Các bước rửa tay cho trẻ mầm non: Thực hiện sao cho đúng?
Các bước rửa tay cho trẻ mầm non là một trong những kỹ năng quan trọng trẻ cần phải học để tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh. Thế nhưng, cách giúp trẻ hình thành thói quen lành mạnh này cũng cần đến một vài “bí kíp” đấy. Cùng ILO khám phá các bước rửa tay đúng cách cho trẻ mầm non với hình ảnh minh họa chi tiết nhé!
Hướng dẫn các bước rửa tay cho trẻ mầm non
Rửa tay là một kỹ năng quan trọng bé cần được dạy từ sớm. Việc thiết lập một thói quen rửa tay tốt sẽ giúp ngăn ngừa vi trùng và virus lây lan mầm bệnh, giữ cho trẻ khỏe mạnh.
Trình tự hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách cho trẻ mầm non như sau:
• Trước tiên, bạn hãy giải thích cho con biết về lợi ích của việc rửa tay.
• Nói cho trẻ biết thời điểm nào nên rửa tay và rửa trong bao lâu?
• Dạy kỹ năng bằng việc dùng hình ảnh các bước rửa tay cho trẻ mầm non. Trẻ có thể hiểu thông qua hình ảnh trực quan và làm theo được.
• Ngoài ra, bạn có thể làm mẫu cho trẻ xem vài lần để con ghi nhớ.
• Có thể tạo niềm vui cho bé trong quá trình rửa tay để con cảm thấy hứng thú hơn. Ví dụ như hát một bài hát, dùng xà bông rửa tay có nhiều màu sắc, hình dạng ngộ nghĩnh…
• Đảm bảo bồn rửa tay và xà bông ở vị trí vừa tầm với của trẻ.
>>> Xem thêm: 5 cách dạy trẻ 3 tuổi bướng bỉnh hiệu quả nhất hiện nay
Cách dạy trẻ hiểu về lợi ích của rửa tay
Một điều hiển nhiên đối với người lớn không phải lúc nào cũng hiển nhiên đối với trẻ nhỏ. Tùy theo lứa tuổi của bé, hãy nói cho con biết mặc dù vi trùng và virus vô hình nhưng chúng vẫn có thể tồn tại và gây bệnh. Không ai thích bị đau ốm. Vậy nên rửa tay là cách an toàn giúp trẻ và mọi người xung quanh không bị nhiễm bệnh.
Đừng quên giải thích cho con biết rằng rửa tay thường xuyên cũng quan trọng như đánh răng hoặc ăn một bữa ăn lành mạnh.
Trong trường hợp trẻ quá nhỏ chưa hiểu được, bạn có thể tạo ra một trò chơi để con có hứng thú làm quen. Ví dụ như tổ chức một “cuộc săn lùng vi trùng vô hình”, loại bỏ những sinh vật nguy hiểm trên tay con bằng vũ khí duy nhất có thể tiêu diệt chúng – xà phòng.
>>> Xem thêm: 10 thí nghiệm cho trẻ mầm non dễ làm và thú vị
Dạy trẻ thời điểm nào nên rửa tay và rửa trong bao lâu?
1. Thời điểm nào nên rửa tay?
Trẻ nên rửa tay trước khi:
• Ăn uống hoặc cùng tham gia làm đồ ăn (ví dụ làm bánh).
• Chạm vào miệng, mắt hoặc mũi của mình.
• Chạm vào vết xước, vết thương trên người.
Trẻ cũng nên rửa tay sau khi:
• Ăn uống.
• Đi vệ sinh.
• Hắt hơi, ho hoặc xì mũi.
• Chơi với thú cưng hoặc các con vật khác.
• Chơi đồ chơi hoặc đến nơi công cộng
• Ở gần hoặc tiếp xúc với người bệnh.
• Chạm vào rác.
• Khi tay trẻ có vết bẩn.
2. Trẻ nên rửa tay trong bao lâu?
Dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 – 30 giây. Bởi vì nếu chà và rửa nhanh sẽ không loại bỏ được vết bẩn và vi khuẩn trên tay. Trẻ nhỏ chưa có khái niệm về thời gian nên hãy đặt đồng hồ hẹn giờ trong 20 giây hoặc cho trẻ hát bài “chúc mừng sinh nhật” hoặc bài hát theo bảng chữ cái ABC 2 lần.
>>> Xem thêm: Bí quyết xây dựng tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non chuẩn nhất
Hình ảnh các bước rửa tay cho trẻ mầm non
Bạn hãy dùng hình ảnh các bước rửa tay cho trẻ mầm non để dạy trẻ làm theo.
Bước 1: Làm ướt tay dưới vòi nước chảy và thoa đủ xà phòng lên bàn tay ướt, tạo bọt.
Bước 2: Chà xát xà phòng trên mọi bề mặt trong lòng bàn tay.
Bước 3: Xoa xà phòng và chà xát lên 2 mu bàn tay, chà xuống cổ tay.
Bước 4: Xoa xà phòng và chà xát giữa các kẽ ngón tay
Bước 5: Xoa xà phòng và chà xát quanh vùng ngón cái.
Bước 6: Chà xát xà phòng quanh móng tay.
Bước 7: Rửa sạch tay dưới vòi nước.
Bước 8: Lau khô tay bằng khăn sạch.
Các bước rửa tay đúng cách cho trẻ mầm non với nước rửa tay khô
Dùng xà phòng và nước là cách tốt nhất vì chúng loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, dầu mỡ và vi trùng. Trong trường hợp bạn không có nước và xà phòng thì có thể hướng dẫn các bước rửa tay cho trẻ mầm non với nước rửa tay khô. Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng nước rửa tay khô loại dành cho trẻ nhỏ để bảo vệ da tay cho trẻ.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Cho một lượng gel hoặc bọt rửa tay vừa đủ vào lòng bàn tay. Không sử dụng nước.
