Dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay và 4 vòng tròn để bảo vệ cơ thể
Các con số thống kê về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em khiến nhiều bậc phụ huynh quan ngại. Để tránh tình trạng báo động này, hãy dạy con quy tắc 5 ngón tay 4 vòng tròn cùng các kiến thức về vùng riêng tư.
Tại sao ba mẹ nên dạy con về quy tắc 5 ngón tay?
Theo các chuyên gia, vài năm trở lại đây, con số trẻ em bị xâm hại và lạm dụng tình dục gia tăng. Điều này đã trở thành vấn nạn đáng báo động cho toàn xã hội.
Các bé bị xâm hại không chỉ gặp nỗi đau thể xác, tinh thần mà còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng trong suốt cuộc đời.
Do vậy, ba mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ bản thân. Bởi vì không phải lúc nào người lớn cũng ở cạnh con, thế nên giáo dục các kỹ năng phòng vệ là điều cần thiết và quan trọng. Việc này cần trang bị cho các bé ngay từ những năm học mẫu giáo.
Hơn nữa, trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại tình dục bất cứ nơi đâu, chẳng hạn như ở nhà, công viên, siêu thị… Do vậy, dạy con các kỹ năng tránh xâm lại là điều vô cùng cần thiết.
Quy tắc 5 ngón tay 4 vòng tròn và các vùng riêng tư là những kiến thức hữu ích, được khuyến khích nên trang bị cho con ngay từ khi còn nhỏ. Mặt khác, những quy tắc này rất gần gũi với các bé, dễ hiểu và dễ nhớ. Đây là cách dạy trực quan sinh động mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống.
>>> Đọc thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ 4 tuổi: 10 kỹ năng quan trọng
Quy tắc 5 ngón tay là gì?
Quy tắc năm ngón tay hay còn gọi là quy tắc bàn tay giao tiếp. Ba mẹ đã từng nghe tới thuật ngữ này bao giờ chưa? Đây là quy tắc giúp cả bé trai và bé gái có thể tránh xa được nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Nguyên tắc 5 ngón tay được biểu hiện như sau:
1. Quy tắc 5 ngón tay: Ngón cái
Trong bàn tay, ngón cái là ngón to nhất, tượng trưng cho những người thân thiết nhất trong gia đình như ông bà, ba mẹ, anh chị em ruột thịt. Những người thân là biểu tượng của ngón cái này có thể tắm, ngủ chung và làm vệ sinh cho con cho tới khi con có thể tự làm một mình mà không cần sự hỗ trợ.
2. Ngón trỏ
Tiếp theo ngón cái là ngón trỏ. Ngón này tượng trưng cho những đối tượng mà các bé thường hay gặp gỡ, sau những người thân trong gia đình. Đó là thầy cô, bạn bè và người thân họ hàng.
Với những người thuộc nhóm này, ba mẹ dạy con chỉ được nắm tay, khoác vai và chơi cùng. Tuyệt đối không có các hành động ôm hôn, sờ hoặc chạm vào các vùng riêng tư.
>>> Đọc thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ 0-10 tuổi theo chuẩn WHO
3. Ngón giữa
Ngón giữa trong quy tắc 5 ngón tay là biểu tượng cho những người hàng xóm và bạn bè của bố mẹ. Đây là nhóm người mà bé có sự quen biết nhưng ít gặp và không thân thiết. Với những người này, ba mẹ dạy con chỉ dừng lại ở việc chào hỏi, cười và bắt tay.
4. Ngón áp út
Đây là ngón tay tượng trưng cho những người quen của gia đình, người mà bé lần đầu gặp. Con cần được dạy chỉ dừng lại ở mức độ chào hỏi hoặc vẫy tay đối với đối tượng này.
5. Quy tắc 5 ngón tay: Ngón út
Ngón cuối cùng trong bàn tay cũng là ngón xa nhất. Ngón này tượng trưng cho những người xa lạ mà con không hề quen biết trước đó. Nếu đối tượng này có hành vi như chạm vào người, ôm, hôn… thì bé cần bỏ chạy, hét thật to hoặc phản kháng lại để những người xung quanh biết.
Năm ngón tay trên một bàn tay thể hiện cho các mối quan hệ khác nhau, từ phạm vi gia đình mở rộng ra xã hội. Dạy trẻ quy tắc này, con sẽ biết các hành động tình cảm như thế nào là đúng mực. Tránh trường hợp bé bị ấu dâm mà không phân biệt được.
>>> Đọc thêm: Bật mí 12 cách dạy con của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Quy tắc 4 vòng tròn là gì?
Một khi bé đã nắm được kỹ năng sống quy tắc 5 ngón tay, tức là nhận thức được về các mối quan hệ, ba mẹ cần dạy con quy tắc 4 vòng tròn. Thực ra quy tắc về các vòng tròn với những màu khác nhau này cũng là một trong những cách để củng cố lại các kiến thức mà trẻ được dạy ở nguyên tắc 5 ngón tay, nhưng đi sâu hơn vào các hành vi được và không được làm.
Cụ thể quy tắc này như sau:
• Vòng tròn trong cùng, ở chính giữa, màu xanh là ba mẹ. Đây là những người sinh ra và trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy con nên được phép đụng vào một số bộ phận cơ thể con và được ôm hôn bé (hoặc trẻ làm ngược lại).
