5 công thức cháo cá hồi cho bé dễ nấu, đủ đầy dinh dưỡng
Cháo cá hồi cho bé là món ăn rất giàu dinh dưỡng. Nhưng nếu cứ nấu hoài một kiểu, trẻ sẽ dễ ngán, mẹ cũng dễ “bí” thực đơn. Vậy nên, ILO xin gợi ý 5 cách nấu cháo cá hồi cho bé đổi vị mỗi ngày để con ăn ngon miệng, mẹ nấu nhàn tênh.
Lợi ích của cháo cá hồi cho bé là gì?
Giữa muôn vàn thực phẩm bổ dưỡng, cá hồi chính là “nhân vật chính” mà mẹ không nên bỏ qua trong hành trình ăn dặm của con yêu. Dưới đây là những lợi ích nổi bật của cháo cá hồi cho bé:
1. Tốt cho trí não
Cá hồi chứa nhiều axit béo omega-3. Đây là dưỡng chất vàng giúp phát triển não bộ, hệ thần kinh và thị giác của trẻ. Chúng còn hỗ trợ khả năng học hỏi và tập trung ngay từ những năm tháng đầu đời.
2. Làm quen với hải sản
Khi được làm quen với cá hồi từ nhỏ, bé sẽ dễ dàng tiếp nhận hương vị hải sản hơn khi lớn lên. Điều này góp phần hình thành thói quen ăn uống đa dạng và lành mạnh trong tương lai.
3. Cháo cá hồi cho bé hỗ trợ giấc ngủ ngon
Cá hồi không chỉ bổ dưỡng mà còn có thể góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ của trẻ nhờ hàm lượng omega-3 và các vi chất thiết yếu. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp con khỏe mạnh, tỉnh táo và năng động hơn vào ban ngày.
4. Tăng cường hệ miễn dịch
Nguồn vitamin B12, protein, sắt, kẽm, i-ốt dồi dào trong cá hồi tăng cường đề kháng cho bé, giảm nguy cơ mắc các bệnh vặt như cảm cúm hay viêm họng.
5. Tốt cho hệ xương
Cá hồi giàu vitamin D, hỗ trợ trẻ hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Đây là yếu tố then chốt để xương chắc khỏe. Nhờ đó, bé có thể vận động linh hoạt và phát triển chiều cao tốt hơn theo từng giai đoạn.
>>> Xem thêm: Cách nấu cháo ếch cho bé thơm ngon, chuẩn đầu bếp
5 cách nấu cháo cá hồi cho bé ăn dặm
1. Cá hồi nấu cháo gì cho bé? Cháo cá hồi, bí đỏ và hạt sen
Cháo cá hồi kết hợp bí đỏ và hạt sen bổ sung nguồn đạm, vitamin và chất xơ dồi dào, giúp trẻ vừa ăn ngon miệng, vừa tăng cường miễn dịch, lại dễ tiêu hóa. Mẹ hãy cùng vào bếp nấu món cháo siêu dinh dưỡng này thôi nào.
√ Nguyên liệu:
• Gạo tẻ thơm ngon: 20g
• Cá hồi tươi: 30g
• Bí đỏ: 20g
• Hạt sen: 20g
• Dầu ô liu: 1 thìa nhỏ
√ Cách chế biến:
Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu
• Gạo vo sạch, ngâm khoảng 30 phút cho mềm rồi đem ninh nhừ cùng nước.
• Bí đỏ gọt vỏ, cắt hạt lựu nhỏ hoặc hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
• Hạt sen ngâm mềm (nếu là hạt sen khô) rồi bỏ tâm sen cho khỏi đắng, sau đó luộc hoặc hấp chín.
• Rửa cá hồi với sữa tươi không đường để khử mùi tanh. Luộc chín cá cùng vài lát gừng, sau đó nghiền nhuyễn hoặc băm mịn.
Bước 2 – Nấu cháo
• Cho bí đỏ và hạt sen vào nồi cháo khi gạo bắt đầu mềm, tiếp tục ninh đến khi mọi thứ nhuyễn mịn hoặc mẹ có thể dùng máy xay để xay mịn tùy độ tuổi ăn dặm của bé.
• Khi cháo đã chín nhừ, cho cá hồi vào đảo đều. Thêm một thìa dầu ô liu rồi tắt bếp.
Mẹ múc cháo ra bát, để nguội bớt và cho trẻ thưởng thức khi còn ấm. Món ăn vừa ngọt thanh từ bí đỏ, vừa bùi từ hạt sen, lại đậm đà dinh dưỡng từ cá hồi – đảm bảo bé ăn xong vẫn còn “thòm thèm”.
2. Cách nấu cháo cá hồi cho bé kết hợp yến mạch và bí ngòi
Cháo cá hồi nấu cùng yến mạch và bí ngòi là món ăn dặm tuyệt vời để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Cá hồi béo ngọt tự nhiên, kết hợp yến mạch mềm mịn và bí ngòi thanh ngọt khi được nấu lên sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng, thích thú hơn đấy các mẹ nhé.
