Dấu hiệu trẻ tự kỷ và cách chăm sóc bé mắc chứng tự kỷ
Dấu hiệu trẻ tự kỷ là một trong những vấn đề mà các bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu. Bởi vì điều này cho thấy bé có mắc căn bệnh này hay không. Trẻ em bị tự kỷ sẽ có những biểu hiện như thế nào? Vấn đề này được giải đáp ngay sau đây.
Tự kỷ là gì?
Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD), là một dạng rối loạn thần kinh và phát triển phức tạp. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội như chơi, học và giao tiếp.
Có nhiều dạng tự kỷ ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chứng bệnh này thường khởi phát khi trẻ được 3 tuổi và kéo dài trong những năm sau đó, thậm chí là trong suốt cuộc đời.
Đây được coi là bệnh lý về não. Đáng lo ngại, xã hội càng phát triển thì tình trạng trẻ em mắc chứng tự kỷ càng nhiều. Trong những năm gần đây, tần suất trẻ em bị tự kỷ là 1/1.000 trẻ. Đặc biệt, các bé trai có nguy cơ mắc chứng này nhiều hơn bé gái 4-6 lần.
Nguyên nhân của bệnh tự kỷ
Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ tự kỷ là gì? Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do khiến một đứa trẻ mắc bệnh này. Cụ thể như:
• Do di truyền: Một người có nhiều khả năng mắc chứng tự kỷ hơn nếu có anh chị em hoặc cha mẹ mắc chứng này. Song, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.
• Sinh con khi ba mẹ tuổi cao: Một nghiên cứu của Đan Mạch đã tìm thấy mối liên hệ giữa ASD và tuổi cao của cả cha lẫn mẹ.
• Dùng thuốc trước khi mang thai: Phụ nữ trước khi mang thai nếu sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid có nhiều khả năng sinh con mắc chứng tự kỷ.
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi bị nôn về đêm do đâu, có nguy hiểm không?
Dấu hiệu trẻ tự kỷ ở từng giai đoạn
Một trong những lý do căn bệnh này được gọi là chứng rối loạn phổ tự kỷ bởi vì bệnh có nhiều triệu chứng ở mức độ biểu hiện khác nhau. Trên thực tế, các triệu chứng của chứng rối loạn phát triển này rất đa dạng đến mức bệnh tự kỷ thường bị hiểu lầm và chẩn đoán sai.
Một số trẻ mắc chứng tự kỷ bắt đầu có dấu hiệu ngay từ khi mới được vài tháng tuổi. Thế nhưng, một số bé khác phát triển bình thường trong những năm đầu đời và sau đó lại xuất hiện triệu chứng tự kỷ.
Dấu hiệu tự kỷ là gì? Dưới đây là biểu hiện của chứng tự kỷ trong các giai đoạn cụ thể:
1. Biểu hiện của trẻ tự kỷ ở trẻ sơ sinh
Trước khi bé được 1 tuổi, để phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh tự kỷ, bạn phải chú ý xem liệu bé có đạt được các mốc phát triển hay không.
Trong một nghiên cứu về các dấu hiệu ban đầu của bệnh tự kỷ, các nhà nghiên cứu cho rằng, những biểu hiện bất thường về thị giác và thính giác chính là căn cứ để chẩn đoán căn bệnh này ở trẻ sơ sinh.
Từ 6 tháng tuổi trở đi, các nhà nghiên cứu sẽ dựa theo kỹ năng vận động tinh, kỹ năng giao tiếp để chẩn đoán.
Cụ thể, dấu hiệu tự kỷ ở các em bé sơ sinh thường là:
• Không thể hiện sự quan tâm trên khuôn mặt.
• Không có sự giao tiếp bằng mắt, không cười và có vẻ như đang nhìn thẳng.
• Không phải lúc nào cũng có phản ứng khi nghe thấy âm thanh. Ví dụ: không phản hồi khi được gọi tên hoặc không quay lại để xem âm thanh phát ra từ đâu.
• Không thích được âu yếm hay chạm vào.
• Không thể hiện sự quan tâm đến những trò chơi thông thường của trẻ em, chẳng hạn như ú òa.
• Không có những biểu hiện của việc sử dụng ngôn ngữ như bập bẹ, cười thành tiếng…
• Không có những cử chỉ bình thường như với tay về phía ba mẹ, với tay ra cầm nắm đồ chơi ngay cả khi chúng ở trước mặt bé…
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi biếng ăn: Nguyên nhân và 9 biện pháp khắc phục
2. Dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ
Theo các nhà nghiên cứu, khi được 1 tuổi trở lên, bạn có thể phát hiện ra các dấu hiệu trẻ tự kỷ thông qua cách chơi, cách bắt chước, thói quen ăn uống của con. Cụ thể, gồm các biểu hiện sau:
• Bé không lắc đầu, không vẫy tay tạm biệt hoặc chỉ vào những thứ mình muốn.
• Không nói được các từ đơn khi được 16 tháng hoặc các cụm từ có hai từ khi được 24 tháng.
• Bé không có khả năng bắt chước và lặp lại lời nói.
• Mất kỹ năng xã hội khi được 15 – 24 tháng. Đã từng bập bẹ, nói vài từ hoặc thể hiện sự quan tâm đến mọi người, nhưng giờ thì không.
• Thường tỏ vẻ suy tư, không chú ý tới người khác và chìm đắm trong thế giới riêng của mình.
• Đi bằng ngón chân hoặc không chịu đi.
3. Dấu hiệu trẻ tự kỷ ở bé từ 2 tuổi trở lên
Các nghiên cứu về phổ tự kỷ cho biết rằng biểu hiện tự kỷ ở trẻ 2 tuổi thường rất dễ nhận thấy. Ba mẹ có thể phát hiện được dựa vào tính khí, thói quen đi đại tiện của con và những hành vi thường ngày. Bởi vì bé tự kỷ có tính khí thất thường, hay gặp các vấn đề về tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và đau bụng) nhiều hơn những bé khác.
