Khủng hoảng tuổi lên 4: 10 điều mẹ cần làm để nuôi dạy trẻ tốt hơn
Nhiều bậc cha mẹ có con 4 tuổi bắt đầu nhận thấy con đột nhiên rất dễ xúc động về mọi thứ, dễ rơi nước mắt và tức giận vì những điều nhỏ nhặt nhất. Đó là những dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 4 – một giai đoạn phát triển tâm lý và hành vi của trẻ nhỏ.
Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4 của trẻ có thể khiến bạn cảm thấy bối rối và lo lắng. Sau đây là những điều bạn cần biết để có thể thấu hiểu và nuôi dạy con tốt hơn.
Khủng hoảng tuổi lên 4 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 4 là những từ dùng để mô tả một giai đoạn phát triển tâm lý và hành vi của trẻ nhỏ 4 tuổi. Cụ thể, trẻ sẽ có những thay đổi trong nhận thức và tình cảm rõ rệt so với giai đoạn 2 – 3 tuổi.
Trẻ 4 tuổi rất năng động và quan tâm đến thế giới xung quanh. Con luôn muốn khám phá và làm những điều mới mẻ. Vậy nên đôi khi bạn cảm thấy như bé cứng đầu, không muốn nghe lời cha mẹ. Con thường đòi hỏi, muốn tự quyết định và “thoát” khỏi quyền kiểm soát của người lớn. Con cũng phát triển khả năng độc lập nhưng lại chưa thể tự kiểm soát và quản lý cảm xúc của mình.
Có thể nói, giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4 thường gây ra nhiều căng thẳng trong gia đình. Thế nhưng, đấy chỉ là một giai đoạn tạm thời trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
>>> Xem thêm: 20 bài hát cho trẻ 3-4 tuổi kích thích trí não, dễ nhớ nhất
Biểu hiện của giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4
Sau đây là những biểu hiện thường thấy khi trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 4. Bạn hãy ghi nhớ để sớm nhận biết rõ giai đoạn này:
1. Trẻ bộc phát cảm xúc mạnh mẽ
Bạn có thể thấy con mình một phút trước vẫn đang vui vẻ chơi đùa, nhưng một phút sau con lại giằng co đồ chơi với đứa trẻ khác một cách giận dữ.
Ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4, bé sẽ bộc lộ nhiều cảm xúc mạnh mẽ nhưng bất chợt. Đó có khi là cảm giác tức giận, buồn bã hay lo sợ. Con khó kiểm soát cảm xúc. Con thường nói lớn, khóc lóc hoặc tự làm đau mình.
2. Tỏ thái độ phản đối
Trẻ trở nên cứng đầu, thường phản đối và không thực hiện theo yêu cầu của người lớn. Đôi khi con làm ngược lại những gì được yêu cầu.
3. Trẻ đòi hỏi trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4
Con đòi hỏi nhiều hơn. Trẻ muốn tự quyết định các hoạt động hàng ngày như chọn thực đơn, chơi trò chơi, mặc quần áo…
>>> Xem thêm: Top 12 trò chơi cho trẻ 3 – 4 tuổi bổ ích
4. Thay đổi trong sinh hoạt
Bé có thể từ chối ăn một số loại thực phẩm hoặc khó ngủ, ngủ không đủ giấc.
5. Tỏ ra bướng bỉnh
Ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4, con thường tỏ ra bướng bỉnh, luôn cho mình là đúng. Đôi khi con còn tỏ thái độ vô lễ, chống đối cha mẹ.
6. Khó kiểm soát ngôn từ
Trẻ 4 tuổi đang trải qua quá trình phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ. Bé có thể học được cả những từ không hay từ người lớn. Khi bùng phát khủng hoảng, trẻ khó kiểm soát ngôn từ và nói năng không hay.
7. Trẻ nói dối trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4
Nói dối là hành vi phổ biến của trẻ 4 tuổi. Điều đó cho thấy bộ não của trẻ đang tăng trưởng và phát triển. Trẻ hiểu rõ hơn về nguyên nhân và kết quả. Vì vậy, trẻ nói dối để tránh bị người lớn trách phạt.
Ngoài ra, giai đoạn này trẻ đang phát triển trí tưởng tượng. Vậy nên trẻ có thể nghĩ ra những câu chuyện kỳ ảo và cố gắng biến chúng thành hiện thực. Điều này không giống như nói dối. Vậy nên bạn đừng phản đối mà hãy khuyến khích trí tưởng tượng của con. Đó là một phần quan trọng của tuổi thơ.