√ Nguyên liệu:
• Gạo tẻ ngon: 20g
• Cá hồi tươi: 30g
• Yến mạch cán mỏng: 30g
• Bí ngòi: 20g
• Dầu ô liu: 1 thìa nhỏ
√ Cách chế biến:
Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu
• Rửa cá với gừng hoặc sữa tươi không đường để khử mùi tanh. Luộc sơ cá cùng vài lát gừng, sau đó vớt ra, để nguội và xay nhuyễn hoặc tán mịn.
• Gạo vo sạch, ngâm khoảng 30 phút rồi đem ninh nhừ.
• Yến mạch ngâm trong nước ấm khoảng 5 – 10 phút cho mềm, sau đó để ráo.
• Bí ngòi rửa sạch, cắt nhỏ và đem luộc hoặc hấp chín. Tùy độ tuổi của bé, mẹ có thể xay nhuyễn hoặc băm nhỏ để giữ lại độ thô mềm phù hợp.
Bước 2 – Nấu cháo
• Khi gạo đã ninh mềm, cho yến mạch, cá hồi và bí ngòi vào nồi.
• Khuấy đều tay để cháo hòa quyện, sau đó thêm ít dầu ô liu, đảo đều rồi tắt bếp.
• Múc cháo ra bát, để ấm vừa rồi cho trẻ thưởng thức. Món cháo mềm mịn, mùi thơm nhẹ, bé ăn ngon lành, lại dễ tiêu, không lo đầy bụng.
>>> Xem thêm: Trẻ 2 tuổi biếng ăn: Nguyên nhân và 9 biện pháp khắc phục
3. Cháo cá hồi nấu với rau gì cho bé? Nấu cùng cải xanh và nấm hương
Cải xanh chứa nhiều chất xơ và vitamin, nấm hương lại giàu đạm thực vật và kích thích vị giác, kết hợp cùng cá hồi thì vừa tròn vị, vừa siêu bổ dưỡng. Đây là món cháo lý tưởng cho bé từ 8 tháng trở lên.
√ Nguyên liệu:
• Gạo tẻ ngon: 20g
• Cá hồi tươi: 30g
• Nấm hương: 30g
• Cải xanh non (hoặc cải bó xôi): 3 – 5 lá non hoặc bông cải xanh
• Dầu ô liu: 1 thìa cà phê
√ Cách chế biến:
Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu
• Rửa sạch cá với gừng hoặc sữa tươi để khử mùi tanh. Luộc sơ cá với vài lát gừng cho chín rồi vớt ra, để nguội và xay nhuyễn hoặc tán mịn.
• Gạo vo sạch, ngâm khoảng 30 phút cho mềm rồi ninh nhừ.
• Cải xanh và nấm hương rửa sạch, sau đó xay nhuyễn hoặc băm nhỏ tùy vào độ tuổi và khả năng nhai của bé.
Bước 2 – Nấu cháo
• Khi cháo gạo đã chín mềm, cho cá hồi, cải xanh và nấm hương vào nồi.
• Khuấy đều tay cho các nguyên liệu hòa quyện, đun thêm 3 – 5 phút.
• Thêm một thìa dầu ô liu để tăng hương vị, rồi tắt bếp.
Bạn múc cháo ra bát, để nguội vừa phải là trẻ có thể thưởng thức ngon lành rồi.
4. Cháo cá hồi cho bé nấu cùng phô mai, rau chân vịt và cà rốt
Mẹ muốn bổ sung thêm canxi, chất xơ và vitamin A cho bé một cách ngon miệng? Hãy thử nấu cháo cá hồi cùng với phô mai, rau chân vịt (rau bina) và cà rốt. Đây là món cháo không chỉ dễ ăn, màu sắc bắt mắt, lại “gói trọn” dinh dưỡng để hỗ trợ trẻ phát triển cả về trí não, thị lực và chiều cao.
√ Nguyên liệu:
• Gạo tẻ ngon: 20g
• Cá hồi tươi: 30g
• Rau chân vịt (bina): khoảng 8 lá non
• Cà rốt: 1/3 củ (khoảng 20g)
• Phô mai viên dành cho bé: 1 viên
• Dầu ô liu: 1 thìa cà phê
√ Cách chế biến:
Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu
• Cá rửa sạch, luộc sơ với vài lát gừng để khử mùi tanh. Gỡ bỏ xương (nếu có), để nguội rồi xay nhuyễn hoặc tán nhỏ bằng thìa.
• Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, luộc hoặc hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
• Rau chân vịt rửa sạch, chần sơ qua nước sôi và xay nhuyễn để bé dễ tiêu hóa.
• Gạo vo sạch, ngâm 30 phút rồi ninh nhừ với nước lọc hoặc nước luộc rau để cháo thơm và mềm mịn hơn.
Bước 2 – Nấu cháo
Khi cháo gạo đã nhừ, cho cá hồi và cà rốt vào đảo đều, đun lửa nhỏ.
Cháo sôi lại thì thêm rau chân vịt và viên phô mai, tiếp tục khuấy đều để phô mai tan hoàn toàn.
Nêm thêm 1 thìa dầu ô liu để tăng vị béo và bổ sung chất béo lành mạnh cho bé.
