Mách ba mẹ 7 mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ tại nhà
Ho là một trong những triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là thời điểm giao mùa hay khi thời tiết thay đổi thất thường. Dù không quá nguy hiểm nhưng những cơn ho kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Thay vì dùng thuốc kháng sinh, ILO mách ba mẹ một số mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ tại nhà, vừa dễ thực hiện, vừa mang lại hiệu quả tốt.
Trẻ thường bị ho do đâu?
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể phản ứng lại các tác động của vi khuẩn, virus, bụi bẩn đến hệ hô hấp. Khi đường hô hấp bị kích thích, não bộ sẽ gửi tín hiệu đến cơ hoành và các cơ hô hấp tạo ra một luồng không khí mạnh đi ra ngoài, gây ra tiếng ho. Những cơn ho còn tham gia vào việc tống xuất các chất bài tiết ra khỏi đường hô hấp như đờm, dịch nhầy, bụi bẩn.
Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp khi thời tiết thay đổi, do hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, bụi bẩn xâm nhập dẫn đến ho thường xuyên, dai dẳng. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, cơn ho kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc họng, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, sinh hoạt, gây hại cho sức khỏe. Do đó, ba mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có cách chữa trị hoặc áp dụng các mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ hiệu quả.
Theo đó, trẻ nhỏ thường mắc chứng ho khan vào ban đêm, ho có đờm, ho gà… do một số nguyên nhân dưới đây:
• Trẻ thường bị ho do cảm lạnh, cảm cúm, chất nhầy ở mũi có thể chạy xuống họng, kích thích và gây ho.
• Viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang… là các bệnh lý đường hô hấp do bé bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Lúc này, cơ thể sẽ phản xạ gây ho, “tống” các tác nhân gây bệnh ra ngoài.
• Trẻ ho do dị ứng như thời tiết, do khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo, khói thuốc lá… tấn công vào đường hô hấp.
• Trẻ bị hen suyễn thường có những cơn ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi trời lạnh.
• Trào ngược dạ dày thực quản: dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, khiến cổ họng bị kích thích và gây ho cho trẻ.
>>> Đọc thêm: 12 cách chữa ho cho bé khi ngủ hiệu quả
Mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ tại nhà an toàn và hiệu quả
Cách trị ho cho trẻ nhanh nhất theo phương pháp dân gian tại nhà có thể áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Đặc biệt là khi bé ho nhẹ và không có các dấu hiệu nghiêm trọng khác kèm theo. Trong một số trường hợp ho nghiêm trọng do bệnh lý, để điều trị giảm ho hiệu quả, ba mẹ cũng có thể kết hợp uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ với một số mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ từ các nguyên liệu thiên nhiên lành tính.
Vậy, trẻ em bị ho nên uống gì?
1. Cách trị ho cho trẻ nhanh nhất với gừng
Gừng có tính ấm, vị cay, chứa lượng lớn gingerol có tác dụng chống viêm và oxy hóa. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và làm ấm đường hô hấp, gừng là một trong những bài thuốc dân gian trị ho hiệu quả cho trẻ nhỏ và cả người lớn.
Ba mẹ dùng gừng tươi, gọt vỏ và rửa sạch, cắt sợi rồi đem chưng cách thủy. Sau 15 – 20 phút ba mẹ cho thêm đường phèn hoặc mật ong, chắt lấy nước để nguội cho bé uống. Áp dụng cách này từ 2 – 3 lần một ngày sẽ làm ấm đường hô hấp, giảm ho hiệu quả. Tuy nhiên, ba mẹ chỉ nên cho bé trên một tuổi uống với liều lượng nhỏ, tránh dùng nhiều gừng dễ khiến bé cảm thấy cay, nóng bụng.
>>> Xem thêm: Bổ sung 4 nhóm thực phẩm cho trẻ mầm non đúng và đủ
2. Mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ bằng tỏi
Giống như gừng, tỏi có vị cay, tính ấm, là bài thuốc trị ho khan, ho có đờm tại nhà rất hiệu quả. Đặc biệt, trong tỏi còn chứa allicin – hợp chất kháng khuẩn, kháng viêm, tăng cường sức đề kháng, thích hợp chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Ba mẹ dùng khoảng 2 – 3 tép tỏi đập dập, cho thêm nước, đường phèn và chưng cách thủy trong vòng 10 – 15 phút. Sau đó lọc lấy nước cho bé uống 2 -3 lần/ngày để tiêu đờm, làm dịu cổ họng, giảm ho nhanh.
Ngoài ra, ba mẹ có thể đập dập tỏi, cho vào một túi nhỏ đặt ở góc giường. Mùi hương của tỏi giúp thông mũi, kháng khuẩn và giảm ho vào ban đêm.