>>> Xem thêm: Lưu ngay 5 kiểu tóc ngắn cho bé gái 4 tuổi xinh xắn, đáng yêu
Vì sao trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 4?
1. Não bộ của trẻ đang phát triển
Các nhà khoa học nhận thấy có một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng ở hạch hạnh nhân của bộ não đứa bé 4 tuổi. Não của trẻ đang phát triển các tế bào thần kinh và khớp thần kinh mới quá nhanh. Vậy nên nó làm cho hạch hạnh nhân trở nên cảnh giác với bất kỳ loại kích thích nào.
Về cơ bản, bộ não của trẻ 4 tuổi đang kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy đối với môi trường xung quanh. Dù đó không phải là mối đe dọa nhưng trẻ đặc biệt trở nên “siêu” nhạy cảm trong giai đoạn này.
2. Môi trường sống tác động
Môi trường sống xung quanh như gia đình, trường lớp… sẽ ảnh hưởng đến trẻ rất nhiều. Thường có rất nhiều thay đổi diễn ra trong cuộc sống của trẻ khi con lên 4 tuổi như đi học mẫu giáo hoặc trẻ có thêm em trai/gái. Những tác động này sẽ gây ra sự thay đổi hành vi của trẻ.
3. Khủng hoảng tuổi lên 4 do vấn đề sức khỏe
Nếu trẻ bị ốm hoặc không thoải mái do sức khỏe có vấn đề, trẻ có thể khóc lóc không rõ lý do, nũng nịu hoặc thậm chí là ăn vạ.
4. Trẻ muốn được chú ý
Trẻ 4 tuổi luôn mong muốn nhận được sự chú ý và tương tác từ người lớn. Nếu con cảm thấy bị phớt lờ, không quan tâm thì sẽ thu hút sự chú ý bằng cách thay đổi hành vi. Biểu hiện là bé thể hiện bản thân, hét lớn, quậy phá…
5. Cha mẹ la mắng hoặc nuông chiều quá mức
Cha mẹ thường la mắng, cáu gắt cũng sẽ khiến trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 4. Đặc biệt, khi con đòi hỏi và không nghe lời, người lớn thường khó chịu và khó kiểm soát được cơn nóng giận. Việc mắng mỏ kéo dài sẽ hình thành ám ảnh tâm lý ở trẻ và kéo theo khủng hoảng.
Ngược lại, sự nuông chiều quá mức từ cha mẹ cũng góp phần vào khủng hoảng tuổi lên 4. Khi trẻ nhận ra mình không cần phải tuân theo quy tắc, trẻ sẽ trở nên khó kiểm soát.
>>> Xem thêm: Time-out là gì và cách dạy con không đòn roi như thế nào?
Cách khắc phục giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4
Mặc dù khủng hoảng tuổi lên 4 chỉ là một giai đoạn tạm thời nhưng bạn cần can thiệp kịp thời. Bởi vì khủng hoảng càng kéo dài sẽ càng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ sau này. Dưới đây là 10 phương pháp giúp bạn khắc phục.
1. Cách xử lý cơn giận dữ
Trẻ luôn được phép có những cảm xúc mạnh mẽ và thể hiện ra bên ngoài. Song con không được phép làm tổn thương ai đó hoặc phá hủy thứ gì đó để bày tỏ cảm xúc của mình.
Bạn hãy giữ bình tĩnh khi con cư xử không đúng mực. Khi giai đoạn giận dữ của trẻ qua đi, hãy giải thích con đã làm gì sai và tại sao điều đó không thể chấp nhận được. Bạn không nên trách mắng khi con giận dữ, bướng bỉnh vì có thể làm tổn thương tâm lý của trẻ. Đó cũng không phải là cách giúp con quản lý hành vi và cảm xúc, dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 4 nghiêm trọng hơn.
2. Khắc phục khủng hoảng tuổi lên 4 khi trẻ nói dối
Khi trẻ nói dối, đừng vội la mắng con. Cách tốt nhất là hãy cùng con trò chuyện về nó. Giải thích tại sao nói dối là điều không nên làm và tại sao nói dối lại khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Bạn muốn khuyến khích bé thành thật với bạn. Vì vậy, hãy cho con biết bạn đánh giá cao sự trung thực của con đến mức nào. Bạn làm điều này càng nhiều thì khả năng con sẽ nói sự thật với bạn càng cao.