• Vòng tròn thứ 2 màu vàng là biểu tượng cho ông bà nội ngoại, anh chị em ruột. Những người này được cầm tay con và hạn chế tối đa đụng chạm vào các khu vực khác, đặc biệt là vùng riêng tư.
• Vòng tròn thứ 3 màu cam là họ hàng hoặc những người thân quen, đối tượng này chỉ được nắm tay/bắt tay con.
• Vòng tròn thứ 4 ngoài cùng, màu đỏ là người lạ. Khi những người này tới gần bé, hãy xua tay hoặc chạy trốn nếu nguy hiểm.
Quy tắc 4 vòng tròn được thể hiện bằng 4 vòng với những màu sắc khác nhau. Mỗi màu là một biểu tượng, ví dụ màu xanh (ba mẹ) là an toàn, màu đỏ (người lạ) là những người bé cần đề phòng.
>>> Đọc thêm: Vận động thô là gì và làm thế nào để phát triển kỹ năng vận động thô?
Giáo dục bé kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Ngoài quy tắc bàn tay và 4 vòng tròn, để hướng dẫn con bảo vệ chính mình cũng như phòng tránh nguy cơ bị ấu dâm, ba mẹ cũng cần dạy các bé những vấn đề sau:
1. Dạy con về vùng riêng tư và cách bảo vệ
Ba mẹ cần lưu ý rằng quy tắc 5 ngón tay gắn liền với những kiến thức về vùng riêng tư nhạy cảm.
Miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông là 4 vùng riêng tư ba mẹ cần dạy cho con biết. Thường xuyên nhắc nhở trẻ đây là những vùng kín mà con cần bảo vệ. Khá nhiều trường hợp bị lạm dụng, xâm hại là do các bé không hiểu được đây là vùng riêng tư không được được để người khác nhìn, sờ mó hoặc đụng chạm.
Hơn nữa nhắc con rằng đối với các vùng riêng tư như khu vực mặc đồ lót, ba mẹ chỉ được phép chạm vào khi làm vệ sinh, tắm rửa cho con. Bác sĩ hoặc y tá phải là những người mặc đồng phục khi khám bệnh mới được nhìn hoặc chạm vào dưới sự đồng ý của ba mẹ.
Hơn nữa, cũng nên dạy trẻ rằng không được chạm vào vùng đồ lót của người khác. Bởi vì lạm dụng tình dục cũng bắt đầu từ việc kẻ biến thái yêu cầu con chạm vào chúng.
Ngoài ra, đừng quên giải thích với con rằng chỉ có ba mẹ có quyền nhìn thấy con không mặc quần áo còn người khác thì không được như thế. Hơn nữa, cũng thường xuyên nhắc bé không được để ai chụp ảnh các bộ phận riêng tư của con. Điều này thường bị các bậc cha mẹ bỏ qua, sóng kẻ xấu có thể lợi dụng để gây hại cho con.
2. Động viên con chia sẻ bí mật với ba mẹ
Phần lớn trẻ em bị lạm dụng không chia sẻ với ba mẹ. Có thể bé bị đe dọa hoặc con nghĩ rằng đó là những gì xấu xa cần phải giữ bí mật. Vì vậy, hãy động viên và khuyến khích con, trở thành những người đáng tin cậy để nói ra những gì con đang gặp phải. Hãy để bé biết rằng ba mẹ sẽ không đánh mắng, trách phạt con mà tìm mọi cách bảo vệ con.
3. Nhắc nhở con luôn cảnh giác, ngay cả với những người con quen biết
Tình trạng lạm dụng tình dục đôi khi không phải đến từ những người xa lạ mà đến từ ngay những người thân, họ hàng hoặc hàng xóm láng giềng. Do vậy, ba mẹ cần luôn luôn nhắc nhở bé về nguyên tắc 5 ngón tay 4 vòng tròn để con hiểu giới hạn của các hành vi được/không được thực hiện.
Chẳng hạn, thường xuyên nhắc nhở con rằng ngoài ba mẹ ra, thầy cô, bạn bè, cô dì chú bác… không một ai được đụng chạm vào chỗ kín của con. Ngay cả khi đó là những người con yêu quý, họ vẫn không nên thực hiện hành vi đó.
>>> Đọc thêm: 10 bí quyết dạy bảng chữ cái tiếng Anh cho bé nhớ lâu
4. Dạy trẻ cách nói “không”
Thường xuyên dạy con rằng con có quyền từ chối nếu không thích bất kỳ ai đụng chạm vào mình. Mặt khác, dạy con cách để thoát khỏi các tình huống khó chịu hoặc đáng sợ như la lên gây sự chú ý, bỏ chạy tới chỗ đông người…
ILO vừa gửi tới ba mẹ bài viết về quy tắc 5 ngón tay 4 vòng tròn. Các ngón tay trên một bàn tay và những vòng tròn sắc màu đều rất gần gũi với trẻ nhỏ. Do vậy, dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân bằng phương pháp này đơn giản nhưng rất hiệu quả. Ba mẹ hãy thực hiện từ ngay hôm nay nhé!
>>> Đọc thêm: Khám phá phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non