Time-out là gì và cách dạy con không đòn roi như thế nào?
Trong những năm gần đây, việc sử dụng time-out (cách dạy con không đòn roi) được nhiều ba mẹ áp dụng. Vậy, time-out là gì và các bước áp dụng cụ thể như thế nào? Tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này để bỏ túi cách dạy con tiên tiến bạn nhé!
Time-out là gì?
Tên đầy đủ của time-out là time-out from, có nghĩa là áp dụng thời gian chờ. Tức là đặt bé vào một khoảng thời gian chờ nhất định nào đó để con trấn tĩnh, suy nghĩ và rút ra bài học. Đây là một biện pháp nhằm tách bé ra khỏi môi trường hoặc tình huống gây phiền nhiễu.
Các nhà tâm lý học trẻ em đã phát minh, thử nghiệm và sửa đổi phương pháp này vào những năm 1950. Trong suốt những năm 1960 đến 1980, một lượng lớn nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh rằng time-out có thể ngăn chặn những hành vi không mong muốn ở trẻ em.
>>> Đọc thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ 2 tuổi: 10 kỹ năng quan trọng
Có nên sử dụng time-out trong dạy trẻ?
Time-out là gì và có nên dùng trong việc giáo dục con cái là điều mà nhiều người phân vân.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là một phương pháp kỷ luật có hiệu quả. Thế nhưng, trước khi áp dụng, bạn cần tìm hiểu kỹ để thực hiện đúng. Cách dạy con không đòn roi này cũng được Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị và coi đây là một cách hiệu quả để điều chỉnh hành vi của trẻ từ tuổi lên 2.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy 85% phụ huynh không biết kỹ thuật time-out như thế nào là chuẩn. Các bậc cha mẹ áp dụng time-out dựa vào ý kiến của người khác, trên sách báo hoặc phỏng đoán. Một số người áp dụng sai cách hoặc không phù hợp, dẫn tới cách dạy con này không hiệu quả.
Time-out là gì và khi nào nên sử dụng?
Không phải ai cũng biết lúc nào nên áp dụng thời gian chờ. Đối với những bé mới đi học mẫu giáo, trước tiên ba mẹ có thể áp dụng một số cách như đánh lạc hướng, chuyển hướng… Nếu không hiệu quả, có thể sử dụng time-out.
Cụ thể, dưới đây là một số trường hợp được khuyến nghị nên áp dụng thời gian chờ:
1. Con làm điều gì đó nguy hiểm, như chạy trên đường
Việc tách bé ra khỏi tình huống nguy hiểm, đặt con vào nơi an toàn để con bình tĩnh và suy ngẫm lại là cần thiết trong trường hợp này. Sau đó, ba mẹ mới giải thích cho con hiểu rằng đây là hành vi nguy hiểm, không nên lặp lại.
2. Con làm điều gì đó có hại, như gây gổ hoặc đánh bạn
Việc tạm dừng có thể giúp bé hiểu rằng nên chơi hòa thuận với bạn. Bất cứ hành vi gây đau hoặc làm tổn thương người khác đều không nên.
3. Các con tranh giành đồ chơi, gây lộn hoặc cãi nhau
Time-out giúp các con nhận ra lỗi sai, điều chỉnh hành vi để có cách cư xử hòa thuận với anh/chị em.
4. Bé gây rối nơi công cộng
Trong trường hợp ở nơi công cộng, con có thể không nghe lời người lớn. Điều này gây phiền nhiễu cho những người xung quanh. Time-out giúp bé trấn tĩnh lại.
5. Trẻ vi phạm quy tắc
Nếu trong gia đình bạn có một số quy tắc và bé hiểu điều đó nhưng vẫn vi phạm thì có thể áp dụng cảnh báo hết giờ. Chẳng hạn như bạn đã đặt ra quy tắc không xem tivi khi ăn cơm, không chạy nhảy sau 9 giờ tối…
6. Bé không làm theo chỉ dẫn của ba mẹ sau khi đã được nhắc nhở
Nếu bạn đã nhắc con nhiều lần về một việc nào đó, ví dụ như đừng giẫm vào sofa khi chân bẩn, đừng gây ồn khi em ngủ… nhưng con vẫn không nghe lời; lúc này có thể áp dụng time-out.
>>> Đọc thêm: Tâm lý trẻ 2 tuổi bắt đầu đi học và cách giúp con nhanh chóng hòa nhập
Các bước áp dụng thời gian chờ trong nuôi dạy con
Dạy con không đòn roi mặc dù là một phương pháp giáo dục tiên tiến, thế nhưng để thực hiện đúng cách không phải dễ. Trước hết, bạn cần tìm hiểu time-out là gì và quy trình thực hiện như thế nào.