3. Cách xử lý khi trẻ nói bậy
Khi trẻ nói bậy, bạn nên có cách xử lý ngay để tránh ảnh hưởng đến tính cách của con sau này:
• Hiểu được nguyên nhân vì sao con nói bậy sẽ giúp bạn đưa ra phản ứng phù hợp.
• Giải thích cho trẻ hiểu về từ ngữ không phù hợp. Vì sao việc nói bậy sẽ làm mọi người buồn hoặc tổn thương?
• Dùng từ ngữ thay thế thích hợp.
• Chơi trò đóng vai và tạo ra các tình huống liên quan để trẻ thực hành việc sử dụng từ ngữ.
>>> Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi theo chuẩn WHO
4. Tạo ra quy tắc
Việc tạo ra các quy tắc cơ bản sẽ tạo nên nền tảng cho mọi mối quan hệ, bao gồm cả mối quan hệ với trẻ. Bằng cách tạo quy tắc, trẻ biết được điều gì có thể chấp nhận được và điều gì không thể chấp nhận được.
Hãy tạo ra các quy tắc tự nhiên. Chẳng hạn, đi ngủ đúng giờ sẽ giúp con dậy sớm. Thức dậy sớm một chút con sẽ có nhiều thời gian vui chơi trước khi đến lớp.
5. Động viên và khen ngợi
Bạn có nhận thấy trẻ làm điều gì tốt không? Khen ngợi những điều tốt đẹp sẽ củng cố những hành vi tích cực và cho trẻ thấy rằng con đang làm đúng.
6. Bỏ qua những hành vi sai trái nhỏ
Đôi khi bé có thể không có ý định làm điều gì đó nhưng vẫn làm vì sự bốc đồng mà con không thể kiểm soát được. Trong trường hợp như vậy, nếu hành vi sai trái là nhỏ, tốt nhất bạn nên bỏ qua.
7. Luôn lắng nghe và quan tâm đến trẻ
Khi trẻ trải qua khủng hoảng tuổi lên 4, trẻ sẽ có nhiều suy nghĩ và nhiều điều muốn bày tỏ với người lớn. Bạn cần lắng nghe để hiểu con hơn và biết được con đang gặp khó khăn vì vấn đề gì. Không nên lắng nghe trẻ một cách hời hợt vì có thể con sẽ bị tổn thương. Hãy cho trẻ thấy bạn luôn đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ cùng con trong tất cả mọi việc.
>>> Xem thêm: Top sữa tăng chiều cao cho bé 4 tuổi được tin dùng nhất năm 2024
8. Tạo môi trường sống tích cực cho trẻ
Môi trường sống sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và tính cách của trẻ. Trẻ 4 tuổi học hỏi và tiếp thu xung quanh rất nhanh. Do đó, một môi trường lành mạnh và tràn đầy tình yêu thương sẽ giúp con dễ dàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4.
9. Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa
Những hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp bé vượt qua khủng hoảng tuổi lên 4 mà còn học thêm nhiều kỹ năng, kết bạn mới… Hơn nữa, tiếp xúc với môi trường mới sẽ giúp bé thay đổi tâm trạng, cảm xúc. Con được thỏa sức vui chơi và quên đi ưu phiền về tâm lý.
10. Nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 4
Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý về hành vi của con bạn nếu:
• Bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự chậm phát triển và rối loạn nhận thức.
• Hành vi của trẻ 4 tuổi ngày càng trở nên tồi tệ hơn mặc dù đã áp dụng biện pháp khắc phục khủng hoảng tuổi lên 4.
• Con luôn ở một mình hoặc tự cô lập mình với các bạn cùng lứa tuổi.
• Con không quan tâm đến mọi thứ trong cuộc sống.
Mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Vậy nên cách trẻ trải qua khủng hoảng tuổi lên 4 cũng khác nhau tùy vào tính cách, môi trường sống… Điều quan trọng là cha mẹ cần có biện pháp khắc phục phù hợp để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này. Hãy luôn nhất quán, kiên nhẫn và nhẹ nhàng nếu bạn muốn đạt được kết quả tích cực. Chúc bạn thành công!
>>> Xem thêm: Top 13 cách dạy con thông minh cha mẹ cần biết