Trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu khi nào nguy hiểm?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu. Với một số nguyên nhân, bé có thể tự khỏi hoặc điều trị đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, có những trường hợp đau đầu là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm mà ba mẹ không nên chủ quan. Dưới đây là cách chữa đau đầu ở trẻ em tại nhà và các biểu hiện cảnh báo nguy hiểm cần thăm khám kịp thời mà ba mẹ nên biết.
Trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu: Các dạng thường gặp
Dưới đây là một số dạng, triệu chứng đau đầu thường gặp ở trẻ nhỏ:
1. Trẻ đau nửa đầu
Trẻ đau nửa đầu sẽ có những triệu chứng dễ nhận biết như:
• Đầu đau nhói một bên, thậm chí có cảm giác đầu đập mạnh, co giật.
• Bé đau đầu kèm buồn nôn, đau bụng nhẹ hoặc đau từng cơn.
• Cơn đau đầu sẽ trở nên dữ dội nếu bé hoạt động thể chất mạnh.
• Trẻ trở nên nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh từ môi trường.
2. Trẻ 4 tuổi kêu đau đầu căng tức
Chứng đau căng tức đầu ở trẻ thường có các triệu chứng sau:
• Bé có cảm giác căng tức cơ ở vùng đầu cổ, cơn đau từ mức độ nhẹ đến trung bình và không có tình trạng co giật hai bên đầu.
• Khác với đau nửa đầu, dạng đau đầu này sẽ không trở nặng khi trẻ vận động.
• Trẻ có cảm giác buồn nôn, nôn và thường có xu hướng buồn ngủ nhiều hơn.
• Dạng đau căng đầu ở trẻ em có thể kéo dài từ nửa tiếng đến vài ngày.
3. Dạng đau đầu dữ dội từng cơn hoặc chuỗi
Trẻ đau đầu không sốt, đau dữ dội từng cơn là chứng đau đầu phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi. Ba mẹ có thể quan sát các biểu hiện và triệu chứng sau:
• Cơn đau xuất hiện từng cơn tạo thành chuỗi, một chuỗi đau có thể từ 5 cơn trở lên và tần suất tăng dần. Những cơn đau nhói như có vật nhọn đâm vào đầu có thể lặp lại nhiều lần trong ngày hoặc nhiều ngày.
• Bé gặp phải tình trạng này sẽ cảm thấy đau buốt, nhói một bên đầu kèm theo các triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau căng cơ, cảm giác lo lắng, bồn chồn rất dễ kích động.
4. Trẻ 4 tuổi kêu đau đầu dạng cấp tính
Đây là tình trạng đau căng hoặc nửa đầu ở trẻ em do viêm họng, nhiễm trùng, viêm amidan, viêm xoang, viêm màng não, sốt xuất huyết hoặc chấn thương đầu gây ra.
Trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu bắt nguồn từ những nguyên nhân nào?
Có nhiều nguyên nhân từ đơn giản đến nghiêm trọng khiến trẻ 4 tuổi đau đầu. Trong đó có những trường hợp đau đầu là dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Tham khảo một số nguyên nhân chính khiến trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu dưới đây là bước đầu để ba mẹ nhận biết và có hướng chăm sóc, điều trị kịp thời.
1. Trẻ mắc các bệnh viêm, nhiễm vi khuẩn, virus
Do sức đề kháng yếu nên bé 4 – 6 tuổi thường mắc các bệnh do nhiễm trùng, vi khuẩn, virus tấn công như cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng tai, viêm họng… Những bệnh lý này là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau đầu ở trẻ nhỏ.
Một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não cũng có biểu hiện đau đầu. Nếu nhận thấy con đau đầu kèm các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, co giật, nôn, rối loạn tri giác… ba mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
2. Trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu do chấn thương
Trẻ hiếu động, nô đùa thường hay té ngã gây chấn thương. Khi phát hiện cơ thể con xuất hiện các vết thương, sưng, bầm tím khi va đập mạnh, té ngã, ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ đau đầu, nếu để lâu ngày có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
3. Bệnh về mắt khiến trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu
Bé gặp các vấn đề rối loạn thị lực như cận, loạn thị, viễn thị mà không được phát hiện, điều trị, đeo kính sớm khiến mắt phải điều tiết liên tục dẫn đến tình trạng đau đầu. Một số bệnh lý như viêm tuyến lệ, viêm kết mạc, đục thủy tinh thể… cũng gây đau đầu cho bé.
Ngoài ra, bé sử dụng thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, điện thoại quá nhiều trong môi trường thiếu sáng cũng là nguyên nhân khiến con mỏi mắt, đau đầu.
4. Trẻ đau đầu do căng thẳng, lo âu, rối loạn cảm xúc
Thay đổi môi trường sống, học tập, thường xuyên thiếu ngủ, lo lắng, căng thẳng vì các mối quan hệ xung quanh (ba mẹ, anh chị em, bạn bè, giáo viên…) là những nguyên nhân phổ biến khiến bé đau đầu. Bên cạnh đó, đau đầu cũng là biểu hiện trẻ bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, khủng hoảng tuổi lên 4…
5. Bệnh lý về não khiến trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu
Trẻ đau đầu dữ dội là do gặp các vấn đề nghiêm trọng về não như xuất huyết não, áp xe, khối u não… Nếu trẻ đau đầu kèm các triệu chứng nguy hiểm khác như chóng mặt, nôn khan, co giật, suy giảm thị lực, cứng cổ, các chi thiếu linh hoạt… ba mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị kịp thời.