Dưới đây là hướng dẫn về các bước sử dụng cảnh báo thời gian chờ.
Bước 1: Đưa ra lời cảnh báo
Bước đầu tiên này, bạn sử dụng lời cảnh báo. Nếu con thực hiện một hành vi nào đó không mong muốn, bạn nên nhắc nhở con về hậu quả như một lời cảnh báo.
Bước 2: Sử dụng time-out
Sau khi đã được nhắc nhở mà con vẫn vi phạm, lúc này bạn có thể sử dụng kỷ luật time-out theo bước 3.
Bước 3: Đưa con tới một nơi an toàn để áp dụng
Không gian áp dụng thời gian chờ nên là một nơi yên tĩnh, ít đồ đạc. Tốt nhất đó là một căn phòng trong nhà hoặc một góc nào đó an toàn mà bạn có thể quan sát con.
Lúc này, bạn nên cho con úp mặt vào tường hoặc ngồi yên một chỗ để tự kỷ luật. Thời gian áp dụng time-out mà các chuyên gia tâm lý khuyên nên tùy theo độ tuổi của trẻ, chẳng hạn như bé 2 tuổi là 2 phút. Song, cũng có ý kiến cho rằng bạn có thể áp dụng một khung thời gian chung là 2-5 phút cho tất cả các độ tuổi.
Bước 4: Thực hiện lại yêu cầu ban đầu
Trước khi kết thúc thời gian chờ, hãy phát lại lệnh ban đầu. Con phải làm theo hướng dẫn để kết thúc quy trình hết thời gian chờ. Tuyệt đối đừng biến thời gian chờ để con trốn tránh nhiệm vụ hoặc thoát kỷ luật.
Bước 5: Kết thúc thời gian chờ
Sau khi time-out kết thúc, bạn hãy đến bên con giải thích và vui vẻ trò chuyện với bé. Hỏi con vì sao lại cư xử như vậy và lần sau con còn tiếp diễn điều đó không?
Đây là lúc bạn có thể hiểu được bé nghĩ gì và lý do nào khiến con không nghe lời như vậy. Hiểu được tâm lý của trẻ giúp ba mẹ có phương pháp giáo dục mềm mỏng, thích hợp hơn.
>>> Đọc thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ 4 tuổi: 10 kỹ năng quan trọng
Ví dụ về việc áp dụng time-out để hiểu hơn time-out là gì
Khi con không làm theo yêu cầu của ba mẹ, hãy áp dụng cảnh báo thời gian chờ. Cảnh báo này cần được nêu rõ ràng, đơn giản và sử dụng dưới dạng câu cầu khiến chứ không phải câu hỏi.
Dưới đây là một ví dụ cụ thể trong việc áp dụng kỷ luật dạy con không đòn roi:
Ví dụ 1: Khi chơi trò chơi
Bạn nói: “Gần đến giờ ăn tối rồi. Hãy cất đồ chơi của con đi” (con dừng lại vài giây và tiếp tục chơi).
Khi thấy con vẫn tiếp tục ngồi chơi, bạn nói: “Nếu con không cất đồ chơi, con sẽ phải ra góc đằng kia ngồi một mình hoặc úp mặt vào tường trong 5 phút”.
Nói xong bạn tạm dừng vài giây quan sát bé và cho con có thời gian làm theo chỉ dẫn. Khi con tiếp tục chơi, bạn nói: “Vì con không nghe theo yêu cầu của mẹ là cất đồ chơi nên con sẽ phải úp mặt vào tường”.
Lúc này bạn dẫn bé ra khu vực chờ và nói: “Hãy đứng yên đây cho tới khi hết thời gian hoặc cho tới khi mẹ quay lại”.
Sau khi hết thời gian time-out, bạn yêu cầu con trở lại khu vực ban đầu và nhặt đồ chơi vào rổ. Đừng quên khen ngợi con sau khi bé đã hoàn thành công việc.
Ví dụ 2: Trong giờ ăn cơm
Khi thấy bé ăn uống không hợp tác, có dấu hiệu ngậm hoặc làm vung vãi thức ăn, bạn nói: “Mẹ đề nghị con tập trung vào việc ăn uống của mình. Hãy ăn uống nghiêm túc và ăn hết phần ăn”.
Nếu bé không nghe lời, hãy nói: “Nếu con không tập trung vào việc ăn, bắt buộc con sẽ phải kết thúc bữa ăn tại đây”.