Bước 2: Thoa đều gel hoặc bọt lên tất cả các bề mặt của cả hai tay và các ngón tay.
Bước 3: Chà xát hai bàn tay vào nhau cho đến khi tay khô hoàn toàn.
>>> Xem thêm: [DIY] 4 cách làm hoa bằng giấy đơn giản nhưng độc lạ
Làm thế nào để khuyến khích trẻ rửa tay?
1. Hướng dẫn các bước rửa tay cho trẻ mầm non gắn liền với các hoạt động vui vẻ
Hãy biến việc rửa tay trở nên thật thú vị và dễ dàng cho con bằng cách:
• Đặt 1 chiếc ghế đẩu chắc chắn để bé có thể tự mình đứng lên và rửa tay (nếu bồn ở vị trí cao). Luôn để xà bông trong tầm với của con. Có thể đặt 1 chiếc đồng hồ bấm giờ cạnh bồn rửa để con đếm ngược từ 20 giây.
• Cùng con hát bài hát “Chúc mừng sinh nhật” hoặc bài hát về chữ cái ABC 2 lần trong khi trẻ rửa tay. Đó là thời gian thích hợp để bé hoàn thành quá trình này.
• Dùng loại xà bông có màu sắc sặc sỡ, tạo nhiều bọt, hình dạng thú vị và có mùi thơm an toàn cho trẻ.
• Nếu việc bắt con bạn rửa tay giống như một cuộc chiến, hãy biến nó thành một trò chơi. Khuyến khích trẻ sử dụng xà phòng và nước bằng cách dạy con về vi trùng một cách trực quan. Hãy thử rắc một ít kim tuyến lên tay trẻ để tượng trưng cho “vi trùng”. Trẻ có thể thấy việc rửa sạch “vi trùng” bằng xà phòng dễ dàng hơn nhiều.
• Lập biểu đồ rửa tay với những thời điểm quan trọng mà trẻ nên rửa tay ở nhà. Trẻ sẽ thích đánh dấu vào biểu đồ rửa tay như “phần thưởng” cho sự cố gắng của mình.
2. Bạn tự thực hiện các bước rửa tay đúng cách cho trẻ mầm non để trẻ làm theo
Trẻ học tốt nhất khi có ai đó làm gương tốt. Vì vậy, bằng cách tự rửa tay trước mặt con mình, bạn không những dạy trẻ thực hiện đúng cách mà còn giúp trẻ hiểu thói quen rửa tay là điều quan trọng và cần thiết. Ngoài ra, bạn có thể khuyến khích cả gia đình cùng rửa tay vào 1 thời điểm để trẻ có hứng thú thực hành.
3. Luôn nhắc nhở và giúp trẻ rửa tay đúng cách
Trẻ sẽ rửa tay nếu thấy rõ vết bẩn, như bùn hoặc vết sơn trên ngón tay. Trẻ cũng cần được nhắc nhở để rửa sạch vi trùng không thể nhìn thấy được. Bạn hãy luôn kiên nhẫn khi dạy các bước rửa tay cho trẻ mầm non. Đừng quên dành cho trẻ nhiều lời khen ngợi và động viên. Đó là cách tuyệt vời để giúp con lặp lại thói quen đơn giản nhưng quan trọng này.
>>> Xem thêm: Nuôi dạy con thông minh: Bí quyết thấu hiểu tâm lý trẻ 3 tuổi
Bạn có biết không?
1. Rửa tay bằng nước ấm hay nước lạnh tốt hơn?
Bạn có thể sử dụng bất kỳ nhiệt độ nước nào để rửa tay. Nước lạnh và nước ấm đều có hiệu quả như nhau trong việc tiêu diệt vi trùng và virus – miễn là trẻ rửa tay cùng với xà phòng.
2. Làm khô tay có quan trọng không?
Vi trùng lây lan dễ dàng hơn từ da ướt so với da khô. Vì vậy làm khô tay là một trong các bước rửa tay cho trẻ mầm non quan trọng. Hãy lau khô tay bằng vải sạch sau khi rửa.
3. Xà phòng hay nước rửa tay – Cái nào tốt hơn?
Nhìn chung, rửa tay bằng xà phòng, nước và nước rửa tay khô, khi thực hiện đúng cách, đều có hiệu quả cao trong việc tiêu diệt hầu hết vi trùng và mầm bệnh.
Nhưng nếu tay bạn bị bẩn, bạn nên ưu tiên rửa tay bằng xà phòng và nước. Mặc dù nước rửa tay khô thường thuận tiện hơn khi bạn ở ngoài nhưng lại kém hiệu quả hơn trong việc loại bỏ vết bẩn.
Ngoài ra, nước rửa tay khô không tiêu diệt được các loại vi khuẩn và virus, chẳng hạn như một số loại virus gây tiêu chảy. Nó cũng có thể độc hại nếu nuốt phải và cần được cất giữ ngoài tầm với của trẻ. Trẻ chỉ dùng khi có sự giám sát của người lớn.
>>> Xem thêm: 7 cách đơn giản dạy trẻ 2 tuổi học màu sắc
Bàn tay là một trong những nơi chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh nhất. Rửa tay thường xuyên sẽ loại bỏ những vi khuẩn này. Bạn hãy dạy cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc rửa tay và hướng dẫn các bước rửa tay cho trẻ mầm non đúng cách. Đó là điều quan trọng để giúp trẻ tự học cách bảo vệ sức khỏe của chính mình.