6. Trẻ đau đầu do dị ứng, ngộ độc đồ uống, thực phẩm
Cà phê, trà, nước tăng lực… có khả năng kích thích não bộ dẫn đến tình trạng đau đầu. Ngoài ra, những loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa chất bảo quản, nhiều bột ngọt… cũng gây dị ứng, trẻ đau đầu không sốt.
>>> Đọc thêm: Gợi ý 200+ tên tiếng Anh cho bé gái khiến mẹ thích mê
Cách chữa đau đầu ở trẻ em tại nhà hiệu quả
Ngoài tuân thủ chỉ định của bác sĩ, chăm sóc trẻ đúng cách sẽ góp phần tăng hiệu quả điều trị, giúp con mau chóng phục hồi sức khỏe. Dưới đây là một số cách chữa đau đầu ở trẻ em tại nhà và giải pháp xoa dịu cơn đau nhanh chóng, ba mẹ có thể tham khảo:
1. Cho con nghỉ ngơi và massage thư giãn
Khi trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu, ba mẹ nên cho con nằm nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, thoáng mát. Đặc biệt, tránh cho con xem tivi, chơi điện thoại… vì ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể khiến con càng thêm đau đầu.
Ngoài ra, massage đầu là một trong những liệu pháp hiệu quả giúp con thư giãn, giảm đau căng đầu. Ba mẹ thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng tại vùng trán, thái dương hoặc sau gáy.
2. Chườm lạnh hoặc chườm ấm
Ba mẹ dùng khăn mềm nhúng nước mát hoặc nước ấm sau đó chườm lên vùng trán hoặc sau gáy khi trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu. Thực hiện cách này trong khoảng 15 – 20 phút sẽ giúp con giảm cơn đau.
Ngoài ra, cho bé ngâm chân trong nước ấm cũng giúp thư giãn và giảm chứng đau đầu hiệu quả.
>>> Đọc thêm: 15 truyện cho bé 3 tuổi ý nghĩa, nên kể cho bé nghe hằng đêm
3. Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ
Ibuprofen và Acetaminophen là những loại thuốc giảm đau hạ sốt thường được dùng để giảm đau đầu cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, ba mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và tuân thủ liều lượng khuyến cáo.
4. Cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu
Ba mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đầy đủ dưỡng nhất để giúp con khỏe mạnh, nhanh chóng hồi phục sức khỏe cũng như hạn chế mắc các bệnh vặt.
Một số vitamin và khoáng chất cần bổ sung cho trẻ thường xuyên bị đau đầu như:
• Vitamin B2: Có tác dụng hỗ trợ, giảm mức độ đau cũng như hạn chế xuất hiện các cơn đau đầu ở trẻ 4 – 6 tuổi.
• Magie: Ngăn ngừa tình trạng trẻ đau nửa đầu.
• Coenzyme Q10: Tương tự magie, bổ sung đầy đủ Coenzyme Q10 giúp con khỏe mạnh, giảm bệnh vặt, nhất là tình trạng đau nửa đầu.
>>> Đọc thêm: 100 câu đố cho trẻ mầm non giải trí và phát triển tư duy
Khi nào trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu là nguy hiểm?
Cơn đau đầu nhẹ, thỉnh thoảng mới xuất hiện thường nhanh hết và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sinh hoạt, học tập và sự phát triển toàn diện của con. Ngoài ra, đau đầu cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Do đó, ba mẹ cần theo dõi sát sao các triệu chứng, nếu gặp các trường hợp dưới đây cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện:
• Bé xuất hiện cơn đau nửa đầu bất ngờ, cơn đau dữ dội như có vật nhọn đâm vào đầu.
• Trẻ đau đầu kèm các triệu chứng nôn, miệng méo, cứng cổ… ba mẹ cần nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ.
• Bé đau đầu kèm sốt cao, thực hiện các biện pháp giảm đau hạ sốt tại nhà vẫn không thuyên giảm.
• Trẻ đau đầu không sốt kèm các triệu chứng suy giảm tri giác, rối loạn thị lực, khó vận động tứ chi, co giật, căng cơ…
• Trẻ té ngã, va đập mạnh có vết bầm tím, sưng hoặc chảy máu.
• Bé đau đầu dai dẳng, kéo dài trên một tuần dù ba mẹ đã thực hiện các cách chữa đau đầu ở trẻ em tại nhà nhưng vẫn không cải thiện.
Nếu ba mẹ đã áp dụng các cách chữa đau đầu ở trẻ em tại nhà nhưng không cải thiện, hãy theo dõi sức khỏe, các triệu chứng trẻ 4 tuổi hay kêu đau đầu nguy hiểm trên đây, sau đó nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.
>>> Xem thêm: Trẻ nôn nhiều không sốt không đi ngoài: bí kíp xử trí