Sau khi nói, hãy dừng lại vài giây để quan sát bé và cho con cơ hội thực hiện đề nghị. Nếu bé tiếp tục không hợp tác ăn uống, hãy nhanh chóng cho con đi ra khỏi ghế ăn và nói:
“Con hãy đứng đây 5 phút và suy nghĩ xem có tiếp tục ăn hay không. Sau đó nói với mẹ về quyết định của con. Khi đồng hồ kêu, nếu con quyết định không ăn, con sẽ phải nhịn cho tới bữa sau. Nhưng tuyệt đối từ giờ tới bữa ăn kế tiếp con không được ăn bất cứ thứ gì, kể cả uống sữa”.
Sau khi hết thời gian chờ, bạn hỏi quyết định của con và thực hiện theo những gì mà mình đã nhắc nhở bé trước đó. Nếu con không ăn, hãy thực hiện theo quyết định của con. Đừng lo lắng, bởi vì hành động kỷ luật này cho con biết hậu quả của việc ăn uống không nghiêm túc là như thế nào và lần sau con sẽ không vi phạm nữa.
>>> Đọc thêm: 10 đồ chơi cho trẻ 2 tuổi giúp bé thông minh, nhanh nhẹn
Những hiểu lầm về time-out
Bất kỳ ai cũng cần hiểu time-out là gì và các bước thực hiện như thế nào trước khi áp dụng phương pháp dạy con không đòn roi này.
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là sử dụng time-out như một hình phạt.
Bạn cần nhớ rằng mục đích của việc áp dụng thời gian chờ không phải là một hình phạt. Đây là một công cụ giúp bé sửa đổi hành vi và là cơ hội để con học cách đưa quyết định tích cực.
Đưa ra lời cảnh báo trước khi áp dụng thời gian chờ chính là tạo cơ hội cho trẻ suy nghĩ và đưa ra lựa chọn đúng đắn. Biến time-out thành hình phạt chỉ khiến bé cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.
Một khi thời gian chờ được sử dụng như một hình phạt, con sẽ cảm thấy mình bị cô lập, bị chán ghét. Điều này lâu dần dẫn tới rối loạn cảm xúc, khiến bé bị tổn thương. Các nghiên cứu khoa học cho rằng yếu tố này cũng ảnh hưởng xấu tới bộ não đang phát triển của trẻ.
Lời khuyên khi áp dụng kỷ luật thời gian chờ
Các chuyên gia tâm lý nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ nếu áp dụng kỹ thuật dạy con không đòn roi cần tìm hiểu kỹ time-out là gì từ các nguồn uy tín. Ngoài ra, ba mẹ cần chú ý tới các vấn đề sau:
• Luôn phải giải thích kỷ luật thời gian chờ một cách rõ ràng và đơn giản nhất để bé hiểu.
• Chỉ đưa ra cảnh báo hết giờ một lần. Sau khi hết thời gian, con cần làm theo những gì ba mẹ yêu cầu, không được chần chừ.
• Thực hành time-out với con khi bạn có tâm trạng vui vẻ. Sau đó, yêu cầu con kể cho ba mẹ nghe điều gì xảy ra trong thời gian con đứng một mình như vậy.
• Tuyệt đối không nói những câu khiến con bị tổn thương như: ba mẹ ghét con, con là đứa trẻ hư hỏng…
• Hãy chắc chắn rằng bé biết hành vi nào sẽ phải áp dụng kỷ luật thời gian chờ.
• Nói cho bé biết thời gian time-out sẽ là bao lâu và diễn ra ở đâu (ví dụ như con phải đứng úp mặt vào tường mà không được ngọ nguậy, con phải ngồi yên trên ghế và không được đụng vào bất kỳ đồ chơi nào…).
• Sử dụng thời gian chờ cần nhất quán để bé dần hiểu được quy tắc.
• Đừng mang hình thức kỷ luật này ra đe dọa con. Bởi vì nếu ba mẹ quên không thực hiện một lần, con sẽ ngầm hiểu bạn chỉ dọa con chứ không làm.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi time-out là gì và các bước thực hiện phương pháp dạy con không đòn roi. Tóm lại, nếu muốn áp dụng phương pháp thời gian chờ, bạn cần sử dụng ngay sau khi bé có hành vi không đúng mực. Điều này giúp con hiểu rằng mình không nên lặp lại hành động đó một lần nữa.
>>> Đọc thêm: Bỏ túi 9 cách dạy tiếng Anh cho bé 2 tuổi