Múc cháo ra bát, để nguội bớt rồi cho bé dùng ngay khi còn ấm. Bé sẽ mê tít món cháo mềm mịn, thơm ngậy và nhiều màu sắc này.
5. Cháo cá hồi rau ngót
Món cháo này không chỉ đầy đủ dinh dưỡng và dễ ăn, mà còn giúp trẻ làm quen với vị rau xanh ngay từ sớm. Đặc biệt thích hợp cho những ngày hè oi nóng hoặc khi bé có dấu hiệu bị khó tiêu hay táo bón nhẹ.
√ Nguyên liệu:
• Gạo ngon: 20g
• Cá hồi tươi: 30g
• Rau ngót: khoảng 15 – 20 lá non
• Dầu ô liu: 1 thìa cà phê
√ Cách chế biến:
Bước 1 – Sơ chế nguyên liệu
• Gạo vo sạch, ngâm nước 30 phút rồi ninh cháo cho mềm nhừ.
• Rau ngót nhặt lá non, rửa sạch, chần qua nước sôi rồi xay nhuyễn để bé dễ tiêu hóa.
• Cá hồi rửa sạch, luộc sơ với lát gừng để khử mùi tanh, sau đó xé nhỏ hoặc xay mịn.
Bước 2 – Nấu cháo
• Khi cháo đã mềm, cho cá hồi vào đảo đều, đun thêm vài phút để cá thấm vị.
• Tiếp đến, cho phần rau ngót xay nhuyễn vào nồi, khuấy đều tay và nấu thêm 5 phút ở lửa nhỏ để rau chín kỹ nhưng vẫn giữ được màu xanh bắt mắt.
• Thêm dầu ô liu để bổ sung chất béo lành mạnh.
Bạn múc cháo ra bát, để nguội bớt rồi cho bé dùng khi còn ấm.
>>> Xem thêm: Các món ăn cho bé 3 tuổi thơm ngon, giàu dinh dưỡng
Mẹo nấu cháo cá hồi cho bé đúng cách
Để món cháo cá hồi cho bé vừa ngon miệng, lại giữ trọn dưỡng chất, mẹ đừng bỏ qua những lưu ý quan trọng sau đây.
1. Khi nào mẹ có thể cho bé làm quen với cá hồi?
Với những bé khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng, mẹ có thể cho bé thử cá hồi từ khoảng 7 tháng tuổi. Nên bắt đầu với khoảng 1 thìa nhỏ cá hấp hoặc xay nhuyễn, trộn cùng cháo rau củ để bé làm quen dần với mùi vị mới.
2. Cách chế biến cá hồi giữ trọn dinh dưỡng
• Nên hấp chín mềm cá hồi thay vì chiên/rán, để giữ nguyên lượng DHA và vitamin cần thiết cho bé. Không nên chiên cá ở nhiệt độ cao, vì dễ sinh ra chất béo không tốt và làm mất dưỡng chất tự nhiên.
• Nếu bé chưa ăn thô tốt, mẹ hãy xay mịn cá để bé dễ nuốt hơn.
3. Mẹo nấu cháo cá hồi cho bé “chuẩn ngon”
• Không nên quấy cháo nhiều khi đang ninh, vì sẽ làm cháo bị vữa, mất độ thơm ngon tự nhiên.
• Luôn dùng nước nóng để nấu cháo. Cách làm này giúp gạo giữ được nhiều dưỡng chất hơn so với dùng nước lạnh.
4. Chế biến đúng lượng, tránh hâm đi hâm lại
Giai đoạn ăn dặm, trẻ ăn rất ít, nên mẹ chỉ nấu vừa đủ mỗi bữa. Nếu nấu nhiều cháo, mẹ có thể rây nhuyễn rồi trữ đông, tuyệt đối không nên hâm cháo nhiều lần trong ngày, vì sẽ làm bay hơi vitamin và mất mùi vị hấp dẫn.
5. Lựa chọn rau củ đúng cách
Ưu tiên rau củ theo mùa, tươi sạch, tránh thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có điều kiện, mẹ hãy chọn rau hữu cơ hoặc rau nhà trồng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ tiêu hóa non nớt của bé.
6. Rã đông thực phẩm đúng cách
Với cá hồi đông lạnh, mẹ tuyệt đối không rã đông bằng nước nóng hay để ngoài nhiệt độ phòng, vì dễ khiến vi khuẩn sinh sôi. Cách tốt nhất là mẹ đưa thực phẩm xuống ngăn mát tủ lạnh từ đêm hôm trước để rã đông từ từ, vẫn giữ độ tươi và chất dinh dưỡng.
Tóm lại, nấu cháo cá hồi cho bé không khó. Nhưng, để món ăn giữ trọn dưỡng chất lại đảm bảo an toàn, mẹ hãy lưu ý vài điều như trên nhé. Chúc mẹ sẽ thành công với các công thức cháo cá hồi và tận hưởng từng khoảnh khắc vui vẻ trong hành trình ăn dặm cùng bé yêu.
>>> Xem thêm: 15 loại thực phẩm tăng chiều cao cho trẻ em