3. Dùng chanh đào để trị ho cho bé
Chanh đào là một trong những nguyên liệu thiên nhiên dùng để trị ho khan, ho có đờm tại nhà rất hiệu quả nhờ chứa nhiều tinh dầu, vitamin C chống oxy, flavonoid giúp kháng khuẩn, kháng viêm.
Ba mẹ dùng chanh đào cắt lát, hấp với đường phèn lấy nước. Mỗi ngày cho bé uống ba lần, mỗi lần uống khoảng một muỗng cà phê. Nếu trẻ trên một tuổi, ba mẹ có thể dùng mật ong thay thế đường phèn để tăng hiệu quả.
Ngoài ra, đối với bé lớn bị ho, bạn có thể vắt nước chanh đào hòa với muối và nước ấm cho bé súc miệng để làm sạch họng, hỗ trợ giảm ho nhanh chóng.
>>> Đọc thêm: Cách chữa đầy bụng cho trẻ 3 tuổi hiệu quả ba mẹ nên biết
4. Nước lá và hoa khế làm sạch họng, giảm ho do dị ứng
Lá và hoa khế được nhiều người biết đến với đặc tính kháng viêm, chống dị ứng. Cho bé uống hoặc xông hơi từ nước lá và hoa khế cũng là một trong những cách trị ho, tiêu đờm và giảm viêm hiệu quả. Không những thế, các chất từ hoa và lá khế còn có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, giảm lở ngứa…
Áp dụng cách trị ho cho trẻ nhanh nhất này, ba mẹ cần chuẩn bị khoảng 100g lá khế, rửa sạch, vò nhẹ đem đun sôi với nước trong vòng 10 phút. Sau đó chắt lấy nước, để ấm cho bé uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 2 – 3 muỗng cà phê.
Cách thứ hai, ba mẹ chuẩn bị khoảng 12g hoa khế, rửa sạch, chưng cách thủy với đường phèn và chắt lấy nước cho bé uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể nấu lá khế cho bé xông hơi, súc miệng để giải cảm, thông mũi, giảm kích ứng họng.
5. Lê hấp đường phèn – cách trị ho cho trẻ nhanh nhất
Lê là một loại trái cây chứa nhiều nước, vitamin C, chất chống oxy hóa và đặc biệt là có tính mát nên thường được bổ sung vào chế độ ăn uống dành cho trẻ đang bị ho. Cho bé ăn lê hấp đường phèn giúp làm dịu cổ họng, tiêu đờm, giảm viêm và giảm ho nhanh chóng.
Ba mẹ hãy thử áp dụng công thức hấp lê với đường phèn như sau: Chọn một trái lê tươi ngon, rửa sạch, khoét bỏ lõi hạt. Sau đó cho thêm một vài trái hạnh nhân và đường phèn vào trong trái lê. Đem nguyên trái chưng cách thủy trong vòng 25 – 30 phút đến khi lê chín mềm. Ba mẹ cắt hoặc nghiền nhỏ lê và hạnh nhân cho bé ăn cả cái lẫn nước bên trong.
>>> Đọc thêm: Cách hạ sốt cho trẻ đầu nóng chân tay lạnh: Nên và không nên
6. Rau diếp cá – mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ
Với đặc tính thải độc, kháng viêm, cách trị ho, tiêu đờm cho trẻ bằng rau diếp cá đang được ba mẹ tin tưởng lựa chọn bởi an toàn, hiệu quả và dễ thực hiện tại nhà.
Ba mẹ dùng một nắm rau diếp cá ngâm với nước muối loãng, rửa sạch, để ráo nước và giã nát. Tiếp đến, cho một chén nước vo gạo vào rau diếp cá đã giã nát, đun sôi trên lửa nhỏ trong vòng 10 – 15 phút. Sau đó, ba mẹ chắt lấy nước cho bé uống 1 – 2 lần/ngày. Kiên trì uống trong vòng 2 – 3 ngày, triệu chứng ho khan, ho có đờm sẽ cải thiện rõ rệt.
7. Trị ho tại nhà cho bé với rau tần dày lá
Rau tần dày lá (rau húng chanh) là một loại thảo dược thuộc họ bạc hà thường được sử dụng điều trị ho, cảm cúm, viêm họng. Ba mẹ dùng vài lá rau tần dày rửa sạch, cắt nhỏ trộn với một ít đường phèn hoặc mật ong đem chưng cách thủy. Sau đó, chắt lấy nước cho bé uống mỗi ngày hai lần, liên tục trong vài ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng ho, giảm đờm, thông cổ.
Ho là triệu chứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, ba mẹ hoàn toàn có thể áp dụng các mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ dân gian đơn giản, an toàn tại nhà. Tuy nhiên, nếu bé ho dai dẳng kéo dài kèm theo các dấu hiệu sốt cao, khó thở, ho ra máu, nôn ói, mất ngủ, bỏ ăn… ba mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
>>> Xem thêm: Bé hay ốm vặt? 8 loại thuốc tăng đề kháng cho trẻ