Biểu hiện của trẻ tự kỷ giai đoạn này là:
• Bé có sự chậm trễ về ngôn ngữ. Trong khi những đứa trẻ bình thường có thể nói được nhiều thì bé tự kỷ gặp khó khăn với ngôn ngữ và giao tiếp. Bé có kiểu nói khác thường như ngập ngừng, giọng the thé, chỉ sử dụng được từ đơn thay vì câu hoặc thường xuyên lặp lại một từ hoặc cụm từ vô nghĩa.
• Con thích chơi một mình, không thích chơi với người khác, kể cả là ba mẹ. Gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì quan hệ bạn bè.
• Có thể thuộc lòng rất tốt, đặc biệt là về bài hát, con số, chữ cái…
• Dường như không hiểu mọi người đang nói gì. Có thể không phản hồi khi nghe gọi tên hoặc không làm theo chỉ dẫn.
• Có những biểu hiện như khóc, cười hoặc la hét bất thường.
• Hiếm khi bắt chước những gì người lớn làm.
• Có thể khóc lóc, ăn vạ, nổi cơn thịnh nộ trước những thay đổi trong cuộc sống (thay đổi món ăn, lớp nhà trẻ…).
• Chơi với đồ vật hoặc đồ chơi theo những cách khác thường (chỉ chơi duy nhất một món đồ chơi nào đó, mở cửa và đóng cửa lặp lại…).
• Thường tự làm đau mình và không ý thức được nỗi đau.
• Thể hiện các hành động lặp đi lặp lại nhiều lần.
• Nhạy cảm với những kích thích khác nhau, như bị kích động bởi tiếng ồn (bịt tai khi nghe), nhạy cảm với mùi…
• Có những biểu hiện sợ hãi mà không có lý do.
• Bị rối loạn giấc ngủ. Nhiều trẻ tự kỷ khó ngủ và thường xuyên thức dậy vào ban đêm hoặc dậy rất sớm.
• Có những biểu hiện về mặt hành vi như không hợp tác, phản kháng, hiếu động, hung hăng…
>>> Đọc thêm: Trẻ 2 tuổi ăn vào là bị nôn: Nguyên nhân và cách chăm sóc
Phải làm gì nếu con bạn bị tự kỷ?
Nếu bạn nhận thấy một số dấu hiệu trẻ tự kỷ, nên đưa con đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội phát triển như những đứa trẻ bình thường khác.
Bộ não khi con còn nhỏ có khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị hiệu quả hơn là khi con lớn. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và có thể chỉ định cho bé dùng các biện pháp can thiệp như trị liệu ngôn ngữ, trị liệu hành vi và nhận thức, vật lý trị liệu, can thiệp giáo dục…
Nếu không may bé bị tự kỷ, đó là một điều đáng lo ngại. Thế nhưng, nhiều trẻ tự kỷ trên thế giới vẫn có cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, ba mẹ đừng nhìn nhận việc con bị mắc chứng tự kỷ dưới góc độ tiêu cực.
Bé sẽ phải chung sống với căn bệnh này suốt đời. Nhưng bạn cũng đừng buồn mà hãy tiếp nhận các phương pháp điều trị để giúp đỡ và hỗ trợ con thuyên giảm bệnh, đồng thời có thể hòa nhập được với cộng đồng.
>>> Đọc thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi theo chuẩn WHO
Cách chăm sóc trẻ bị tự kỷ
Ba mẹ đã biết các dấu hiệu trẻ tự kỷ, song việc chăm sóc bé sẽ như thế nào? Quả thật, nuôi dưỡng và dạy dỗ một đứa bé mắc căn bệnh này sẽ rất vất vả. Thế nhưng, hãy học tập các kỹ năng và chăm sóc bé theo các hướng dẫn sau nhé:
• Thường xuyên bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển trí não của bé, đó là chất béo omega-3, vitamin D và E, kẽm.
• Hãy luôn yêu thương, lắng nghe và động viên con để cùng con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuyệt đối không so sánh bé với những đứa trẻ khác.
• Đặc biệt quan tâm đến sở thích của con nhiều hơn những em bé bình thường khác.
• Thường xuyên chơi với con và tạo cơ hội để bé có thể tương tác với mọi người nhiều hơn. Điều này giúp bé trở nên tự tin, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và những rào cản trong giao tiếp xã hội.
• Ngoài lời nói, ba mẹ nên học giao tiếp phi ngôn ngữ với con. Việc làm theo những hành động hoặc cử chỉ của bé giúp con hiểu và có thể thích nghi với các kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống.
• Ngoài việc đưa con đi trị liệu, bạn cũng nên áp dụng thêm công nghệ để dạy con. Có rất nhiều ứng dụng hoặc trò chơi dành riêng cho các bé tự kỷ, giúp con học tập và phát triển tốt hơn.
• Nên học hỏi các kiến thức chuyên môn trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ. Đừng quên tham gia các hội nhóm ba mẹ có con bị bệnh này để học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
Tóm lại, dấu hiệu trẻ tự kỷ ở mỗi giai đoạn phát triển của bé là khác nhau. Song, là những người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng con, ba mẹ sẽ dễ dàng phát hiện ra điều này. Hãy đồng hành cùng bé để chiến thắng căn bệnh này và mang lại cho con cuộc đời hạnh phúc bạn nhé!
>>> Đọc thêm: 10 đồ chơi cho trẻ 2 tuổi giúp bé thông minh, nhanh nhẹn