển thể chất cho trẻ mầm non
Mặc dù các hoạt động nhằm tăng cường thể chất cho trẻ là tốt và được khuyến khích, song cũng cần chú ý một số nguyên tắc sau để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bé:
• Các hoạt động phải phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý, giới tính và sức khỏe của các bé.
• Người lớn cần hướng dẫn con thực hiện để chúng biết cách chơi an toàn và có ý thức tự giác.
• Đa dạng hình thức vận động để tạo hứng thú, tránh nhàm chán.
• Lựa chọn khung thời gian vận động hợp lý, đặc biệt là ở ngoài trời.
• Đảm bảo chế độ dinh dưỡng để bé luôn có đủ sức khỏe tham gia các trò chơi vận động, đặc biệt là những trò cần sử dụng nhiều sức.
• Nên thiết lập thời gian biểu để thực hiện tập luyện và vận động mỗi ngày nhằm hình thành thói quen tốt cho con.
• Luôn giám sát, theo dõi con để đảm bảo an toàn, hạn chế các rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện hoạt động thể chất.
Có nhiều hình thức và phương pháp phát triển thể chất cho trẻ mầm non. Ba mẹ hoặc những người thân trong gia đình nên chú trọng vấn đề này để giúp con trở thành cô bé/cậu bé phát triển toàn diện, nhanh nhẹn và hoạt bát.
>>> Đọc thêm: Top 15 trường mầm non song ngữ TPHCM được phụ huynh tin cậy